Bài 1: Cải tạo nhà tập thể cũ – Bài toán cũ cần cách giải mới

Sự phát triển của đô thị hiện đại, nhịp sống và yêu cầu chất lượng cuộc sống ngày càng gia tăng đòi hỏi Hà Nội phải không ngừng chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân theo hướng tiên tiến, văn minh, trong đó, không thể không đặt vấn đề cải tạo lại các khu tập thể cũ, chung cư cũ tại địa bàn.

Việc triển khai thực hiện Đề án và các Kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố nhất là với các địa bàn “nóng” về thực trạng xuống cấp khu tập thể, chung cư cũ như Ba Đình, Đống Đa… đã và đang được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đẩy mạnh hơn bao giờ hết, nhất là đề ra mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với 10 khu chung cư cũ lựa chọn triển khai ban đầu giai đoạn 2021-2025, trong đó, đề nghị các quận Ba Đình, Đống Đa tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai đối với các chung cư cũ thuộc khu tập thể: Thành Công, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Khương Thượng, Trung Tự, Kim Liên.

Tình trạng xuống cấp của các khu tập thể cũ đến mức báo động

Trong quá trình khảo sát thực tế một vài khu tập thể cũ trên địa bàn phường Thành Công, quận Ba Đình, phóng viên Báo Nhân Dân đã gặp gỡ ông Phan Trọng Quân, sinh năm 1958, Tổ trưởng Tổ 18, cụm dân cư số 10 khu E Thành Công.

Theo chân ông Quân, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những khu vực xuống cấp nghiêm trọng của các dãy nhà trong liên khu tập thể cũ 5 tầng được xây dựng từ những thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Riêng khu E, dãy E1-E2-E7 thì do sụt lún nền đã nghiêng bẻ dọc về phía Đông tới 10 phân từ năm 2010; dãy E6 bị sụt lún tường, bong tróc trần, đã có gia cố các khung thép chằng chịt vẫn có nguy cơ đổ; dãy E7 tường nhà mục, các đầu hồi, đầu cầu thang có hiện tượng nứt, lún… Cộng với diện tích theo quy định cũ cách đây hàng chục năm nhỏ nên hiện tượng cơi nới, chuồng cọp là phổ biến khiến cho không gian sống càng bị xâm lấn, chật chội.

Trước đó, hơn chục năm cũng đã có khảo sát để xây lại mới nhưng do nhiều lý do bị trì hoãn, không triển khai. Vì thế, khi có đề án cải tạo mới của Thành phố Hà Nội, gia đình tôi cùng đa số hộ dân khác ở đây đều ủng hộ. Nghe thông tin quy hoạch các khu mới và cho tái định cư tại chỗ với các khu nhà chung cư mới lên tới 20 tầng, 36 tầng và đặc biệt trước thông báo mới nhất là có thể lên tới 40 tầng, chúng tôi rất phấn khởi.
Ông Phan Trọng Quân

Cá nhân ông Quân ở dãy E1 từ năm 1994 cho đến nay và chứng kiến sự xuống cấp nghiêm trọng của toà nhà nơi mình ở hàng ngày, hàng giờ. Tâm sự với phóng viên, ông cho biết “trước đó, hơn chục năm cũng đã có khảo sát để xây lại mới nhưng do nhiều lý do bị trì hoãn, không triển khai. Vì thế, khi có đề án cải tạo mới của Thành phố Hà Nội, gia đình tôi cùng đa số hộ dân khác ở đây đều ủng hộ. Nghe thông tin quy hoạch các khu mới và cho tái định cư tại chỗ với các khu nhà chung cư mới lên tới 20 tầng, 36 tầng và đặc biệt trước thông báo mới nhất là có thể lên tới 40 tầng, chúng tôi rất phấn khởi”.

Chung chia sẻ này, ông Phùng Gia Thái, 68 tuổi, dân cư nhà tập thể E1 bày tỏ sự ủng hộ với việc cải tạo khu tập thể cũ nhưng mong muốn Nhà nước cân đối, bảo đảm quyền lợi của người dân hài hoà, hiệu quả. Bà Trần Thị Tý, tiểu thương khu tập thể, mở hàng ăn ngay tầng 1 tại nhà E6, khu nhà xuống cấp nhất khu E hiện nay chia sẻ thêm, nhà cô ở tầng 1 và đồng tình với việc xây dựng lại theo chủ trương.

Một hộ dân khác, bà Nguyễn Thị Hằng, hộ dân ở tầng 1 nhà B4 cho biết thêm, các khu nhà B4, E2 khi mưa to hay ngập lụt. Dù nửa đêm các hộ dân cũng phải dậy để lấy bảng gỗ chặn cửa nếu không nước cống rác bẩn sẽ theo nước vào nhà.

Tiếp xúc, gặp gỡ các hộ dân nơi đây, chính quyền địa phương và phóng viên đều có chung nhận định: Các hộ dân đều chung băn khoăn về việc nếu đồng ý chủ trương di dời để xây dựng mới lại thì họ sẽ phải chờ đợi bao lâu?

Nhìn trường hợp nhà C1 trước đó đã được xây dựng lại nhưng phải mất tới 13 năm người dân mới có thể được chuyển về lại nhà mới, năm nay tôi đã 68 tuổi, liệu có thể sống tới ngày nhận nhà mới hay không?”- Ông Phùng Gia Thái băn khoăn. Ngoài ra, các hộ dân cũng chung lo lắng việc đền bù có đáp ứng nguyện vọng giữa các bên hay không?

Các cấp ủy, chính quyền và liên quan đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đã có 14/15 quận, huyện thành lập Ban Chỉ đạo của địa phương và ban hành kế hoạch triển khai (còn 01 huyện Thanh Trì chưa ban hành kế hoạch triển khai do có 02 nhà chung cư nằm trong phạm vi đất an ninh, quốc phòng và mở đường theo quy hoạch).

Xây mới với quy mô lên tới 40 tầng nhưng không được phép gia tăng dân số cơ học

Tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường Thành Công, trả lời thắc mắc của phóng viên Báo Nhân Dân về thực trạng khu tập thể cũ trên địa bàn, ông Ngô Ngọc Lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thành Công thông tin, các nhà chung cư, tập thể cũ trên địa bàn phường đều xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, đều đã cũ và không đáp ứng tiêu chuẩn của điều kiện sinh sống hiện tại. Hạ tầng cơ sở xuống cấp nên việc cải tạo chung cư, tập thể cũ là nhiệm vụ bắt buộc.

Từ giữa năm 2024, Quận Ba Đình đã giao cho Ban quản lý dự án Quận mời các đơn vị tư vấn đưa ra phương án khảo sát hiện trạng đất nền và khu nhà tập thể cũ đang như thế nào và hướng giải quyết. Trên tinh thần chỉ đạo của Thành phố, quy mô dân số không được tăng, nhà mới có thể xây cao nhưng diện tích còn thừa sẽ được đưa vào quỹ sử dụng chung. Quan điểm ưu tiên của Thành phố nhấn mạnh phá dỡ các khu tập thể cũ xuống cấp nghiêm trọng để xây dựng mới nhưng không được phép gia tăng dân số cơ học nghĩa là bảo đảm quy mô dân số trên địa bàn như hiện trạng ban đầu chưa cải tạo.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thành Công Ngô Ngọc Lâm

Mới đây nhất, trong cuộc họp của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đồng chí Phó Chủ tịch thành phố cũng đã đưa ra phương án của Quận Ba Đình trong đó có phường Thành Công thì cho phép đề xuất trong khu lõi có thể xây lên 40 tầng nhằm tạo điểm nhấn và đáp ứng tiêu chuẩn đô thị hiện đại, mở rộng. Theo phương án đó, phường sẽ có hai con đường lớn cắt đôi phường, một con đường lớn theo trục trung tâm chạy thẳng lên hồ Thành Công và một con đường lớn nữa kết nối từ Láng Hạ cắt thẳng ra hồ. Các đường cũ cơ bản giữ nguyên và các nhà thấp tầng để nguyên chỉ tác động vào phần khu tập thể…

Cũng theo đồng chí Ngô Ngọc Lâm, với các kỹ thuật xây dựng hiện đại, tiên tiến như hiện nay, việc xây dựng toà nhà chỉ mất tối thiểu 1,5 năm và tối đa 2 năm là xong. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với tính khả thi của dự án vẫn là đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân và chủ đầu tư, người dân hoan hỷ nhận nhà mới và chủ đầu tư có lợi nhuận khi nhận dự án, hoàn thành và nghiệm thu sau đó.

"Rất ít phường có diện tích 0,647km2 mà có tới 5 trường học trong đó gồm 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở, quy mô dân số đạt khoảng 2,7 vạn cộng thêm đa phần hộ dân sinh sống ở đây đã là thế hệ thứ ba cho thấy sức ép cư dân phường đang phải gánh chịu lớn đến mức nào".

Chủ tịch phường Thành Công
Ngô Ngọc Lâm

Luật Nhà ở 2023 - Khơi thông vướng mắc cải tạo nhà tập thể cũ

Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đến hết năm 2024 cũng mới chỉ đạt hơn 1,1% kế hoạch, với 19 khu được triển khai cải tạo, xây dựng lại.

Việc cải tạo chung cư cũ vẫn chưa thực hiện được do có nhiều nguyên nhân vướng mắc. Một trong những nguyên nhân chủ đạo là là cân đối lợi ích của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Một trong những vướng mắc nhất trong hệ thống văn bản luật đó là Nghị định 101/2015/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014), cho phép người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; Nghị định cũng không quy định cụ thể về hệ số bồi thường (hệ số K)... nên đã dẫn đến việc các hộ dân và chủ đầu tư không tìm được tiếng nói chung, khiến cho công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ tại đây không thể triển khai theo đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra.
Ông Phan Trọng Quân

Quay trở lại câu chuyện với ông Phan Trọng Quân, Tổ trưởng Tổ 18, cụm dân cư số 10 khu E Thành Công, cho biết: Hơn 10 năm trước, khoảng năm 2012-2013, chính quyền và các nhà đầu tư cũng đẩy mạnh việc cải tạo, xây mới lại khu tập thể trên địa bàn phường Thành Công nhưng khi đó nhiều hộ dân sinh sống ở đây, đặc biệt những người dân khu tầng 1 các tòa nhà hầu hết không đồng thuận được hệ số đền bù thỏa đáng theo mong muốn của họ. Vì thế, không đạt được đồng thuận 100% dân cư nên dự án cứ dừng lại từ đó đến nay.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nhân Dân, những vướng mắc về quy định tại Luật Nhà ở 2014 và một số Nghị định hướng dẫn thi hành đã khiến các dự án cải tạo nhà tập thể cũ dậm chân tại chỗ.

Một trong những vướng mắc nhất trong hệ thống văn bản luật đó là Nghị định 101/2015/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014), cho phép người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; Nghị định cũng không quy định cụ thể về hệ số bồi thường (hệ số K)... nên đã dẫn đến việc các hộ dân và chủ đầu tư không tìm được tiếng nói chung, khiến cho công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ tại đây không thể triển khai theo đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Luật Nhà ở 2023 đã kế thừa, phát huy những điểm tích cực của Luật Nhà ở 2014, đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế đồng thời tháo gỡ khó khăn, bất cập tạo đột phá cho công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ trong thời gian tới đây.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRE), Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định: Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất trong Luật Nhà ở 2023 đó là quy định về tỷ lệ người dân đồng thuận, nếu như trước đây phải có 100% sự đồng thuận từ các chủ sở hữu tại khu nhà, thì theo luật mới chỉ cần ít nhất 70% tổng số chủ sở hữu tham gia lấy ý kiến quy hoạch và 75% trong số đó đồng thuận là đã đủ điều kiện để tháo dỡ công trình.

Bên cạnh đó, việc chưa có quy định cụ thể về hệ số K tại Luật Nhà ở 2014 để tính giá đất bồi thường, giá thuê nhà ở sau khi đầu tư xây dựng lại, giá trị căn hộ được xác định sau khi quy đổi diện tích và giá trị nhà ở phục vụ tái định cư trong trường hợp tái định cư tại địa điểm khác đã được khắc phục.

Theo Luật Nhà ở 2023, hệ số K sẽ được các địa phương linh động triển khai dựa vào vị trí và giá trị của những ô đất mà các khu chung cư, nhà tập thể cũ đang tọa lạc và sẽ được tính biến động, điều chỉnh cao gấp từ 1-2 lần.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính cũng đánh giá: Điểm nhấn trong Luật Nhà ở 2023 đó là quy định về phương án “quy gom chung cư cũ”, theo đó đối với những khu nhà riêng lẻ, độc lập sẽ được quy gom lại và nâng chiều cao công trình xây dựng mới để dành diện tích cho hạ tầng công cộng (cây xanh, khuôn viên, sân chơi...). Điều này sẽ giúp cho chính quyền địa phương thuận lợi hơn và phía doanh nghiệp cũng tích cực hơn trong việc tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ; người dân cũng hài lòng bởi không phải thay đổi nơi ăn chốn ở vốn đã quen thuộc hoặc phải chuyển vào những khu tái định cư thiếu hạ tầng, tiện ích dịch vụ.

Điều 63, Luật Nhà ở 2023 quy định “Cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” gồm:

1Chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, bao gồm: diện tích đất xây dựng nhà chung cư hiện hữu, nhà ở riêng lẻ hiện hữu (nếu có), diện tích đất xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, công trình công cộng, diện tích đất có công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội và công trình khác, kể cả diện tích đất có tài sản công thuộc phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

2 Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Được kinh doanh đối với diện tích nhà ở còn lại sau khi đã thực hiện bố trí tái định cư và diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại trong phạm vi dự án. Chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi bán căn hộ thuộc nhà chung cư được cải tạo, xây dựng lại trên diện tích đất xây dựng nhà chung cư hiện hữu sau khi đã bố trí tái định cư. Đối với phần diện tích được kinh doanh ngoài phạm vi được miễn, không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại điểm này và điểm a khoản này, chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về đất đai;

3Chủ đầu tư được vay vốn theo quy định của pháp luật từ Quỹ phát triển đất, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác; ứng trước kinh phí từ tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện giải phóng mặt bằng; được thu tiền mua, tiền thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong phạm vi dự án để thực hiện dự án;

4Chủ đầu tư được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

5Chủ đầu tư được hưởng uu đãi về thuế, tín dụng và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Ngày xuất bản: 27/3/2025
Chỉ đạo: Kim Phương Bình
Thực hiện: Việt Hà - Kim Cương - Khánh Bách - Mai Anh - Hồng Vân-
Hạnh Vũ - Thành Đạt