Nhật ký của một người Công giáo

Cuối cùng tôi cũng đã tìm được nhà anh Triệu ở một phố hẻm quận Tân Bình. Sài Gòn mới được giải phóng. Thành phố tôi lần đầu đặt chân, nhưng lòng thì đã đến.

Nhật ký của một người Công giáo

Vợ tôi và anh Triệu là anh em thúc bá. Anh đưa cả gia đình di cư vô Nam năm 1954 với hai lý do: Anh đã từng đi kháng chiến ở Việt Bắc, không chịu được khổ và “dinh tê”, và cần vô Nam vì Chúa đã vô trong đó rồi.

Đây là thành viên duy nhất của họ tộc vợ tôi định cư ở Sài Gòn. Vậy là đã xa cách nhau 21 năm không tin tức tính đến khi Sài Gòn được giải phóng năm 1975.

Căn phòng khách tiếp tôi không sang trọng nhưng ngăn nắp, có gia phong. Trên tường treo các bức phiên bản tranh Thánh: Trái tim Đức Mẹ, Chúa Giê-su hài đồng, Chúa Giê-su chịu nạn, Các Thánh Tông đồ, Mười bốn nơi thương khó. Toàn tranh của các họa sĩ thánh đường thời kỳ Phục hưng.

Đón tôi là vợ chồng anh Triệu, bác cả Vạn mẹ anh, cùng các con anh. Lần đầu tiên gặp họ. Còn trước mặt họ là tôi, “nhà báo cộng sản” từ Bắc vô, và cũng lần đầu tiên gặp.

Sau khi đọc thư của bố vợ tôi gửi, cùng xem vài bức ảnh kỷ niệm xưa cũ và bây giờ, cả gia đình mừng mừng, tủi tủi. Mắt anh Triệu rớm lệ. Bố vợ tôi không có con trai, tôi là rể cả, đang ở cùng ông, được ông tin yêu như con trai. Chính vì lẽ đó, tôi có thể kể tường tận về từng người, từng gia đình trong họ tộc anh đang ở Hà Nội, cũng như đang ở quê gốc làng Chèm. Mối quan tâm lớn nhất đối với anh là ba bà cô tu tại gia ở làng, vẫn khỏe mạnh và ơn Chúa hằng ngày dùng đủ. Vợ chồng tôi về thăm các cô luôn. Càng nghe chuyện tôi kể, gương mặt anh Triệu càng phấn chấn, khoảng cách xa lạ không còn nữa.

Bỗng anh thở dài tâm sự, rằng hồi ấy ra đi là “mặc cảm tội lỗi”.

- Chuyện đã qua - Tôi an ủi anh - Giờ, gia đình ta sống ra sao?

- Cũng ổn. Tôi làm thủ thư cho một thư viện. Chị mở phòng khám nha khoa. Các cháu tiếp tục đi học. Hiềm là cháu Tuấn, Tú đã đi Ca-na-đa rồi. Chúng đã thư về. Vất vả lắm. Vùng đất rét...

Tôi chạnh lòng. Giải phóng đem lại sự đoàn tụ, thì gia đình anh lại có chia ly.

- Vậy hai tháng ba và tư, anh có theo dõi cuộc chiến không?

Anh đứng dậy ra tủ sách, mang lại cho tôi cuốn sổ dày: “Nhật ký Giải phóng”.

Tôi lật vội từng trang. Ra anh ghi chép cập nhật rất kỹ càng hành trình giải phóng. Mở đầu là Buôn Ma Thuột với chiến dịch Tây Nguyên, rồi chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Ngày nào anh cũng ghi, dưới hàng chữ ngày tháng anh gạch chân bằng bút mực đỏ.

- Anh lấy thông tin từ báo chí Sài Gòn ư?

- Một phần bề nổi. Còn, tôi nghe lén Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Giải phóng.

Điều làm tôi lưu tâm nhất, là sau mỗi sự kiện, anh ghi cả cảm xúc và tâm trạng của anh. Thí dụ như: Thất thủ ư! Sao nhanh thế? Đã tới Huế! Mới hôm qua mà sáng nay đã... cô Bình ơi! May cô quá, giải phóng Đà Nẵng rồi. Lòng tôi mung lung. Chả kịp nghĩ. Ôi hai từ “thần tốc”. Một chế độ đã lụi tàn đến thế này ư? Chưa đánh đã chạy. Lại thay đổi tướng. Lại cải hoán cả Tổng thống...

Bố vợ tôi đã cho biết từ trước, anh Triệu là người giàu tình cảm nhất trong họ. Anh hay ghi chép và làm thơ. Anh đi theo kháng chiến làm cán bộ văn hóa tuyên truyền.

Vừa lúc, vợ chồng cô Bình tới. Anh Triệu đã sai một cháu đi mời. Cô Bình là bà cô họ xa thuộc chi khác của vợ tôi.

Gương mặt cô chú đều rạng rỡ, không một chút buồn, nhưng có phần đay nghiến:

- Chào cháu nhà báo cộng sản! Đến thăm người nhà ngụy Sài Gòn mà không ngại liên lụy sao?

Tôi cười:

- Cùng là chiên Chúa cả mà cô!

Trong nhật ký anh Triệu ghi “cô Bình ơi! May cho cô quá!”, là cái may gia đình cô đã chạy sớm vào Sài Gòn ngay khi chiến sự nổ ra ở Tây Nguyên, bỏ lại Đà Nẵng cả một khối bất động sản của hãng buôn. Cô Bình giàu có. Thương nhân thì chỉ quan tâm tới làm ăn và cầu mong yên ổn. Tuy nhiên, như cô nói, chú-chồng cô, có vướng chút “bụi”. Chú là thiếu tá nhưng chuyên ngành tin học. Không phải đi cải tạo. Chỉ cần trình diện và học tập ít ngày.

Bỗng con gái lớn anh Triệu tung ra một câu:

- Phúc đức là gia đình chúng ta không ai có nợ máu.

Bác cả Vạn giật thót người:

- Lạy Chúa tôi! Cháu nói gì mà rợn cả người?

Vợ chồng cô Bình thì khỏi lo. Có vốn từ Đà Nẵng mang vào đủ sống để chờ đợi vài năm xem sao. Anh Triệu thì khó, đủ sống cầm chừng. Cô Bình hỏi:

- Nghe tin ngoài Bắc sống phân phối?

Tôi bật cười về cách dùng từ của cô:

- Vâng. Phân phối để đủ dùng. Ăn no và mặc ấm. Cô thấy cháu đủ khỏe để thần tốc vào đây.

- Giỏi! Một lúc, cô chưa thể hiểu hết anh.

- Cô sẽ hiểu nhanh thôi mà. Chắc mọi người Sài Gòn đều biết linh mục nhà báo Nguyễn Ngọc Lan, làm việc ở Tạp chí Đứng Dậy, rồi Đối Diện thời Mỹ - ngụy. Bây giờ là Đồng Dao. Ông mới có một phóng sự in dài kỳ về những khó khăn, đời sống của Hà Nội, của người Hà Nội “Hà Nội không có gì thay đổi: Mái ngói rêu phong - Ban công sắt rỉ không còn sắt - Tán cây rậm rì như ủ thời gian lại. Có cảm giác Hà Nội khựng ở điểm này”. Rồi “Hàng Đào không lụa, Hàng Bạc không vàng. Gặp ba cửa hàng nhận vá áo đi mưa, không có cửa hàng nhận dán áo đi mưa”... Để cuối cùng, ông có lời kết: “Phong cách của người Hà Nội là nhịn ăn để mặc. Còn người Sài Gòn là nhịn mặc để ăn. Nhưng người Hà Nội đã phải trải qua nhịn cả ăn lẫn mặc, để vì một thứ cao quý hơn rất nhiều, đó là Tự do và Độc lập”.

Con gái lớn anh Triệu góp chuyện:

- Cháu có biết linh mục Nguyễn Ngọc Lan. Ông du học và chịu chức ở La Mã. Hình như làm báo cùng linh mục Chân Tín...

- Đúng thế. Các linh mục sống trong lòng chính quyền Mỹ - ngụy mà lại dám Đối Diện, Đứng Dậy.

Bỗng chồng cô Bình dè dặt, nói như cho riêng mình nghe:

- Cũng kỳ. Hôm rồi, tôi đi một chuyến xe đò. Có người kể chuyện phàn nàn về anh lính giải phóng khi vô Sài Gòn đã xả đạn AK vào những dàn đèn chùm, vào các thiết bị nội thất đắt tiền, vào tất cả, cứ như cho hả giận. Thật là điên. Một người khác thì cảm thấy bị chạm nọc, sửng cồ: Sao lại không tức, họ sống ở bưng biền thiếu thốn đủ đường. Còn ở đây các người sống quá thừa thãi. Bỗng xe phanh khựng, có một xe Honda lái ẩu táp vào mũi, may không gây tai nạn. Nhưng xe phanh độc thì chết máy, “đề” mãi không nổ. Có ý kiến, nhờ mấy thanh niên uống trà đá bên đường đẩy hộ. Bác tài phẩy tay, hừm. Vậy làm cách sao? Bác tài bảo, cố chờ chút, coi bộ có mấy anh Giải phóng đi qua...

Có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ tôi. Tâm trạng của người Sài Gòn hậu 30 tháng tư rất hỗn tạp. Có nhiều người vui mà cũng có nhiều người chán, vừa tin lại vừa ngờ, nghe ngóng và chờ đợi. Cũng dễ hiểu. Viện trợ Mỹ đổ vào đã tạo nên sự phồn vinh giả tạo. Ngay như đồng bào ở cuối sông Tiền, nói với tôi, rằng định kỳ hằng tháng ngày mồng năm, họ cứ mang mảng ra vớt nhu yếu phẩm của lính Mỹ đổ xuống sông để thay hàng mới vào kho. Họ chưa nghĩ được nhiều như linh mục nhà báo Nguyễn Ngọc Lan, trừ những người thấm mùi mất tự do và độc lập.

- Cô cứ lo lo anh à - cô Bình bối rối hỏi tôi - liệu có “tắm máu” không?

- Trời! Cô nghĩ thế sao? Cô và anh Triệu đã bị dối lừa một lần vào năm 1954. Chúa có vô Nam đâu!

- Hỏi thế, nhưng cô chả tin.

Nhật ký của anh Triệu đã dựng nên một bộ phim tài liệu. Các chiến dịch giải phóng diễn ra cấp tập trong tháng ba và tháng tư. Đúng như tin chiến sự tôi đã khai thác từ Thông tấn xã Việt Nam để làm chương trình thời sự. Nhưng ở nhật ký của anh, đặc biệt hơn là có mô tả hình ảnh và cảm xúc: “... Cứ thấy trên đường phố Sài Gòn điều binh rầm rập. Máy bay không vận trên bầu trời Sài Gòn náo loạn. Tiếng súng lớn từ xa vọng về trong đêm khiến Sài Gòn mất ngủ. Trên gương mặt mỗi người Sài Gòn cứ bồn chồn, khấp khởi, chờ đợi một biến cố lớn. Gặp nhau là thì thào to nhỏ, như thật lại như hư. Càng đến ngày cuối tháng Tư, thì người ở các tỉnh cuồn cuộn kéo nhau dạt về Sài Gòn hỗn độn cứ như chạy hồng thủy. Tốc độ giải phóng như vũ bão, một bên thì thừa thắng xốc tới, một bên thì bạc nhược vỡ trận, như tấm vải mủn chạm đâu rách đó. Cho tới khi tiếng đạn bom ầm vang đến ven và giữa Sài Gòn, sự hoảng loạn đổ bể đến không ngờ, bắt đầu một cuộc di tản điên loạn bằng đường không và đường thủy, dẵm đạp lên nhau, giành giật nhau bất chấp, chẳng ai nhường ai, đã có người chết vì chen lấn...”.

Anh Triệu ướm hỏi tôi:

- Liệu cứ để hai miền, có tránh được thương vong?

- Năm còn hội đàm ở Pa-ri, luật sư Nguyễn Hữu Thọ có lần qua viếng thăm Tòa thánh Va-ti-căng. Đức Giáo hoàng Pôn VI cũng đã có ý kiến như vậy, và Người còn dùng tới thành ngữ “huynh đệ tương tàn”. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã thưa với Người rằng, đây là cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ. Và luật sư cũng đặt một câu hỏi với Giáo hoàng, rằng, nếu có một đội quân nào đó đến đánh chiếm Đất Thánh của Người, thì Người có bảo vệ không?

Cả nhà lặng im. Rồi chồng cô Bình nói:

- Tôi nghe có chuyện đó. Thời ông Thiệu. Kể cũng phải. Nếu không có Mỹ, thì hai năm sau năm 1954 đã có Tổng tuyển cử theo Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Cô Bình phát nhẹ vào đùi chồng:

- Một tháng đi học tập không uổng! Ổng thiếu tá cũng đã vỡ ra nhiều điều.

Rồi cô Bình hướng qua tôi:

- Nhưng nhanh quá, không tưởng tượng nổi. Mỹ nó cũng chán chường, bỏ mặc ông Thiệu để chạy lấy người.

- Thưa cô. Chúa Giê-su đã chẳng trả lời quan Phi-la-tô, rằng, của Thiên Chúa thì trả về cho Thiên Chúa, còn của Cesar thì hãy trả lại cho Cesar đó sao? Đất Việt là của người Việt Nam mà.

Cả nhà cùng cười vang. Xem chừng đã hoàn toàn thoải mái. Anh Triệu ngắm lại tôi một lượt từ đầu tới chân, rồi nói:

- Nhà báo cộng sản, mà thuộc Phúc âm đến thế ư?

- Vâng. Phúc âm thời Giê-su là chân lý.

Vậy là sau 21 năm, gia đình họ tộc vợ tôi có sự đoàn tụ từ đấy, hậu 30 tháng tư năm 1975.