Các nền tảng mua ngay trả sau tăng trưởng mạnh

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường thương mại điện tử trong nước. Doanh thu từ thương mại điện tử năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD so 10,8 tỷ USD của năm 2019. Trong đó, các sản phẩm mua ngay trả sau tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến sẽ đạt con số 1,12 tỷ USD trong năm nay. Có được điều này là do khả năng thâm nhập cao của các thiết bị di động như điện thoại thông minh, thu nhập khả dụng của hộ gia đình tăng và sức hấp dẫn ngày càng lớn của các dịch vụ mua ngay trả sau.
0:00 / 0:00
0:00
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng. Ảnh: SONG ANH
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng. Ảnh: SONG ANH

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những thị trường có tỷ lệ thâm nhập lớn cho các thiết bị di động và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong 10 năm tới. Vì điện thoại di động rẻ hơn, dễ mang theo hơn các thiết bị điện tử khác như máy tính xách tay hay các loại máy tính thông thường nên chúng có tỷ lệ thâm nhập cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi. Hầu hết các nền tảng thương mại điện tử cũng được thiết kế để tương thích cao nhất với thiết bị di động. Do đó, việc sử dụng thiết bị di động ngày càng tăng sẽ khiến cho tỷ lệ dân số có khả năng tiếp cận thương mại điện tử cũng như các nền tảng bán lẻ hiện đại lớn hơn.

Đến cuối năm 2031, dự kiến thị trường điện thoại di động Việt Nam sẽ có khoảng 128,8 triệu thuê bao, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 0,5% trong giai đoạn 2022-2031. Đến năm 2031, 84,5% số thuê bao điện thoại di động sẽ có khả năng kết nối và sử dụng 5G. Sử dụng 5G sẽ tăng tốc về trung hạn khi các thiết bị tương thích 5G mở rộng và có giá cả phải chăng hơn. Mặc dù các dịch vụ 5G hiện đã được cung cấp hạn chế, nhưng phải đến giữa thập kỷ này 5G mới được sử dụng rộng rãi khi 3G ngừng hoạt động. Các dịch vụ 2G có thể sẽ được duy trì cho đến cuối thập kỷ để tiếp tục phục vụ ở vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, sự bùng phát của các loại biến thể Covid-19 đã cản trở các nhà mạng trong nỗ lực triển khai dịch vụ 5G trên toàn quốc, trong khi các nhà đầu tư tiềm năng có thể bị ảnh hưởng bởi lực cản liên quan đến việc chưa thể ngừng hoạt động các nền tảng mạng cũ để triển khai 5G.

Hiện tại, các hộ gia đình có khả năng chi tiêu cao hơn đang có xu hướng bớt dần việc chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu như giai đoạn 2020-2021. Trong trung hạn, thu nhập khả dụng trung bình của các hộ gia đình Việt Nam được dự báo sẽ tăng 9,3% hằng năm, từ 158,9 triệu đồng (6.908 USD) vào năm 2022 lên 226,1 triệu đồng (9.542 USD) vào năm 2026. Lạm phát được dự báo ở mức trung bình hằng năm 3,5% trong cùng thời kỳ. Điều này có nghĩa là các hộ gia đình sẽ chứng kiến mức thu nhập khả dụng của họ tăng lên theo giá trị thực, ước tính trung bình khoảng 5,8% hằng năm.

Việt Nam đã trải qua giai đoạn bùng nổ tín dụng hộ gia đình trong vài năm qua. Khi tốc độ bùng nổ tín dụng chậm lại có thể dẫn đến khả năng giảm về nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các khoản cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 50% thu nhập của lực lượng lao động vào năm 2020 và đây là một con số tương đối cao đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam. Trong số 50% nợ tiêu dùng đó, hơn một nửa là dưới hình thức vay của các hộ kinh doanh nhỏ với 25% là các khoản vay liên quan đến nhà ở (chủ yếu là thế chấp). Vay tiêu dùng ở khu vực hộ gia đình vẫn đang tăng trưởng, mặc dù nó đã giảm đáng kể vào năm 2020 với mức tăng chỉ còn 1% (so với mức trung bình 3% kể từ năm 2013).

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng. Trong giai đoạn này cũng đã chứng kiến ​​mối quan hệ đối tác giữa các nền tảng thương mại điện tử và mua ngay trả sau (BNPL-Buy Now Pay Later) phát triển mạnh mẽ. Thanh toán BNPL tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng 126,4% để đạt 1,123 tỷ USD vào năm 2022 và hứa hẹn khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn. Dự kiến, việc áp dụng thanh toán BNPL sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR là 45,2% trong giai đoạn 2022-2028. Theo đó, tổng giá trị hàng hóa BNPL trong nước sẽ tăng từ 496,4 triệu USD vào năm 2021 lên 10,528 tỷ USD vào năm 2028.

Các sản phẩm của BNPL đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng tại Việt Nam, theo đó cả các công ty khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp đều kỳ vọng lớn vào nó. Từ các nền tảng BNPL địa phương cho đến những công ty có thị phần lớn trong khu vực, thị trường thanh toán trả chậm dự kiến ​​sẽ được áp dụng rộng rãi trong nước. Nhiều khả năng BNPL ​​sẽ bùng nổ từ ngắn hạn đến trung hạn, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thời gian tới. Hiện tại, hầu hết các nền tảng thương mại điện tử đã và đang cung cấp BNPL cùng với các tùy chọn thanh toán trực tuyến truyền thống hơn, chẳng hạn như Visa và Mastercard. Các nền tảng này thường được tích hợp với các nhà bán lẻ trực tuyến và điện thoại thông minh, cho phép người tiêu dùng dễ dàng truy cập các tùy chọn BNPL mà không cần kiểm tra tín dụng. Những điều này cho phép người tiêu dùng hoãn thanh toán hoặc trả góp không lãi suất, ngay cả đối với các giao dịch nhỏ như mua vé, mua mỹ phẩm, quần áo...

Người tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ ngày càng có xu hướng lựa chọn các tùy chọn BNPL trực tuyến để mua hàng. Cùng với đó, sẽ có nhiều nhà bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử hợp tác để đưa ra các tùy chọn BNPL trong tương lai. Hiện tại, tuy việc chưa có các quy định cụ thể về BNPL có thể gây ra những rủi ro nhất định nhưng sự áp dụng các chương trình BNPL vẫn đang tăng tốc mạnh mẽ.