Si Ma Cai lên phố

Tháng 11-1966, xã Si Ma Cai (Lào Cai) được thành lập trên cơ sở ba thôn, gồm Phố Thầu, Phố Cũ, Phố Mới. Gọi là Phố nhưng thực chất ở đây, ngoài phiên chợ chủ nhật đông đúc, một dãy phố người Hoa ở phố cũ, Đồn Biên phòng, thì chỉ có mấy ngôi nhà gỗ dựng rải rác, vài cửa hàng mua bán đổi chác nông, lâm sản và vật dụng thiết yếu… song ba cái tên đã thể hiện khát khao lên phố của đồng bào. Qua nhiều năm xây dựng, phát triển, ngày 11-2-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra quyết định thành lập thị trấn Si Ma Cai thuộc huyện Si Ma Cai.

Bán thổ cẩm ở chợ Si Ma Cai. Ảnh: TUẤN LỢI
Bán thổ cẩm ở chợ Si Ma Cai. Ảnh: TUẤN LỢI

1. Đến nơi này, thấy núi non hùng vĩ, cảnh vật như bồng lai tiên cảnh; thấy bãi đất rộng trong thung lũng người người tụ họp mua bán, ăn uống, hát ca, ánh mắt, dáng vẻ toát lên sự bình yên, yêu đời; thấy đàn ngựa đông đúc, đủ chủng loại đang bình thản đợi chờ, bình thản hí vang đánh thức đàn mây xám quấn quýt rừng cây. Mọi người trong chợ nhìn thấy giữa đông đúc ngựa nhà nổi lên một con ngựa cao to lừng lững, dáng vẻ uy nghiêm thì ồ lên: Sin Mã Cái, tức “Chợ có con ngựa mới”. Sau này bình định được huyện Bắc Hà, khi thành lập xã biên giới này những viên chức thuộc địa nghe đồng bào nói tên địa danh nghe nhầm tiếng Sin Mã Cái thành Sin Ma Cai, mới có cái tên Si Ma Cai như ngày nay.

Si Ma Cai - ngay đầu Phố Cũ và cũng là đầu thung lũng của xã Si Ma Cai nổi lên một khu rừng rậm rạp, linh thiêng. Cái ốc đảo xanh quanh năm cả vùng ngưỡng vọng, không ai dám động dao động búa này được hình thành bắt đầu từ một truyền thuyết. Chuyện kể rằng một lần con của Mẹ Rừng ở vùng Lùng Sui xin phép mẹ đi thăm thú các nơi, Sơn Tử - con của Mẹ Rừng đến thung lũng đầy hoa thơm cỏ lạ này đã lưu luyến không rời. Mẹ Rừng chờ mãi không thấy con về đã cất công đi tìm. Thấy con say sưa với vùng đất mới Mẹ Rừng đã rộng lòng cho con ở lại, dặn con chở che phù hộ cho con người, con vật, cây cối sinh sôi. Vâng lời mẹ, ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng, năm tiếp năm dẫu vật đổi sao dời song Sơn Tử vẫn luôn bên người và đất Sin Mã Cái, phù hộ cho con người cùng cây cối, vật nuôi khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở. Cảm cái ơn truyền đời, khu rừng Sơn Tử trú ngụ được nhân dân bảo vệ, coi là rừng cấm, là nơi thờ Thần Rừng. 

Si Ma Cai - miền đất biên cương kiên cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong giai đoạn đánh đuổi thực dân Pháp, tiễu phỉ và bảo vệ đường biên mốc giới trong cuộc chiến chống quân phương bắc xâm lược. Nơi anh hùng Giàng Lao Pà, người con ưu tú dân tộc H’Mông từng chỉ huy những người đồng tộc đánh tan cả một đại đội quân phỉ, từng tay không vào hang ổ của phỉ gọi được hàng trăm tên phỉ ra hàng. Câu nói nổi tiếng “Dao chỉ có một lưỡi” thể hiện lòng trung thành với Đảng, với đất nước của ông vẫn được truyền tụng đến ngày nay.

Thị trấn Si Ma Cai có đường biên giới với huyện Mã Quan (Vân Nam - Trung Quốc). Cùng với việc biến chợ Si Ma Cai thành trung tâm buôn bán, trao đổi nông sản, tiểu thủ công nghiệp với các xã vùng thượng huyện Si Ma Cai, từ lâu nhân dân nơi đây đã biết tận dụng điều kiện sẵn có để giao lưu kinh tế, giao lưu với nhân dân bên bạn để làm giàu cho chính mình và đóng góp cho xã hội.

Tôi có duyên nợ với vùng đất Si Ma Cai từ những năm 80 của thế kỷ trước, ngày còn làm ở Đội Thông tin lưu động huyện. Ngày ấy mảnh đất gần 15 cây số vuông, với gần 6.000 dân thuộc mười ba dân tộc sinh sống còn là trung tâm đầu mối các xã phía bắc của huyện Bắc Hà. Tiếng là trung tâm đầu mối song ngoài Đồn Biên phòng, cửa hàng lương thực, cửa hàng bách hóa, tất cả các hộ dân ở đây đều sinh kế bằng ruộng nương, chăn nuôi. Và nữa, con đường độc đạo nối từ Bắc Hà đi Si Ma Cai, đến Pha Long (Mường Khương) còn là đường cấp 5 xuống cấp nặng nề, đường tới các thôn, các xã đều là đường mòn. Si Ma Cai thuộc vùng núi đá cổ, một trăm phần trăm cư dân bám vào núi non mà cấy trồng, canh tác. Trong khi người mỗi ngày một sinh sôi, đất mỗi ngày một vơi, đá mỗi ngày một mọc, viễn cảnh nghèo đói dường như vẫn bám chắc vùng đất này…

2. Còn nhớ lần tôi được lãnh đạo huyện biệt phái đi tăng cường xuống xã thu thuế của dân. Một tối, tôi xuống họp dân bàn việc thu thuế tại nhà một trưởng bản của xã Cán Hồ. Hôm ấy họp tan thì đã quá nửa đêm, thấy quá mệt mỏi tôi bảo chủ nhà cho ngủ lại, chủ nhà miễn cưỡng nhận lời. Bên ngoài gió rít ù ù. Trong nhà, bếp lửa không được tiếp thêm củi, đốm than hồng cứ nhỏ dần rồi lụi hẳn, lúc đó ông chủ nhà mới trèo lên gác ném xuống mấy bó rơm khô rồi lặng lẽ tụt xuống, lầm lụi vào buồng khép cửa lại, tôi cay đắng thở dài, trong nhà không còn chăn chiếu cho khách, những bó rơm này sẽ vừa làm chăn vừa làm chiếu cho tôi qua một đêm dài rét buốt.

Còn nhớ, lần ấy Đội Thông tin lưu động chúng tôi lên xã Si Ma Cai tuyên truyền. Cả năm trời mới có vài ba lần Đội Thông tin lưu động vác loa đài, đèn chiếu về xã nên dân vui như hội. Cái đèn măng-sông vừa thắp lên thì hàng trăm ngọn đuốc đã vây quanh sân bãi. Thích thì hãy chờ đấy, chủ khách cứ chén cái đã. Quỹ của xã không nhiều, mà có cũng không có dịp để tiêu, đội thông tin đến là cái cớ để vừa được ăn, vừa được bạn. Lúc chiều đội thông tin vừa xuống xã đã có cuộc họp đột xuất. Cả chủ tịch, bí thư, xã đội, các trưởng bản để mắt cả vào con chó trước cửa nhà bí thư và bốn con gà trống nhốt chờ ra chợ. Bàn đi bàn lại cho đến lúc mặt trời xuống núi những người đứng đầu dân mới quyết định mổ con chó đãi khách. Người chờ xem đèn chiếu bực bội song vẫn kiên nhẫn nuôi giữ háo hức, tai mắt vẫn để cả vào cái máy quay băng và cái loa phát ra những bài hát ngợi ca tận đẩu tận đâu. Song buổi vui hôm đó không thành, một kẻ nào đó phá đám bằng cách rúc lên mấy hồi tù và báo động từ phía xóm ba nhà, rồi tiếng kêu mất gà, mất trâu vập vào vách núi dội xuống khiến cả đám rượu nhớn nhác, người nào cũng như mũi tên sấp ngửa rời nỏ chạy về nhà mình. Về đến nhà, người sờ then cửa, kẻ sờ mõm trâu ngựa, cửa chuồng gà, khi biết nhà mình không mất gì ai nấy mới hoan hỉ, mới uất ức kẻ đã đang tâm phá buổi tuyên truyền của Đội Thông tin lưu động, đúng là chuyện cười ra nước mắt.

Còn lần này chúng tôi lên Si Ma Cai! Trời vào thu, không khí mát mẻ, hao hao, ngòn ngọt, bầu trời trong xanh như vừa được gột rửa, lúa vào thì con gái, ngô vào mùa thu hoạch, những con đường dẫn tới bản làng, dẫn tới ấm no…, những ký ức không cần lọc qua thời gian trồi lên náo nức.

Chuyện nổ như pháo rang. Nhưng chuyện mấy cũng không quên việc phải làm là khám phá xem Si Ma Cai đổi mới thế nào? Đồng bào đã đủ ăn đủ mặc chưa? Huyện, xã đang ở đâu trong mặt bằng chung của đất nước.

Chợt ấm lòng khi đường 4D, con đường độc đạo nối Si Ma Cai với huyện Mường Khương đã thảm nhựa phẳng lỳ, hai bên đường tỏa ra những nhánh đường bê-tông dẫn đến các xã, các thôn bản, đường điện cao thế kẻ chỉ, những ngôi nhà hai tầng, ba tầng thấp thoáng bên những búi mai xanh mướt… kết quả của công cuộc đổi mới quyết liệt, bền bỉ, huy động được sức dân, được các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đã và đang làm thay đổi bộ mặt và đưa huyện Si Ma Cai thoát nghèo một cách bền vững.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Si Ma Cai Thào Seo Hồ, hồ hởi tiếp chúng tôi. Từng trải, tự tin, nắm vững công việc, nắm vững địa bàn, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi làm việc với ông Thào Seo Hồ. Trong trò chuyện ông Hồ còn nói rất nhiều về phong tục tập quán của người H’Mông, việc thị trấn đang khởi đầu chuyển đổi cây trồng từ cây ngô sang cây sả, về việc đưa cây sa nhân về trồng, việc quản lý người lao động đi làm thuê. Đặc biệt ông nói về việc Si Ma Cai lên phố, ba tổ dân phố của trung tâm thị trấn chuyển sang làm dịch vụ, bốn tổ còn lại vừa bám chặt lấy nương ruộng vừa từng bước chuyển đổi, bám sát chuyển động của kinh tế thị trường. Ông hồ hởi cho biết, năm 2017, thị trấn Si Ma Cai hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2019, thị trấn đã hoàn thành 17/18 tiêu chí theo bộ tiêu chí nâng cao. Ông Hồ băn khoăn, day dứt về đời sống của nhân dân các thôn còn khó khăn nên việc tham gia đóng góp cho các chương trình xây dựng bản làng còn hạn chế, trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu... Mỗi tâm sự của ông lúc lóe lên niềm tự hào, lúc bùi ngùi day dứt, bởi những vướng mắc có phần vượt ngoài khả năng của cơ sở. 

Nhà văn Mã Anh Lâm, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai, kéo Phó Chủ tịch thị trấn Nguyễn Văn Chinh ào vào phòng. Cũng là dân viết lách của tỉnh nên dễ gần nhau. Anh Chinh trước khi về làm cán bộ thị trấn là cán bộ Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, có nhiều tản văn khá hay, trong đó bài viết về cây tống quá sủ. Theo anh Chinh, tống quá sủ là loài cây lấy củi có sức sống mãnh liệt, đất núi chỗ nào không trồng được cây gì thì trồng cây tống quá sủ. Do thời tiết, khí hậu vùng Si Ma Cai sáu tháng nắng nóng, sáu tháng mưa rét nên ngoài nhu cầu lương thực thực phẩm, đồng bào rất cần đến củi. Củi nấu rượu, nấu cơm, nấu thức ăn cho người. Củi nấu cám cho lợn. Củi sưởi ấm cho người qua mùa đông rét buốt. Củi quan trọng đến mức nhà nào, người nào cũng lấy củi làm thước đo sức khỏe, hiếu thảo, giàu có. Trong bản, nhà nào có được những đống củi xếp vuông vắn cao quá đầu người trước nhà, sau nhà là nhà đó có trai gái khỏe mạnh, đông đúc, biết bảo ban nhau; nhà nào chỉ dăm bó cây ngô khô nhẹ phèo, vài khúc củi còng queo trước cửa thì người trong nhà không già cả cũng bệnh tật. Tống quá sủ là loài thân gỗ có dầu, giòn, chắc, thẳng thớ, vừa dễ chặt, dễ bổ, dễ cháy, thân cây chặt xuống còn ướt rượt bổ ra cho vào bếp vẫn bén lửa cháy rần rật. 

Chúng tôi chia tay các anh lãnh đạo thị trấn mà lòng bâng khuâng, lưu luyến. Ở vùng cao vẫn mùa nào ra mùa ấy. Mùa hoa là mùa của hội hè, chè rượu. Mùa nắng là mùa làm nương. Mùa xanh là mùa của lo lắng giông tố, lũ ống, lũ quét, song cũng là mùa của gặt hái mùa màng. Mùa của cây lá ngủ đông là mùa của hanh hao, của cưới xin, lo làm cửa, làm nhà. Cứ thế, trong những ngôi nhà như những tổ chim bám vào vách đá kia dường như trình tự cày bừa, cấy trồng, cho hạt vàng lên gác và những việc liên quan tới đời người như những vòng quay hết năm này qua năm khác, đời nọ sang đời kia. Trong vòng quay ấy năm thuận năm không, năm nắng nóng nổ đá, năm mưa dầm thối đất, năm tuyết bay trắng trời, năm bão tố lũ ống, lũ quét… song ông trời ngó trông vạn vật, vạn vật nương theo ông trời để mãi trường tồn. 

Chào nhé! Chào Si Ma Cai đón mùa thu trong nồng nàn, náo nức mùa gặt hái. Khát khao lên phố đã cầu được ước thấy rồi, Si Ma Cai hãy đón lấy luồng gió đổi mới để vươn lên làm giàu cho chính mình và đóng góp cho đất nước, góp phần gìn giữ mảnh đất biên cương.