Trưởng thành nhờ đất nước và cùng đất nước

Tháng 6/2022 này, sinh viên Khoa Ngữ văn, khóa VIII, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) kỷ niệm 55 năm ra trường. Với lịch sử đất nước, 55 năm không dài. Nhưng quãng thời gian đó đủ để một thế hệ đi từ khởi điểm của tuổi thanh xuân đến cận kề những bậc thang cuối của đời người.

Lần họp lớp gần nhất là chuyến thăm Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng).
Lần họp lớp gần nhất là chuyến thăm Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng).

Năm 1963, Khoa Ngữ văn tuyển 60 sinh viên, cũng là khóa bốn năm đầu tiên, gọi là Khóa VIII do thầy Hà Minh Đức làm chủ nhiệm. Không riêng gì Trường đại học Tổng hợp, những sinh viên trúng tuyển vào các trường đại học trong nước năm ấy đều thật sự là những gương mặt ưu tú, một số người từng chiếm giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi toàn miền bắc.

Sinh viên khóa này khá nhiều con em nông dân, lần đầu xa làng quê, đều sinh vào các năm trước hoặc sau năm 1945 một vài năm. Khóa VIII Khoa Ngữ văn khi vào trường năm 1963 ấy còn có khá đông học sinh miền nam tập kết ra miền bắc theo ba, má; một số người thậm chí không có người thân đi cùng. Cũng có không ít cán bộ, bộ đội chuyển ngành, đã từng làm công tác văn hóa, chính trị trong những năm chiến tranh, có kinh nghiệm thực tiễn. Họ hướng đến mục tiêu cụ thể: Sau này trở về miền nam khi đất nước thống nhất, sẽ trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng. Năm học 1963-1964 vừa khai giảng chưa bao lâu, Khóa VIII lại tiếp nhận thêm gần 30 sinh viên chuyên ngành Thư viện của Trường lý luận nghiệp vụ thuộc Bộ Văn hóa chuyển sang. Đến cuối năm 1964, Khóa VIII lại đón gần 30 sinh viên đang học nghệ thuật, điện ảnh từ Đông Đức, Liên Xô (trước đây), Romania chuyển về. Tổng cộng, lúc này Khóa VIII có tới 119 sinh viên, đông vượt trội so với các khóa trước với nhiều loại hình nghệ thuật và ngành nghề, đa dạng về trình độ nhận thức và lứa tuổi.

Xuất phát điểm khác nhau, nhưng lớp sinh viên này cùng bước chân vào giảng đường đại học với những ước mơ lãng mạn và sự trong sáng của tuổi trẻ sinh ra, lớn lên trong môi trường cách mạng. Đó là thời điểm kinh tế đất nước đã được phục hồi sau chiến tranh, miền bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội với kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, văn hóa, giáo dục được coi trọng…

Đất nước và nhân dân còn muôn vàn khó khăn, nam-bắc còn chia cắt với biết bao nhiêu mối lo, nhưng sinh viên vẫn được trang bị những phương tiện cần thiết nhất để yên tâm học hành. Hệ thống các trường phổ thông công lập và đại học đều không thu học phí, sinh viên được cấp học bổng.

NHƯNG rồi, toàn miền nam bước vào giai đoạn đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Lương thực, thực phẩm cùng hàng nghìn thanh niên từ miền bắc như thác lũ chảy ào ạt vào chi viện miền nam. Lớp học và ký túc xá của chúng tôi cũng qua thời bình lặng. Việc học quân sự có trong chương trình hằng năm, nhưng một tháng "lăn lê bò toài" trong khuôn viên ký túc xá thời điểm ấy cũng chính là rèn luyện để đi vào chiến trường.

Cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan ra khắp miền bắc, tiếng bom dội vào nơi chúng tôi ngồi học. Và rồi, cùng với nhân dân Thủ đô, cả trường bao gồm các khoa Ngữ văn, Lịch sử, Toán, Hóa, Sinh... đồng loạt sơ tán lên thung lũng Đại Từ (Bắc Thái, nay thuộc Thái Nguyên). Dưới chân núi Tràng Dương, chúng tôi tự dựng cơ sở vật chất: phòng học, thư viện, văn phòng khoa, nhà ăn tập thể, hội trường, căng-tin..., tất cả đều bằng tranh, tre, nứa, lá. Sinh viên và cán bộ khoa, thầy, cô giáo chia nhau ở trong nhà dân, được dân cưu mang.

Bình yên, nhưng chúng tôi không thể bình thản. Chúng tôi được người nông dân miền núi nghèo khó giúp đỡ, nhường cơm sẻ áo bao bọc, trong khi hạt thóc gặt hái từ những thửa ruộng bậc thang manh mún của họ vẫn phải chia sẻ cho chiến trường, con em họ vẫn lần lượt gác cày, treo cuốc rời làng nhập ngũ. Bởi vậy, mỗi sinh viên chúng tôi phải tự điều chỉnh sao cho cân bằng giữa tâm trạng nôn nóng "nhập cuộc" với việc chuẩn bị cho tương lai: "Học tập cũng là nhiệm vụ", "là đánh Mỹ". Đất nước đang bị xâm lược, cả lớp đã hơn một lần viết đơn xin ra chiến trường.

Thế rồi, tháng 11/1966, khi đang học năm thứ 4, 20 sinh viên của lớp đã nhận được cơ hội dấn thân. Cán bộ tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Đài Tiếng nói Việt Nam (ĐTNVN) lên tận khu sơ tán, trực tiếp cùng lãnh đạo khoa lựa chọn danh sách, rồi sau đó 10 người về TTXVN, 10 người về ĐTNVN.

Về ĐTNVN, chúng tôi trải qua hai tuần học tập, trong đó có một tuần học chính trị, tuần còn lại học nghiệp vụ phát thanh. Cuối đợt học tập, Tổng Biên tập Trần Lâm đến tổng kết và giao nhiệm vụ. Theo ông, chúng tôi "sẽ sống và tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân miền nam" nhưng không nhất thiết phải vào chiến trường, bởi ngay tại Thủ đô cũng có "mặt trận" và "vũ khí".

Trưởng thành nhờ đất nước và cùng đất nước -0

Sau đó, bảy người được biên chế về Đài phát thanh Giải phóng A (mật danh CP 90), bộ phận biên tập ở 56 phố Quán Sứ (Hà Nội). Tôi cùng hai anh khác nhận việc ở Ban Biên tập miền nam. Chúng tôi có nhiệm vụ làm các chương trình phát thanh dành cho thính giả ở miền nam - "đi B trên đất bắc". Tuy nhiên, đến đầu năm 1975, cả tôi và Nguyễn Trương Đàn đều đã thật sự đi vào chiến trường, vừa đi vừa viết bài, gửi về qua thiết bị trên xe chuyên dụng, để phát trên các kênh sóng chính thức.

Nhóm sinh viên về TTXVN cũng được dự một lớp nghiệp vụ ngắn ngày, và hầu hết họ đã đi vào các mặt trận phía nam với tư cách nhà báo. Học hết năm thứ 4, nhiều sinh viên khác tiếp tục được bổ sung cho đội ngũ báo chí trên các chiến trường nóng bỏng. Dưới đây là một vài trích đoạn hồi ký của Đoàn Tử Diễn, một sinh viên Khóa VIII: "Thu Hoài vào năm 1967, ở căn cứ Khu 5 một thời gian thì xin về quê Bình Định, ít lâu sau trên Đài phát thanh đã có những ghi nhanh của anh về Phú Mỹ nổi dậy, tay không bứt phá nhiều đồn địch. Phan Văn Kính vào thẳng Khánh Hòa, vùng đất ác liệt và gian khổ nhất của chiến trường khu 5. Hoàng Sĩ Ngọc về mặt trận Trị Thiên-Huế, quê hương yêu dấu của anh. Ở nhiều chiến trường miền nam, anh em sinh viên cũ của Khoa Văn cũng sớm có mặt. Nhiều anh em trong số đó sớm hy sinh".

Đoàn Tử Diễn kể về Đinh Dệ-đồng môn Khóa VIII: "Tôi với Dệ như hai người đuổi bắt. Khi tôi ở Vĩnh Linh ra thì Đinh Dệ lên đường. Khi Vũ Xuân Mai, Ngô Thế Oanh, Hoàng Chu, Dương Đức Quảng, Bùi Hoàng Chung, Đoàn Tử Diễn vào Khu 5 thì Đinh Dệ đi vào Bình Định quê nhà. Và thật bàng hoàng, anh đã trút hơi thở cuối cùng nơi con dốc đổ xuống thượng nguồn sông Côn", khi ấy anh mới 28 tuổi.

Đồng môn Khóa VIII ngày ấy, không thể không nhắc đến Vũ Xuân Mai tức Trần Vũ Mai: "Từ chiến trường Nha Trang-Khánh Hòa, những bài thơ của Trần Vũ Mai được vang lên khắp đất nước qua sóng của ĐTNVN và Đài Phát thanh Giải phóng. Với Những người đã lớn, Cực Nam, Thành phố nghiêng mình và sau này là trường ca Ở làng Phước Hậu, thơ Trần Vũ Mai là khúc tráng ca của thế hệ trẻ đi giải phóng và thống nhất đất nước" (Nguyễn Thế Khoa).

HÚNG tôi học văn chương, nhưng cuối cùng, có đến 80% làm nghề báo. Gọi "duyên văn, nghiệp báo" là vậy. Một số khác hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, văn học nghệ thuật, là giảng viên đại học, nhà nghiên cứu khoa học xã hội, văn nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa dân tộc... Điều đó không do ý chí cá nhân, mà là sự lựa chọn của thời cuộc. Trong bối cảnh chiến tranh chống xâm lược, nghề báo là nghề mũi nhọn, là người lính xung kích trên mặt trận đấu tranh dư luận và tư tưởng.

Không chỉ ở chiến trường mà ở các "mặt trận" khác, người làm báo luôn luôn có những đóng góp nhất định. Nhiều người trong chúng tôi đã trở thành những cây bút sắc sảo, tầm vóc lớn, nhiều người đã giữ những trọng trách trong "làng báo" cũng như của đất nước. Anh Nguyễn Phú Trọng làm việc tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), lần lượt được tín nhiệm giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, hiện là Tổng Bí thư của Đảng. Lớp trưởng Nguyễn Thái Ninh từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương. Còn hàng chục cái tên thân thuộc khác, hàng chục nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu với những công trình khoa học có giá trị hay những tác phẩm được nhận các giải thưởng, danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng, tiêu biểu như Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới-Giáo sư Hoàng Chương.

Được như ngày nay, lớp sinh viên Khóa VIII luôn nhớ ơn các thầy, cô giáo. Nói như nhà thơ Vũ Duy Thông: "Sự nể sợ học vấn còn bởi ngay cạnh chúng tôi đang có một dàn thầy giáo bây giờ có nằm mơ cũng khó thấy. Đó là các thầy Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Như Mai, Đỗ Đức Hiểu, Lê Hồng Sâm, Nguyễn Kim Đính, Bạch Năng Thi, Tôn Gia Ngân, Lê Đình Kỵ, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên... (văn học), Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Phan Cảnh, Hoàng Thị Châu (ngôn ngữ), Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng (lịch sử) và cả các thầy Nhữ Thành, Cao Xuân Hạo không lên lớp, suốt ngày ngồi dịch sách...".

Sau 55 năm ra trường, nhiều người đã không còn nữa, những người còn góp mặt trong các buổi họp lớp hằng năm tóc đã bạc. Sự thành đạt có thể không đồng đều, số phận cá nhân cũng như hoàn cảnh gia đình mỗi người mỗi khác, song điều giống nhau là hầu hết đã gắn bó, đã dành hết cuộc đời mình, đặc biệt là tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước sau ngày thống nhất.

Hà Nội, tháng 6/2022

(★) Nguyên sinh viên Khoa Ngữ Văn, Khóa VIII, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội; nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình Việt Nam.