Người trong ảnh

Đến thăm các bảo tàng lịch sử ở Hà Nội và Thành cổ Quảng Trị, tôi đã nhìn thấy bức ảnh này: Hai người lính thông tin đang trong trận đánh đối mặt trực diện lực lượng địch. 

Đỗ Đức Thắng (bên phải) và Hồ Văn Quang trong trận tiến công Đồi Đá, cao điểm 544 Phu Lơ, xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị, tháng 4-1970. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH
Đỗ Đức Thắng (bên phải) và Hồ Văn Quang trong trận tiến công Đồi Đá, cao điểm 544 Phu Lơ, xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị, tháng 4-1970. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

Tôi đặc biệt ấn tượng với người lính đeo máy vô tuyến 2W có gương mặt trẻ măng nhìn thẳng về phía kẻ thù với một tâm thế bình tĩnh, sẵn sàng. Bức ảnh do phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính chụp. Sau này, trong một chuyến đi cùng thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu thăm lại những người lính cũ của Trung đoàn 27 - còn có biệt danh Trung đoàn Triệu Hải Anh hùng (thuộc khu vực Sơn Tây cũ) tôi mới có dịp gặp người lính thông tin đeo máy vô tuyến 2W ấy. Anh tên là Đỗ Đức Thắng quê xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Hóa ra Đỗ Đức Thắng chưa đến nỗi già và khắc khổ như tôi hình dung. Thắng sinh năm 1952. Anh nhập ngũ tháng tám năm 1967 khi mới 15 tuổi. Nói điều ấy ra hôm nay có thể nhiều người khó tin, nhưng đó lại là sự thật. Thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ hao người tốn của, lại chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ở hậu phương, những thanh niên cứ nặng khoảng trên dưới 40 kg, cao khoảng 1m50 là có thể tình nguyện hoặc động viên nhập ngũ. Ai chưa đủ tuổi có thể khai tăng cho hợp với luật tổng động viên trong hồ sơ. 

Người trong ảnh -0
Ông Đỗ Đức Thắng và vợ. 

Đỗ Đức Thắng vừa học xong cấp hai, anh phải “khai man” thêm ba năm cho đủ tuổi 18 để được lên đường ra trận. Tuy vậy, Thắng chỉ nặng 38 kg, cái tầm vóc nhỏ bé ấy không thể giấu được, nhưng vì anh rất hăng hái, nhanh nhẹn, quyết tâm cầm súng nên được cấp trên chấp nhận. Thắng được chọn làm liên lạc đại đội, sau tín nhiệm hơn, đưa lên làm liên lạc cho cán bộ tiểu đoàn. Suốt ba năm, giữ chân liên lạc, dường như cấp trên có ý vừa kèm cặp rèn luyện vừa chờ cho Thắng có những trải nghiệm chiến trường, họ mới đưa Thắng đi học cấp tốc lớp thông tin vô tuyến 2W. Tiểu đoàn có một tiểu đội thông tin 2W. Họ chỉ ở tiểu đoàn bộ khi không có chiến sự. Mỗi khi chuẩn bị tổ chức trận đánh, những người lính này lại được tăng cường cho các đại đội. Trận đánh mà Đỗ Đức Thắng tham gia và được phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính ghi lại bằng hình ảnh, trở thành tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng, là trận thứ năm Thắng tham gia. Đó là trận đánh trên Đồi Đá, cao điểm 544 Phu Lơ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, vào ngày 1-4-1970. Khi ấy, Đỗ Đức Thắng đã bước sang tuổi 18. Là chiến sĩ thông tin của tiểu đoàn 3, Đỗ Đức Thắng được tăng cường xuống đại đội 1. Trận đánh ấy rất ác liệt. Đại đội 1 bị bom và pháo bầy của địch đánh tan tác. Đỗ Đức Thắng không chịu rút, anh xông lên với trung đội chốt tiền tiêu. Khi chạy, khi lăn lê bò toài trên sườn đồi để tránh đạn địch. Quả đồi bị bom cày xới, cây cối nát tươm, hai chiến sĩ thông tin Đỗ Đức Thắng và Hồ Văn Quang (quê xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tiếp cận được với trung đội chốt thì nhận ra họ đã hy sinh hết. Những thi thể liệt sĩ nằm ngổn ngang, có người bị cắt làm đôi, có người bị thiêu cháy đen không còn nhận ra danh tính. Thắng và Quang toan vác xác đồng đội đi mai táng thì bỗngThắng phát hiện ra một ổ đại liên của địch ở gần đấy đang chĩa nòng súng về phía mình. Bọn địch cũng đã phát hiện ra Thắng và Quang, chúng hô: 

- Hai thằng Việt Cộng oắt con, hãy bắt sống chúng nó!

Hai chiến sĩ liền quay tiểu liên về phía địch xả hết hai băng đạn rồi chạy thục mạng. Đạn đại liên địch bắn đuổi theo chát chúa. Một viên bắn sượt qua mông Thắng, sờ tay xuống thấy máu thấm ướt quần. Nhưng bản năng sinh tồn khiến Thắng quên đau, vẫn cắt rừng mà chạy. Chỉ khi về đến nơi hội quân của đơn vị, đồng đội mới băng vết thương cho Thắng. Khi ấy quay nhìn lên Đồi Đá, cao điểm 544 Phu Lơ, Thắng thấy bọn địch đã phun xăng thiêu cháy xác những liệt sĩ của trung đội chốt, cố nén tiếng khóc cho khỏi ảnh hưởng đến tinh thần đồng đội mà nước mắt Thắng cứ trào ra.

Đỗ Đức Thắng còn tham gia mấy trận nữa, nhưng đáng nhớ nhất, và cũng là trận làm Thắng bị thương lần thứ hai diễn ra ở thôn An Lộng, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Đó là thời điểm diễn ra chiến dịch Thành cổ 81 ngày đêm, từ tháng 6 đến tháng 8-1972. Trung đoàn 27 có nhiệm vụ trấn giữ hành lang phía đông Thành cổ, đánh chặn các đơn vị lính dù từ máy bay nhảy xuống và thủy quân lục chiến từ biển đổ bộ lên. Nếu như trong chiến dịch đó tính trung bình mỗi ngày có khoảng một đại đội quân ta hy sinh trong Thành Cổ thì Trung đoàn 27 đánh chặn bên ngoài, tuy tỷ lệ hy sinh ít hơn, nhưng độ ác liệt thì không hề kém. Khi kết thúc chiến tranh, tổng kết quân số hy sinh của Trung đoàn lên tới 2.500 người. Quần thể bia tưởng niệm bằng đá xây trên đất xã Triệu Long, huyện Triệu Phong hôm nay đã ghi danh từng người, kể cả người có bia mộ và người không có bia mộ.

Trước cái ngày không thể quên ấy, Đỗ Đức Thắng được lệnh của tiểu đoàn tăng cường cho đại đội 1. Đại đội này vốn đã trở nên thân thuộc với anh từ những trận đánh trước. Thắng đeo ba-lô đằng trước, đeo máy vô tuyến 2W phía sau lưng, hành quân một mình xuống đại đội vào ban đêm. Trên đường đi qua những vườn cây, bãi cỏ, đến một công sự súng DKZ, Thắng nghe có tiếng người ú ớ bên trong. Anh bước vào thấy một người lính đang nằm ngửa trên đất, máu thấm ướt quần áo. Thắng hỏi:

- Cậu ở đơn vị nào?

- Tớ là Sơn, tiểu đội trưởng DKZ, tiểu đoàn 3. Tớ bị thương vào lưng, có lẽ gẫy xương sống nên không đứng lên nổi… Anh em trong tiểu đội đã hành quân theo đơn vị rồi. Họ dặn tớ cứ ở đây lát nữa sẽ có đội cáng thương đến. Thôi cậu giúp tớ, cho tớ về đội phẫu kẻo tớ chết mất…

Vết thương sau lưng của Sơn tuy đã được băng nhưng vẫn rỉ máu. Thắng xốc Sơn lên cõng đi. Đi được một quãng về phía bờ sông thì gặp đội cứu thương, Thắng giao Sơn cho họ. Lúc này hẳn Sơn rất đau, giọng nói đã khê và méo. Thắng chỉ nhớ Sơn nói giọng Thanh Hóa. Sau này khi cuộc chiến đã kết thúc Thắng cứ ân hận không biết địa chỉ cụ thể gia đình Sơn để hỏi xem Sơn còn sống hay đã hy sinh. Nếu Sơn còn sống thì cái vết thương quái ác ở cột sống có làm anh bị liệt không?

Vừa “bàn giao” Sơn cho đội cáng thương, đi được một quãng, Thắng lại bắt găp một tốp nữ du kích, họ đang băng vết thương cho một o. Thấy Thắng, họ bảo:

- Này anh giải phóng, nhờ anh băng vết thương cho o ni. Băng xong là tự o tìm đường về nhà. Còn tụi em phải hành quân tiếp. Hai ngày hôm nay bọn nó đánh năm lần, ta đều đánh lui cả năm, nhưng hy sinh cũng nhiều. 

- Tôi cũng đang vội nhưng không thể từ chối giúp đỡ các o - Thắng vừa nói vừa hạ ba-lô và máy 2W xuống.

- Anh về mô?

- Tôi về An Lộng, Triệu Hòa!

- Rứa là về đại đội một, tiểu đoàn ba. Hôm qua hy sinh nhiều lắm. Chiều nay vừa bổ sung lính mới. Họ đang mai táng liệt sĩ và sửa chữa hầm hào chuẩn bị đợt đánh chặn mới… Cho nên anh không phải vội, cứ băng vết thương cho o ni cẩn thận rồi hãy đi.

Nhóm du kích đi rồi, Thắng băng lại vết thương trên trán cho cô gái. Trong đêm tối, thỉnh thoảng có ánh chớp đạn pháo từ phía Thành Cổ khiến Thắng nhận ra cô du kích còn rất trẻ, còn trẻ hơn cả Thắng, xinh xắn và rắn rỏi. Cô bị thương nhẹ nên vẫn nói chuyện bình thường, giọng nói của cô ríu rít như chim hót. Thắng vừa băng vết thương cho cô vừa bị cuốn vào câu chuyện trận mạc của cô, lúc chia tay Thắng quên cả hỏi tên và địa chỉ quê hương cô. Lúc bấy giờ điều ấy không quan trọng, nhưng sau này có điều kiện thăm lại chiến trường xưa mấy lần Thắng đều tìm về chính mảnh đất này tìm gặp cô mà chẳng ai biết cô, khi ấy Thắng mới cảm thấy hối tiếc và tự trách mình vô tâm.

Đỗ Đức Thắng đến thôn An Lộng, xã Triệu Hòa vào lúc trời tảng sáng. Những người lính cũng vừa chôn cất xong các liệt sĩ. Những thương binh nặng cũng đã được chuyển hết ra bờ sông Thạch Hãn chờ thuyền chở sang bên kia, đưa đến trạm phẫu. Đại đội vừa được tăng cường một số lính trẻ, họ đang bắt tay vào chuẩn bị trận địa, sửa chữa lại hầm hào bị lún sập và xiêu vẹo trong năm đợt tiến công của địch mấy ngày qua. Thắng được phân công ở căn hầm chữ A ngay cạnh hầm của ban chỉ huy đại đội. Thắng vừa đeo máy chui vào hầm thì bỗng nghe tiếng phản lực AD6 rú trên đầu. Lại có những tiếng đại bác từ phía Cửa Việt câu vào nghe thùng thùng như gõ trống. Căn hầm của Thắng chao đảo rồi như bị bốc lên vật xuống. Thắng thấy đau nhói khắp người rồi anh ngất đi, không biết gì nữa. Ba ngày sau Thắng mới tỉnh lại, biết rằng căn hầm bị sập đè lên anh. Đồng đội vừa thông báo cho anh biết nơi anh đang điều trị đây chính là đội phẫu 52.

- Đại đội một tuy có thương vong nhưng đã đánh chặn thành công một đợt tiến công quy mô của địch, tiêu diệt hàng trăm tên vừa lính dù vừa lính thủy đánh bộ - người lính tải thương thông báo với Thắng.

Ở trạm phẫu điều trị thêm mấy hôm, Thắng được chuyển ra quân y viện 41 trên đất Quảng Trạch, Quảng Bình. Vết thương đã ổn, nhưng không còn đủ sức chiến đấu, Thắng được ra bắc, về đoàn an dưỡng 87, rồi chuyển về trại thương binh tỉnh Hà Tây (trước đây). Ít năm sau Thắng được xuất ngũ về quê.

Nhìn ngắm tòa nhà mới xây hai tầng như biệt thự khang trang, tôi hỏi Thắng:

- Chế độ trợ cấp thương binh ba triệu một tháng mà sao anh xây được căn nhà to thế? Có bí quyết gì không?

- Các con tài trợ cả đấy! Số tôi được nhờ con.

- Anh có mấy cháu?

- Năm đứa. Hai trai, ba gái. Kể ra thời hiện đại mà đẻ thế là hơi nhiều - Thắng nói - Nhưng có lẽ vì tôi chứng kiến người chết nhiều quá nên có tâm lý muốn sinh nhiều con để ổn định cái tâm trạng. Cũng rất may cho tôi là các cháu đều ngoan. Bốn cháu tốt nghiệp đại học. Làm kinh doanh nên cuộc sống đều khá giả. Thương bố mẹ đầu bạc trắng rồi mà vẫn phải ở trong căn nhà xập xệ, năm ngoái các cháu bảo nhau gom góp xây kỷ niệm một nếp nhà cho vợ chồng tôi dưỡng già.

Tôi bắt tay chúc mừng anh chị. Vậy là máu của anh đổ ở chiến trường, mồ hôi của chị bị vắt kiệt ở hậu phương đã được các con anh chị ghi nhớ để tu chí làm người, thành những công dân có ích.