Mùa thu với hai nhà báo lão thành

Kể từ mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đông về số lượng và tăng về chất lượng.

Nhà báo Trần Lâm.
Nhà báo Trần Lâm.

Theo quy luật thời gian, số người cầm bút trẻ tuổi được bổ sung đông đảo, còn số người làm báo từ mùa thu năm ấy, có người đã khuất núi, nhưng số đông vẫn còn đó, dù sức khỏe có giảm sút, nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn, lòng yêu nghề báo vẫn dâng trào, một số người vẫn tiếp tục “nhả tơ” cho đời bằng những bài viết chuyên sâu, tạo ấn tượng tích cực với xã hội. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập hai nhà báo lão thành có những đóng góp quan trọng cho ngành phát thanh, truyền hình từ những ngày đầu Nhà nước ta ra đời trong bối cảnh vô cùng cam go và đầy thách thức - đó là hai nhà báo Trần Lâm và Phan Quang.

Vào dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, tôi có dịp qua Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội; được ngắm kỹ một công trình văn hóa - lịch sử đã đứng đây qua nắng mưa dầu dãi hơn thế kỷ. Nhìn rừng cờ đỏ sao vàng treo khắp các cơ quan, gia đình, bất giác tôi liên tưởng đến lá cờ đỏ sao vàng cực lớn được treo tại tầng hai ở Nhà hát này cách đây 76 năm, mà người tham gia thực hiện sự kiện ấy chính là anh thanh niên trí thức yêu nước Trần Lâm (quê Hải Dương) cùng với một số đội viên Đội tuyên truyền TNXP nội thành Hà Nội. Ngày 22/8/1945, thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, đồng chí Trần Lâm cùng các đồng chí Trần Kim Xuyến và Trần Văn Tính nhận nhiệm vụ gấp rút thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định trước đồng bào cả nước và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”. Từ ngày đó, cái tên Việt Nam thiêng liêng đã được ghi trên bản đồ thế giới. Chỉ năm ngày sau lễ Quốc khánh, ngày 7/9, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức phát sóng với nhạc hiệu rộn ràng của bài Diệt phát xít hùng tráng cùng giọng đọc đĩnh đạc, trang trọng của phát thanh viên: Những lời thiêng liêng ấy gây xúc động hàng triệu trái tim người Việt Nam từng bị phong kiến, thực dân, phát-xít áp bức, bóc lột, “một cổ ba tròng”; từ đất nước lầm than, nô lệ đã “rũ bùn đứng dậy” làm chủ đất nước mình, số phận mình! 76 năm qua, đoạn nhạc hiệu mở đầu chương trình ngày mới ấy của Đài Tiếng nói Việt Nam đã thấm vào trái tim, khối óc, thành niềm tự hào lớn lao và sức mạnh tinh thần vô song của mỗi người dân đất Việt vững vàng vượt qua mọi gian nguy để độc lập dân tộc mãi trường tồn, để cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Khó có thể quên trong những ngày đêm tháng 12/1972, đế quốc Mỹ đã thực hiện hủy diệt Hà Nội bằng máy bay B52 rải bom nhiều phố phường, làng mạc, trong đó có Đài phát sóng Mễ Trì. Cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước và nhân loại tiến bộ đã trải qua chín phút hồi hộp, lo âu khi sóng đài bị đứt đoạn vì bom. Chín phút trôi chậm chạp, tim chúng ta như ngừng đập! Nhưng rồi bằng lòng quả cảm và trí tuệ của các kỹ thuật viên, sự cố ấy đã nhanh chóng được khắc phục; và chỉ sau chín phút, nhạc hiệu cùng lời phát thanh viên quen thuộc lại dõng dạc truyền đi khắp năm châu: “Đây là tiếng nói Việt Nam…”.

Lịch sử có những điều ngẫu nhiên kỳ thú: chỉ sau 25 năm ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, cùng vào một ngày mùa thu - ngày 7/9/1970, Đài Truyền hình Việt Nam ra đời, đúng lúc cuộc chiến đấu giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc bước vào giai đoạn cam go nhất. Nhưng cũng chính thời điểm ấy, đồng bào, chiến sĩ cả nước vừa được nghe sóng phát thanh, vừa được trực tiếp xem những hình ảnh lao động, chiến đấu, học tập của toàn Đảng, toàn dân qua màn ảnh truyền hình.

Mùa thu với hai nhà báo lão thành -0
Nhà báo Phan Quang. 

Hình thành và phát triển hai công cụ chủ lực - phát thanh và truyền hình của nền báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta ghi ơn “kiến trúc sư trưởng”, người đóng vai trò chủ lực và tiên phong ấy là nhà báo Trần Lâm, đã bền bỉ, sáng tạo hơn sáu thập niên, từ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật đến đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể. Chúng ta xúc động khi được biết, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam trong hai nhiệm kỳ gần đây là con trai ông Trần Lâm - đồng chí Trần Bình Minh. Và hiện nay, con trai anh Trần Bình Minh là Trần Việt Hoàng, sinh năm 1987, hiện là Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội, đã và đang là một trong những cán bộ với nhiều khát vọng đổi mới và tinh thần năng động, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện một số chương trình văn hóa - nghệ thuật, tạo được dấu ấn riêng. Đúng là “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí, chung câu quân hành...”.

Nói về sự nghiệp phát thanh hiện đại, chúng ta không quên nhắc đến một trong những cây đại thụ của báo chí cách mạng Việt Nam - đó là nhà báo, nhà văn Phan Quang. Ông chào đời đúng vào tháng đầu thu năm 1928 trên vùng đất Quảng Trị nắng lửa và sỏi đá, “những đồi sim không đủ quả nuôi người”. Tôi nhớ mãi, cũng vào ngày đầu thu cách đây ba năm, tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam ở 58 phố Quán Sứ, Hà Nội, ban lãnh đạo Đài đã tổ chức kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập; tiếp sau đó là buổi Tọa đàm thân mật mừng nhà báo Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc VOV, tròn 90 tuổi đời và 70 tuổi nghề. Những phát biểu chân thành, xúc động, không chỉ từ phía những đồng nghiệp làm báo qua các thế hệ, mà còn có nhiều đại diện khác, đã khẳng định công lao to lớn của Phan Quang trong việc xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có sự nghiệp phát thanh. Có lẽ, trong làng báo Việt Nam, Phan Quang là một trong số những người có thâm niên làm báo chuyên nghiệp lâu năm (70 năm), kể từ ngày ông rời xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng đi tham gia cách mạng; sau đó được tuyển vào làm phóng viên báo Cứu quốc Liên khu IV dưới sự dẫn dắt của Tổng Biên tập, nhà văn Chế Lan Viên. Sáu năm sau đó, cũng vào một ngày mùa thu giải phóng Thủ đô (10/10/1954), với sự lựa chọn kỹ càng của tổ chức, ông được phân công về Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng, chuyên viết về mảng kinh tế, nhất là về nông nghiệp. Ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị khóa VI ra Nghị quyết số 10 “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” (thường gọi là khoán 10), có đóng góp tích cực của báo Đảng, trong đó có vai trò của Trưởng ban Nông nghiệp - nhà báo Phan Quang từ trước đó, khi tham mưu giúp Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100. Sau khi nước nhà thống nhất, những phóng sự dài kỳ về nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, tạo vị trí xứng đáng trong nhiệm vụ định hướng tư tưởng của tờ báo Đảng. 18 năm gắn bó với tờ báo lớn nhất, ông đã làm nhiệm vụ Trưởng ban ở nhiều lĩnh vực kinh tế, xây dựng Đảng… Từ cương vị là Ủy viên Ban Biên tập nhiều năm, ông được Ban Bí thư điều động làm Vụ trưởng Báo chí - Ban Tuyên huấn T.Ư. Tiếp đó, ông làm Thứ trưởng Thông tin, rồi làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Trên cương vị là Tổng Giám đốc, ông cùng Ban lãnh đạo VOV đề nghị Ban Bí thư bổ sung chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy, hình thành một số chuyên mục mới, nâng cao chất lượng các chương trình, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật. Cùng lúc với cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội, ông chủ động đề xuất và là người chủ biên Dự thảo Luật Báo chí Việt Nam và Luật đã được Quốc hội thông qua vào tháng 12/1989. Phan Quang, không chỉ là nhà báo, nhà văn, mà còn là dịch giả lớn, với nhiều cuốn sách được hàng triệu bạn đọc cả nước yêu mến, mà tiêu biểu là cuốn “Nghìn lẻ một đêm” đã được tái bản hàng chục lần. Các học giả quốc tế chuyên nghiên cứu về Việt Nam, coi ông là chính khách lớn, là nhịp cầu văn hóa, hữu nghị của Việt Nam với thế giới, nhất là ở thời điểm ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trong ba khóa liên tục.

Mùa thu về, chúng ta vừa vui, vừa tiếc nuối nhiều nhà báo tài năng, như Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Trần Lâm, Thép Mới, Hồng Hà, Hữu Thọ… đã về với cõi âm. Nhưng còn đó, Phan Quang, Hà Đăng (hai người vừa được Đảng, Nhà nước tôn vinh là “Nhà báo tiêu biểu”; còn đó các nhà báo tiếng tăm: Thái Duy, Hồ Tiến Nghị, Phạm Khắc Lâm, Kim Cúc… và hàng chục người khác vẫn đang nặng lòng với nghề và dành sự tâm huyết, trách nhiệm, đã và đang góp ý, gợi mở giúp thế hệ trẻ làm báo hôm nay về kinh nghiệm trong thao tác nghiệp vụ báo chí…

Viết đến đây, tôi nhớ bài tùy bút của cựu nhà báo, nhà văn Thép Mới trong thời chống Mỹ, cứu nước: “Mùa thu - cây lúa và cây súng”. Đây là một trong những bài báo mà tôi tâm đắc nhất, vì vậy đang gợi mở ý định cho tôi viết một bài về “Mùa thu - cây bút và Covid” nhằm gửi tâm tình, sự trân trọng của tôi đối với các nhà báo đang hăng hái xông vào tâm dịch, không quản hiểm nguy tính mệnh, để ghi hình và viết bài, phản ánh sinh động, đa dạng những việc làm cao đẹp của con người Việt Nam đang chung lòng, hợp sức đẩy lùi đại dịch.

Một mùa thu với bao gian nan và thách đố trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch có tính toàn cầu, nhưng đang nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng vào sức mạnh của dân tộc ta bởi lòng yêu nước và khát vọng dựng xây Tổ quốc giàu mạnh, hùng cường; mà đội quân báo chí cách mạng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, theo gương hai nhà báo lão thành, đã và đang toàn tâm cổ vũ cho mục tiêu thiêng liêng ấy sớm thành hiện thực trên đất nước Việt Nam yêu dấu! ■

Hà Nội, ngày 11/9/2021

N.H.V