Cả nước cần bố trí ổn định khoảng 253 nghìn hộ dân trước năm 2030

NDO - Theo nhận định, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai phức tạp, nhu cầu bố trí ổn định dân cư ngày càng nhiều. Thống kê các địa phương cho thấy, đến năm 2030, cả nước cần bố trí ổn định khoảng 253 nghìn hộ dân.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Ngày 28/11, tại thành phố Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng, tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1/3/2020, của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và triển khai Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg, ngày 18/5/2022, của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đánh giá, những năm gần đây, việc ổn định tình hình dân di cư tự do đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; các địa phương đã tích cực thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước; các chính sách an sinh xã hội được triển khai sâu rộng, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, từng bước ổn định cuộc sống tại quê hương bản quán của mình.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng dân di cư tự do vẫn tiếp tục diễn ra ở một số địa phương, như năm 2019 là 104 hộ, năm 2020 là 43 hộ, năm 2021 là 126 hộ và 9 tháng đầu năm 2022 là 22 hộ. Cùng với số hộ đã di cư tự do từ giai đoạn trước hiện đang ở phân tán tại các địa phương, nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên chưa được bố trí ổn định là hơn 16 nghìn hộ.

Tình trạng dân di cư tự do đã kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế-xã hội, phá vỡ quy hoạch dân cư, quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, phát sinh một số điểm nóng về an ninh chính trị, nhiều vụ khiếu nại khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài và tình trạng lấn chiếm, phá rừng xảy ra tại một số địa phương có dân di cư tự do đến, nhất là là khu vực Tây Nguyên.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2013-2020, cả nước đã bố trí, sắp xếp ổn định hơn 105,3 nghìn hộ, đạt gần 66% so với mục tiêu Chương trình bố trí dân cư đề ra. Trong 2 năm 2021 và 2022, đã bố trí ổn định cho hơn 7 nghìn hộ.

Kết quả thực hiện bố trí ổn định dân cư cơ bản đạt hiệu quả và mục tiêu Chương trình đề ra, người dân đến điểm tái định cư có nhà ở khang trang, đời sống, sản xuất từng bước được nâng lên. Đa số các điểm dân cư mới có kết cấu hạ tầng giao thông, điện, cơ sở giáo dục, y tế tốt hơn nơi ở cũ; nhiều điểm dân cư phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cả nước cần bố trí ổn định khoảng 253 nghìn hộ dân trước năm 2030 ảnh 1

Một lớp học tại “làng Mông”, thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, bão, lũ có diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, nên nhu cầu bố trí ổn định dân cư trên phạm vi cả nước ngày càng nhiều.

Tổng hợp từ các địa phương, đến năm 2030, cả nước cần bố trí, sắp xếp ổn định khoảng 253 nghìn hộ (không bao gồm phạm vi, đối tượng bố trí dân cư thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021).

Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và cần có chính sách phù hợp để tiếp tục thực hiện công tác bố trí ổn định dân cư trong giai đoạn hiện nay.

Về mục tiêu chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, cả nước bố trí ổn định cho hơn 64,2 nghìn hộ, gồm 47,1 nghìn hộ vùng thiên tai, hơn 3,7 nghìn hộ vùng đặc biệt khó khăn, hơn 2,8 nghìn hộ vùng biên giới, hải đảo; hơn 10,5 nghìn hộ di cư tự do, hộ cư trú trong rừng đặc dụng.

Phấn đấu đến 2025, cơ bản không còn tình trạng di dân cư tự do. Tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng dự án bố trí ổn định dân cư giảm mỗi năm hơn 3%, thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 90% trở lên.

Đồng thời, thực hiện các chính sách về bố trí đất sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu theo dự án; hỗ trợ phát triển sản xuất và tổ chức giáo dục nghề nghiệp, việc làm.