Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân ta trong thế kỷ XX. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào mùa thu năm 1945 đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta. Nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Cách mạng Tháng Tám mở rộng cửa để đất nước và dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Hơn bảy thập niên qua, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã viết tiếp những trang sử anh hùng. Đã tiến hành và giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến cứu nước ròng rã 30 năm, đánh thắng hai đế quốc to, thực hiện trọn vẹn độc lập, thống nhất cho Tổ quốc. Đã sáng tạo nên công cuộc đổi mới toàn diện, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cách mạng Tháng Tám đưa lại cho Đảng và nhân dân ta nhiều bài học quý báu. Nổi lên hàng đầu là bài học vô giá về xây dựng Đảng, bài học mà tôi xin dành trọn bài viết này để nói tới.

Những ngày tháng Tám sôi sục ở Thủ đô Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. (Ảnh: TTXVN phát)

Những ngày tháng Tám sôi sục ở Thủ đô Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, trực tiếp tham gia chiến đấu bên cạnh các cơ sở, lực lượng dân quân ở các địa phương, đóng vai trò nòng cốt, quyết định sự thành công của Cách mạng tháng Tám. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, trực tiếp tham gia chiến đấu bên cạnh các cơ sở, lực lượng dân quân ở các địa phương, đóng vai trò nòng cốt, quyết định sự thành công của Cách mạng tháng Tám. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày (từ ngày 14/8 đến ngày 28/8/1945), trong đó, thắng lợi ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8) có ý nghĩa quyết định. Trong ảnh: Đồng bào Sài Gòn hưởng ứng Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày (từ ngày 14/8 đến ngày 28/8/1945), trong đó, thắng lợi ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8) có ý nghĩa quyết định. Trong ảnh: Đồng bào Sài Gòn hưởng ứng Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sáng 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. (Ảnh: TTXVN)

Trước hết, cần thấy rõ ngay từ lúc mới thành lập, năm 1930, cho đến 15 năm về sau, để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng, Đảng ta đã tự đặt cho mình nhiệm vụ xây dựng thành một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, Đảng không có lợi ích nào khác. Đảng một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với quần chúng đông đảo. Chính vì vậy, chỉ có 5.000 đảng viên mà Đảng đã động viên được toàn dân nổi dậy.

Và cũng chính vì vậy, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”(1).

Bác còn nói: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(2).

Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, Đảng không có lợi ích nào khác. Đảng một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với quần chúng đông đảo. Chính vì vậy, chỉ có 5.000 đảng viên mà Đảng đã động viên được toàn dân nổi dậy.

Cũng cần thấy, 5.000 đảng viên so với 20 triệu dân thời đó thì chỉ là một con số nhỏ, rất nhỏ. Nhưng phía sau những con người bằng xương bằng thịt ấy là sức mạnh tinh thần to lớn của cả một đội ngũ chiến đấu, vì lý tưởng cao cả mà sẵn sàng hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng Tháng Tám, chỉ riêng trong cấp Trung ương, đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém hoặc đập chết trong nhà tù, trong đó có bốn đồng chí Tổng Bí thư của Đảng - Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ. Trong 31 Ủy viên Trung ương dự Đại hội III của Đảng, trước ngày khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp kết án 222 năm tù đày. Đó là không kể những án tử hình vắng mặt và những cuộc vượt ngục trước khi hết hạn tù.

Về sự hy sinh của các tiên liệt, Bác Hồ nói: “Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”(3).

Không phải ngẫu nhiên mà từ ánh sáng rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám, và trong khói lửa ngút ngàn của hai cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân ta, dân tộc ta đã gửi trọn niềm tin vào đội tiên phong của cách mạng, trìu mến gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng ta”.

Ôn cũ để biết mới.

Ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc, thống nhất hoàn toàn đất nước. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc, thống nhất hoàn toàn đất nước. (Ảnh: TTXVN)

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, bước vào thời kỳ mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta, cùng với xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Có nghĩa là Đảng ta đã đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng lên vị trí rất cao, có ý nghĩa quyết định, nếu không thực hiện tốt nhiệm vụ này thì không thể nào đẩy mạnh các nhiệm vụ khác, kể cả nhiệm vụ trung tâm. Với sự định vị chuẩn xác ấy, Đảng đã không ngừng phát huy vai trò lãnh đạo của mình, đưa sự nghiệp đổi mới vững bước tiến lên, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

“Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Đó là một trong năm bài học lớn mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu lên. Cương lĩnh chỉ rõ: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo”.

Đại hội XII của Đảng. Ảnh: dangconsan.vn

Đại hội XII của Đảng. Ảnh: dangconsan.vn

Đại hội XII của Đảng (2016) đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”.

Cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm này, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII ra Nghị quyết với cùng chủ đề và tên gọi như trên.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Nghị quyết thừa nhận rằng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Nghị quyết đưa ra một bản nhận diện đặc sắc, gồm 27 biểu hiện của suy thoái và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Và nghiêm khắc cảnh báo: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp của Đảng và nhân dân”.

Thu hoạch lúa công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Diệp

Thu hoạch lúa công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Diệp

Hơn một năm rưỡi qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 đã được tiến hành bài bản. Với quan điểm chỉ đạo “Kết hợp giữa “xây” và “chống”, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”, các cấp ủy, tổ chức đảng đã bước đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra; trước hết là những nhiệm vụ, giải pháp về chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình, và về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Đã phát hiện và đưa ra ánh sáng nhiều vụ bê bối, nhất là những vụ bê bối về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực điển hình làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đã xử lý bằng kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước một số vụ án nghiêm trọng và những người đứng đầu các cấp có trách nhiệm liên quan, cả cán bộ cao cấp ở Trung ương. Những kết quả tích cực đạt được tuy mới là bước đầu, nhưng được dư luận rộng rãi hoan nghênh, tin tưởng ở quyết tâm của Trung ương, mong muốn công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ được tiến hành quyết liệt hơn, không chịu bất cứ trở ngại, sức ép nào.

Cũng cần ghi nhận sự gắn kết chặt chẽ giữa cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 với phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Sự gắn kết đó càng làm nổi bật hơn yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Tôi không nghĩ xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc của ngày một, ngày hai. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ do Đại hội XII và Nghị quyết Trung ương 4 nêu lên, trong Đảng, và trong hệ thống chính trị, còn phải làm rất nhiều việc. Nhưng xu thế tiến lên là không thể đảo ngược.

Tháng 8-2017

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 21, trang 30.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 6, trang 159.

(3) Sđd, tập 6, trang 160.

HÀ ĐĂNG

Ngày xuất bản: 18/08/2017
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN; TTXVN
Trình bày: BẢO MINH