Sài Gòn ân nghĩa

Không ai hiểu rõ Sài Gòn bằng chính người Sài Gòn. Sự hào sảng, nghĩa tình, lạc quan của thành phố này đã khiến cái sự “trọng thương” mà người nơi khác ví von đã không còn là một cảm thán tội nghiệp. Tự bản thân người nơi đây sẽ biến nó thành một sự khích lệ, động viên, là một ân tình lớn lao, mà có lẽ phải trải qua “mùa dịch bệnh”, người ta mới càng thật sự thấm thía hết ý nghĩa của từ này.

Người dân hẻm 17, đường Gò Dầu (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đi chợ tại "Gian hàng 0 đồng sẻ chia cùng khu cách ly". Ảnh: HUẾ XUÂN
Người dân hẻm 17, đường Gò Dầu (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đi chợ tại "Gian hàng 0 đồng sẻ chia cùng khu cách ly". Ảnh: HUẾ XUÂN

Một trong những buổi sáng TP Hồ Chí Minh thực hiện lệnh giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, tôi xách giỏ ra khu chợ gần nhà mua ít đồ về làm điểm tâm. Thói quen này chỉ mới bắt đầu chưa đến một tháng nay, khi những hàng quán đã thay đổi mô hình bán tại chỗ thành bán mang về, và bọn trẻ cũng đã kết thúc năm học vất vả của chúng sớm sủa và nhanh chóng một cách bất thường.

Mọi chuyện đang thật sự bất thường ở thành phố này, vào thời điểm mà bất cứ ai sống ở đó cũng không mong muốn nó phải lặp lại thêm lần nào nữa. TP Hồ Chí Minh những ngày dễ bị tổn thương nhất vì cơn lốc Covid-19 quét qua, đầu tàu kinh tế của cả nước phải oằn mình chống đỡ, hiện trạng đó dễ khiến người ta liên tưởng đến những tính từ thê thảm nhất… Thế nhưng, chắc chắn người Sài Gòn sẽ không bao giờ để bạn phải giữ trong lòng quá lâu những cảm thán tội nghiệp dành cho mình. Trước mặt tôi buổi sáng hôm đó là nụ cười của chị bán bún ở chợ, phút chốc đã xóa tan mọi liên tưởng tệ hại nhất: “Thôi lo gì em ơi, lỡ mà bị dính thì mình cách ly, Nhà nước chữa miễn phí thì mừng, còn chữa mất tiền thì mình đi mượn. Hết bệnh lại bán bún kiếm tiền trả nợ. Có gì đâu mà lo. Cứ lo thế này thì chết vì lo trước khi chết vì dịch đấy”. Rồi mắt chị ánh lên nụ cười lấp lánh. Nếu không có lớp khẩu trang dày, tôi hình dung sự lấp lánh đó đã kịp lan tỏa đến từng ngóc ngách, từng góc phố u buồn này, để nó sáng bừng lên.

Có ít nhất là hai trong số những con hẻm gần nhà tôi đã đột ngột bị chăng dây sau khi phát hiện một ca F0 cư trú tại đó. Trên đường từ chợ về nhà, ngang qua những chốt canh, tôi thấy nhiều chị em phụ nữ khệ nệ bưng những phần cơm, nước, bánh tét, trứng, sữa, và những thực phẩm lương khô chất lên những cái bàn được đặt sẵn ở đầu hẻm. Người dân sống trong con hẻm bị phong tỏa sẽ sống bình an và đủ đầy trong suốt 14 ngày cách ly với phần lương thực được tiếp tế mỗi ngày này. Có những hộp cơm khi đến tay người nhận, vẫn còn nghi ngút khói. Hẳn nó vừa được xới từ một căn bếp tình thương ở đâu đó gần đây. Hoặc giống cái cách mà chị bán bún bò ở đầu đường số 2 phường 16 quận Gò Vấp đã làm: trong những ngày giãn cách, lượng bán mang về chỉ tầm 30% số lượng bán ra hằng ngày trước khi bùng phát dịch, chị quyết định dành 70% số suất bún còn lại để tiếp tế cho những dân phòng đang làm nhiệm vụ canh gác trước các chốt phong tỏa rải khắp địa bàn quận.

Những ngày thành phố bùng dịch, tôi gửi một loạt tin nhắn cho bạn bè đang ở trong tâm dịch, hoặc đang sống trong những con hẻm bị phong tỏa, và new feeds của tôi không ngừng làm công việc thông báo tình hình của họ trong suốt thời điểm cách ly. Comment tôi đọc được nhiều nhất là những lời đề nghị: “Cần gì thì nhắn tui mang qua cho nghen”. Và đó không phải là những lời nói suông, bởi chỉ sau đó nửa ngày, trang cá nhân của các bạn tôi đã lại tràn ngập hình ảnh những món quà chi viện của người thân và bạn bè chung quanh họ. Bạn tôi sống ở chung cư Mỹ Phước, quận Bình Thạnh kể: “Chung cư vừa bị phong tỏa block A, thì ngay lập tức bà con ở block B đã mang hết những thứ có trong tủ lạnh nhà mình chất đầy cái bàn tiếp nhận lương thực đặt ở sảnh block A. Người góp bí, bầu, mướp, khoai tây, su hào, người góp mì, trứng, sữa, gạo, bánh ngọt... Có chị ra chợ mua rất nhiều gừng, chanh, sả, lá tía tô và ghi luôn công thức nấu các món này thành thức uống tăng sức đề kháng, để mọi người trong chung cư đều có thể lấy về tự nấu cho gia đình mình uống mỗi ngày”.

Một cô bạn khác sống trong con hẻm 100 Thích Quảng Ðức, quận Phú Nhuận, kể với tôi qua tin nhắn: “Cách đây hai tuần, hẻm nhà mình xuất hiện hai ca dương tính có liên quan Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng, y tế phường lập tức kéo hàng rào xuống phong tỏa một phần con hẻm. Vì việc phong tỏa diễn ra rất nhanh và bất ngờ, nên bà con trong xóm đâu có kịp chuẩn bị đồ ăn cho gia đình mình. Thế là các hộ dân trong và ngoài khu vực phong tỏa lập tức kết nối với nhau qua Zalo. Người bên trong nhờ người bên ngoài đi chợ giúp. Trong xóm toàn các bác trung niên, mà mỗi bác lại có một xe gắn máy, luân phiên chở các bà các chị đi mua đồ ăn về cho cả xóm. Có người vừa "giải cứu" nông dân được 20 ký khoai lang, cũng chia hết ngay cho mọi người cùng ăn. Bạn bảo, không biết các khu vực phong tỏa khác không khí thế nào, chứ nơi bạn ở, bà con ai nấy đều lạc quan mà không hề chủ quan. Mọi người đều quan tâm nhắc nhở nhau giữ gìn sức khỏe, và luôn trong tâm thế sẵn sàng sẻ chia mọi thứ mình có. Thậm chí, thấy mấy anh dân phòng canh chốt cực quá, mấy dì trong xóm còn bảo thôi con về nghỉ để dì canh cho. Mà nói vậy chứ có ai bước qua cái hàng rào giãn cách ấy đâu. Mọi người đều ý thức sự nguy hiểm của việc lây lan biến chủng mới, và chỉ dám ra ngoài khi thật sự cần thiết.

Tôi nhớ những ngày bọn trẻ mới có thông báo nghỉ học sớm để tránh dịch, khoảng một tuần sau, cô giáo của con trai tôi ở Trường THCS P.T.H. (phường 16, quận Gò Vấp) nhận tin học sinh lớp mình là F1 đã lập tức gửi tin nhắn thông báo: “Em X. hiện là F1 của mẹ (mẹ đã có kết quả dương tính với Covid-19 do tiếp xúc hàng xóm là thành viên hội thánh). Nên các em học sinh xem lại em nào có tiếp xúc bạn X. từ ngày 18/5/2021 thì nói ba mẹ đưa đi khai báo y tế tại trạm y tế phường nơi cư trú nha”. Trong tin nhắn gửi cho học sinh để các em nắm được tình hình và hỗ trợ công tác truy vết, cô giáo cũng không quên nhắc nhở: “Các con nhớ nhắn tin hỏi thăm, động viên bạn và gia đình vượt qua khó khăn này nha!”. Từ lời khuyên chân thành của cô, chắc chắn những tin nhắn yêu thương sẽ không ngừng được gửi đi, dù là vẫn có người hoang mang, lo lắng.

Trên những phương tiện truyền thông và mạng xã hội những ngày vừa qua, nhiều ý kiến ví von TP Hồ Chí Minh như một người khổng lồ đổ bệnh, và các quận, huyện đang nóng lên trong tâm dịch hệt như những bộ phận đau nhức trên cơ thể vốn dĩ rất mạnh mẽ đó. Hình ảnh có vẻ đáng thương ấy hiện lên trong những cảm thán vô thức, khiến thành phố trở nên tội nghiệp hơn, và những lời kêu cứu bên ngoài dành cho thành phố lại càng trở nên tha thiết não nề hơn. Những ngày dịch bệnh bùng phát, ai cũng biết sự lo lắng, bất an là phản ứng không thể tránh khỏi, nhưng người Sài Gòn vẫn liên tục truyền nhau những hình ảnh hài hước, những câu nói có khả năng tạo “trend”, chỉ để bật ra những tiếng cười trấn an trong lúc này, với hy vọng làm nỗi lo dịu đi đôi chút.

Trong những con hẻm chăng dây tứ phía, chiều chiều tôi vẫn thấy những thanh niên rủ nhau ra sân tập thể dục với cái khẩu trang dày sụ che kín mặt, những quả cầu lông bay chấp chới qua lại giữa hai con người cầm vợt điều khiển đứng cách nhau xa. Và đâu đó từ trong những ngôi nhà cửa im ỉm đóng, hàng xóm có thể bị làm phiền bởi một giọng hát karaoke dai dẳng hàng giờ, nhưng họ không tỏ ra chút khó chịu nào trong lúc này, bởi cái suy nghĩ còn khỏe mạnh, còn hứng khởi để tự tạo ra niềm vui cho mình, đã là một sự bình yên từ trong tâm mà không cần ai phải nói ra.

Ngay khi tôi viết những dòng này, một nhóm bạn may mắn khác của tôi đang khẩn trương họp online để bàn tính chuyện góp vốn cho những gánh hàng rong, những người buôn bán nhỏ bị cụt vốn sau một tháng dài giãn cách, làm sao để sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, họ có thể gượng dậy và tiếp tục mưu sinh với đồng vốn ít ỏi mà các bạn huy động được? Câu hỏi đang nhảy múa trên màn hình của tôi, nhưng với niềm tin của một người dân thành phố, tôi biết rằng cũng không bao lâu nữa đâu, câu hỏi đó chắc chắn sẽ có lời giải đáp.