Cái "ngưỡng" của thông tin

NDO -

NDĐT - Vụ tai nạn kinh hoàng ở Quảng Nam lấy đi sinh mạng của 13 con người khi gia đình chú rể đi đón dâu không chỉ là nỗi đau của gia đình các nạn nhân, mà còn của cả xã hội. Nhưng với cách đưa tin sa vào chi tiết để câu view của nhiều cơ quan truyền thông dường như đã khoét sâu thêm nỗi đau này.

Hiện trường vụ tai nạn xe đầu kéo đối đầu xe rước dâu khiến 13 người thiệt mạng. (Ảnh: TẤN NGUYÊN)
Hiện trường vụ tai nạn xe đầu kéo đối đầu xe rước dâu khiến 13 người thiệt mạng. (Ảnh: TẤN NGUYÊN)

Ngoài thông tin về hiện trường, tình hình sức khỏe của những người sống sót, từng đoàn phóng viên đổ về quê nhà chú rể, nhà cô dâu để cập nhật thông tin đến từng giờ, với báo mạng là từng phút. Những dòng tít hot đến độ người ta tự thấy mình có lỗi nếu không xem, không xem. Họ hàng của chú rể bổng chốc thành những người nổi tiếng khi tên tuổi họ xuất hiện dày đặc trên các trang báo, kèm theo những câu chuyện đẫm nước mắt. Gia đình nào càng nhiều người qua đời trong tai nạn, càng được truyền thông quan tâm săn sóc. Bằng cách nào đó có tờ báo còn tiếp cận mẹ cô dâu để kịp thời đưa tâm sự của bà về chàng rể hụt xấu số.

Riêng đám tang chú rể đặc biệt thu hút giới truyền thông. Nhiều giờ trước khi đám tang bắt đầu, nhiều tay máy đã chực chờ để săn những khuôn hình “câu like” nhất. Tất nhiên, điều người ta chờ đợi nhất là sự thể hiện nỗi đau của cô dâu. Chỉ một vài tờ báo có chút tế nhị khi làm mờ hình cô khi đưa mạng. Nhiều tờ báo mạng chọn cách tường thuật tỉ mỉ diễn biến của đám tang, mô tả sự đau đớn vật vã của cô dâu để thu hút người đọc.

Cách đó vài ngày, khi hai phi công lái chiếc Su-22 hy sinh vì gặp nạn khi bay tập huấn trên bầu trời Nghệ An, thậm chí, truyền thông, báo chí còn nhiệt tình, năng nổ hơn khi khai thác được những “của độc” là những bài phỏng vấn chi tiết cả bố mẹ, vợ và câu chuyện về những đứa con của người chiến sĩ phi công, về tiếng con gọi cha khi nghĩ cha vẫn bay trên bầu trời, về những kỷ niệm của vợ chồng anh chị ...

Cũng đưa tin về thảm kịch sau cơn lũ dữ ở Yên Bái hồi năm ngoái, có người bị phê bình vì đưa tin chậm hơn so với các báo đến mấy giờ đồng hồ. Người phóng viên này tâm sự: “Tang thương quá. Đau đớn cho cả người sống lẫn người chết. Mình đến hiện trường, mang đủ máy móc. Nhưng tâm trạng quá, vật vã mãi mới ra được sản phẩm”. Gần đây, người ta nói nhiều đến hai từ “thấu cảm”. Hóa ra thấu cảm cũng có mặt trái. Phóng viên sẽ không thể đưa tin, hay chụp được những bức hình như ý nếu như “thấu cảm”.

Hình như khi thông tin về những tai nạn, thảm họa, hay nỗi đau phải là người có bản lĩnh vượt qua thấu cảm mới chụp được những bức ảnh, mới giật được những thông tin để đời.

Mới đây, sự kiện đội bóng nhí Lợn Rừng và huấn luyện viên (Thái-lan) mắc kẹt trong hang Tham Luang ở độ sâu nhiều kilomet đặc biệt thu hút giới truyền thông, kể cả những hãng truyền thông lớn nhất thế giới cũng túc trực tại hiện trường săn tin, nhưng điều lạ là rất ít thông tin về các cậu bé lọt ra ngoài. Ngay cả khi những cậu bé đầu tiên được cứu khỏi hang, nhà chức trách cũng không công bố danh tính các cậu bé. Chỉ một cuộc phỏng vấn duy nhất diễn ra sau khi tất cả các cậu bé được giải cứu và trải qua một thời gian hồi phục trong bệnh viện. Nhà chức trách yêu cầu các phóng viên không phỏng vấn bố mẹ hay các cậu bé trong vòng 30 ngày. Và người Thái-lan vẫn nghiêm túc thực hiện.

Người Thái đã rất nhân văn khi không muốn những đứa trẻ của họ có thêm những tổn thương về tinh thần. Giới truyền thông không chạy đua, cũng không có cơ hội kiếm chác thông tin trên nỗi đau của người khác. Các nạn nhân đã thật sự được bảo vệ trong môi trường thông tin chuyên nghiệp và nhân văn.