Cảm nhận Thái Bình

NDO - Cách đây mười ba năm tôi lần đầu đến Thái Bình. Hồi ấy, vùng quê này đang là "điểm nóng" về an ninh trật tự. Tôi, chị Nguyễn Thị Như Trang, anh Sương Nguyệt Minh theo chân nhà văn Nguyễn Chí Trung lúc bấy giờ là trợ lý của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về một xã nóng nhất của Quỳnh Phụ. Về nông thôn nhưng theo ý bác Trung, đoàn công tác vẫn phải cơm đùm gạo bới ... Chuyện cũ được nhắc lại khi xe bon bon trên cầu Tân Ðệ sang Thái Bình trong chuyến đi thực tế của những nhà văn mang áo lính.

Vùng đất này nuôi dưỡng khí phách mãnh liệt, sự thẳng thắn cương trực khác thường, tôi nghĩ thế. Trong sự yên hòa của Thái Bình bây giờ tôi thấy thấp thoáng hào khí Ðông A sáng tỏa hừng hực từ mảnh đất phát nghiệp nhà Trần. Ðâu đây, hiện lộ anh linh tướng quân Uy Viễn Nguyễn Công Trứ, chất ngang tàng của bốn phương tụ bạ về vùng đất bồi mặn mòi chân sóng và tiếng trống Tiền Hải âm vang dưới cờ búa liềm tung bay trong gió biển. Nhiều tài danh sinh ra từ đất này, tạo dấu ấn lịch sử vang dội gắn với những thời khắc khó quên của đất nước. Triều đại nhà Trần lừng danh muôn thuở với kỳ tích ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông. Còn đó đền thờ các Vua Trần tại xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà (Thái Ðường, Long Hưng xưa). Ðây là đất phát tích, đất tôn miếu Nhà Trần hơn bảy thế kỷ trước. Thái Ðường lăng linh dị giang sơn/ Trần sử diễn truyền kim thắng địa (Lăng Thái Ðường linh dị núi sông/ Sử Triều Trần còn truyền danh thắng). Mảnh đất này sinh ra Lê Quý Ðôn, nhà bác học nổi tiếng trên đất Việt. Tiếp nối Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn..., thời hiện đại có danh tướng Hoàng Văn Thái cầm quân đánh giặc lẫy lừng, anh hùng Phạm Tuân, phi công Việt Nam đầu tiên bắn cháy B52 Mỹ và bay lên vũ trụ. Chưa hết, Tạ Quang Luật, người phất cờ Quyết thắng trên nóc hầm Ðờ Cát ở Ðiện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 là người Thái Bình 'đồng hương' với Bùi Quang Thận người cắm cờ Giải phóng lên dinh Ðộc lập ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Những thời khắc lịch sử vô cùng trọng đại của đất nước lấp lánh tên tuổi người Thái Bình. Niềm tự hào ấy không phải nơi nào cũng có.

Thái Bình của thời đổi mới không thiếu cái hay để nói, không thiếu những anh hùng khiến ta phải nghiêng mình kính nể. Trần Văn Sen là một điển hình. Ông là ai? Xin thưa, đó là nghệ nhân, Anh hùng Lao động, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hương Sen. Dựng được cơ ngơi hoành tráng như bây giờ, Trần Văn Sen cũng đã từng trăn trở nhiều lắm trước cái nghèo của dân, của nước. Khởi nghiệp từ việc bán một phần đất nhà mình để lấy tiền sang Nam Ðịnh, Hà Tây (cũ) học nghề dệt mang về quê hương Hưng Hà. Thế mà thành công. Từ không thành có, từ ít thành nhiều, Hưng Hà giờ đây ngoài huyện lúa với những cánh đồng lung linh như huyền thoại còn là huyện dệt, vì 23/24 xã có nghề dệt lụa, sa tanh, vải bò xuất khẩu. Hai năm sau khi Ðảng chủ trương đổi mới, năm 1988, Trần Văn Sen đã vay tiền của bạn bè người thân thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tiên. Hỏi: Tại sao bác liều thế? Ông trả lời: Thấy hàng Trung Quốc tràn ngập nước mình, đêm ngày trằn trọc, họ làm được sao mình không làm được, thế là máu lên thôi. Lập doanh nghiệp tư nhân nhưng không hề giảm sút lòng tin vào Ðảng. Chứng cớ rành rành đây: Công ty của ông là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong nước thành lập chi bộ và sắp tới sẽ đề nghị nâng lên thành đảng bộ. Ông kể, đã có bảy đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị trong đó có bác Ðỗ Mười đến công ty ông nghiên cứu về mô hình doanh nghiệp tư nhân. Hiện tại việc ấy rất bình thường, nhưng mười mấy năm về trước thì đó là cơn gió mới. Công ty sản xuất bia và nước giải khát của Trần Văn Sen hiện giờ là một doanh nghiệp sáng giá của Thái Bình. Sản phẩm bia đen mang tên Ðại Việt của công ty đã được xuất khẩu qua Mỹ và 30 nước khác trên thế giới. Xin nói thêm sản phẩm bia chai Dark beer (bia đen xuất khẩu) đã được trao Cúp Bạch Kim đỉnh cao chất lượng Việt Nam năm 2008. Năm 2009, Công ty nộp cho Nhà nước 190 tỷ đồng, năm 2010 con số ấy đã là 350 tỷ. 350 tỷ/ 500 tỷ của tỉnh Thái Bình, sự đóng góp không nhỏ.

Tư duy làm ăn của người Thái Bình đã bắt nhịp sự hội nhập quốc gia, quốc tế. Sản phẩm làm ra từ hạt lúa, chai bia đến hàng dệt may, thủy sản phải có giá trị hàng hóa cao. Trong trồng lúa, vấn đề tăng năng suất bây giờ không quan trọng bằng nâng cao chất lượng gạo. Hạt gạo phải ngon hơn, thơm hơn và đẹp hơn mới chiếm lĩnh được thị trường với giá cao hơn. Trên một nửa tổng diện tích của Tiền Hải đã cấy giống lúa chất lượng cao. Hưng Hà cũng gần gần như thế. Năm, mười năm nữa, theo như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hạnh Phúc, Thái Bình vẫn là tỉnh nông nghiệp, vậy nên vẫn phải bám vào cây lúa để làm giàu. 65% thường dân Thái Bình còn phải phấn đấu làm giàu trên những cánh đồng quê hương thân thuộc tuy cơ cấu kinh tế đã đổi thay nhiều theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ. Nghĩa là trong tương lai gần, Thái Bình phải có những khu nông nghiệp công nghệ cao. Chủ tịch tỉnh đã bay qua Nhật Bản học hỏi điều này rồi. Cũng chẳng còn sớm nữa, thời đại này chậm bước nào là thiệt bước nấy thôi, phải chạy đua với thời gian. Chạy đua không biết mệt mỏi.

Con ngao được nhắc đến nhiều lần trong chuyến về Thái Bình của chúng tôi lần này. Mặc dầu biển Thái Bình không chỉ có mỗi ngao. Về xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, đứng ở Cửa Lân trông ra biển thấy nhấp nhô trên mặt nước nhiều chiếc chòi nhỏ. Và xa xa, những đoàn người lấp xấp đi trên mặt bùn nhão nhoét lúc triều vơi. Chòi trông ngao. Người nhặt ngao đấy. Ngao trở thành nguồn thu lớn của Nam Thịnh. Chủ tịch xã, chị Trần Thị Thủy hồ hởi cho biết: Chưa hết năm 2010 dân chúng tôi đã thu hoạch ở bãi triều được 13.500 tấn ngao, tính ra tiền là 270 tỷ đồng. Ngao được bán sang thị trường châu Âu với giá 22.000 đồng/kg, bán qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch ít hơn một chút chừng 20.000 đồng một cân. Không thể không bất ngờ khi biết rằng thu nhập bình quân của người dân Nam Thịnh trong năm nay là 45,8 triệu đồng, xã có khoảng 70 gia đình có tiền tỷ. Bảy chục tỷ phú ngao ở một làng quê ven biển Tiền Hải, có mấy nơi được thế. Mỗi năm xã thu ngân sách được 5,5 tỷ đồng. Ðây là một trong hai xã, thị trấn duy nhất của Thái Bình tự trang trải ngân sách, không phải nhờ vào nguồn trợ cấp trên. Kinh tế lên kéo theo các mặt khác phát triển. Ba bậc học của xã đều đạt chuẩn quốc gia, sáu năm liền Nam Thịnh dẫn đầu Thái Bình về y tế cơ sở, 80% gia đình văn hóa. Xã còn nổi danh với đội dân quân tự vệ biển mạnh, được huấn luyện quân sự bài bản. Bạn Cu-ba đã về nghiên cứu mô hình tổ chức dân quân tự vệ tại đây.

Ngắm bản đồ hành chính Thái Bình trong phòng khách Tỉnh ủy chúng tôi thấy nó na ná hình con rùa. Con rùa đẻ ra trứng vàng, một người nhận xét. Chẳng ngờ câu nói ấy lại là sự bắt đầu cuộc trò chuyện của cánh nhà văn quân đội chúng tôi với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hạnh Phúc. Thôi, chẳng cần bàn ghế sang trọng, nghi thức gì nữa, chủ khách đứng bên nhau trao đổi. Nguyễn Hạnh Phúc đứng trước tấm bản đồ tỉnh, không sách vở tài liệu gì hết, cứ thế nói vo, càng nói càng sôi nổi. Thái Bình có 54 cây số bờ biển thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải là một lợi thế lớn. Tương lai Thái Bình được phác thảo ra đầy triển vọng tốt đẹp với cửa Ba Lạt, khu dự trữ sinh quyển thế giới; Cồn Vành, khu du lịch sinh thái hấp dẫn; với thành phố Thái Bình sẽ là thành phố Y Dược có trung tâm chữa bệnh chất lượng cao khi liên kết với Xin-ga-po; với vùng nông thôn mới lấy việc sản xuất giống xuất khẩu làm mũi nhọn; với năm khu công nghiệp trong chiến lược lấn biển đang mời gọi đầu tư; với đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản, dệt may, mộc... Liên kết với các tỉnh để làm du lịch là một định hướng của Thái Bình. Có hàng nghìn di tích lịch sử ở tỉnh trong đó không thể không kể tới chùa Keo và khu đền thờ các vua Trần... Thái Bình từng nổi tiếng với rối làng Nguyễn, chèo Ðông Hưng. Làng Khuốc, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết hát chèo. Sáng rối, tối chèo nếu khéo tổ chức biết đâu những hình thức văn nghệ dân gian có từ nghìn đời này sẽ thu hút được du khách bốn phương...

Vâng, còn nhiều lắm những gian nan trên con đường đi tới tương lai. Và, không thể không khắc sâu bài học dân chủ từ vụ việc rối ren ở Thái Bình năm 1997. Nhân dân được làm chủ thật sự, đó chính là chìa khóa của sự ổn định và phát triển. Người Thái Bình tài giỏi và nhiệt huyết. Lòng nhiệt huyết như lửa vậy, nhưng sự cháy thì không phải bao giờ cũng giống nhau, không phải lúc nào cũng hữu ích cho cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ an ninh nông thôn lại được nhắc đến trong các cuộc trao đổi của chúng tôi với nhiều cán bộ ở Thái Bình.

Những người lính cầm bút mong cho Thái Bình muôn thuở thái bình và bay lên.