Bước đột phá trong can thiệp tim mạch

Công trình điều trị bệnh tim mạch bằng phương pháp can thiệp động mạch vành qua đường ống thông của PGS, TS Nguyễn Quang Tuấn và TS Phạm Mạnh Hùng (Viện tim mạch Việt Nam) vừa giành giải nhất Nhân tài Ðất Việt lĩnh vực y học. Không chỉ thành công về mặt khoa học, phương pháp này có tính ứng dụng thực tiễn rất cao, đem lại cuộc sống cho hàng nghìn người bệnh.

Khi người bệnh bị 'tắc' động mạch thì bằng các đường chọc rất nhỏ qua động mạch đùi hoặc qua  động mạch 'quay' luồn ống thông lên tim để tìm ra chỗ động mạch vành bị hẹp hoặc tắc. Sau đó đưa thiết bị như quả bóng để thông cho động mạch rộng ra hoặc đặt ống stent làm như một khung giá đỡ để cho động mạch vành bị hẹp, hay bị tắc được thông suốt. PGS, TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Với kỹ thuật này thì tốn rất ít thời gian và mang lại hiệu quả kịp thời cho người bệnh. Những người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp thì việc thông động mạch vành đòi hỏi phải chạy đua với thời gian, mở thông động mạch vành càng sớm càng tốt thì mới có cơ hội được cứu sống. Những kỹ thuật thông động mạch vành trước đây là 'mổ phanh', hay dùng thuốc tiêu huyết khối đều có những hạn chế riêng. Nhờ việc thông động mạch vành như vậy, các thể loại bệnh trước đây chưa xử lý được, như bệnh 'nhồi máu tim cấp' hoặc các thể bệnh động mạch vành khác thì qua việc thông tắc động mạch vành thì ít nhất người thầy thuốc cũng có thể phát hiện và khẳng định có hay không tắc, hẹp động mạch vành ở thể trạng ra sao để từ đó đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất. Có thể nói, đây là một biện pháp can thiệp ở trình độ công nghệ cao tính hiệu quả cho cuộc sống của bệnh nhân về lâu dài và mang lại chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Việc tiếp cận đặt ống stent nong động mạch vành ở Việt Nam muộn nhưng không phải quá chậm so với thế giới. Mặc dù việc điều trị động mạch vành đã trở thành thường quy, nhưng trong những trường hợp cụ thể như điều trị, can thiệp cho người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp thì các nước phát triển đến năm 2000 họ mới triển khai. Lúc này ở Việt Nam việc điều trị đó cũng bắt đầu được triển khai. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, sự phát triển trong việc điều trị động mạch vành cho người bệnh, các thầy thuốc Việt Nam, nhất là các thầy thuốc Viện Tim mạch quốc gia đã kế thừa và được sự giúp đỡ rất nhiều của bạn bè các nhà khoa học trên thế giới. Khi bắt đầu tiến hành cho việc áp dụng điều trị người bệnh động mạch vành bằng phương pháp stent đã được các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới chỉ dạy tận tình giúp đỡ theo kiểu 'cầm tay chỉ việc'.

PGS, TS Nguyễn Quang Tuấn khẳng định: Chúng tôi rất vui mừng vì hiện nay kĩ thuật đặt ống stent điều trị bệnh động mạch vành được triển khai khá rộng rãi ở Việt Nam. Từ những năm 1995 - 1996, khi mà Trung tâm Tim mạch thuộc viện Bạch Mai ra đời cùng với Trung tâm Tim mạch của Viện 108 thực hiện việc đặt ống stent thì hiện nay cả nước có 26 Trung tâm và hầu hết các vùng miền đều đang phát triển rất mạnh cho việc điều trị bệnh động mạch vành. Số người bệnh đến khám, điều trị bệnh động mạch vành theo phương pháp kĩ thuật can thiệp bằng ống thông tăng lên nhanh chóng. Nếu những năm đầu tiên thực hiện việc đặt ống thông điều trị cho người bệnh động mạch vành, tính cả nước số lượng bệnh nhân đó chưa đến con số một trăm. Nhưng theo thống kê năm 2010, số lượng bệnh nhân khám và điều trị bệnh động mạch vành khoảng 5.000 nghìn người, trong đó khoảng 3.000 người bệnh dùng phương pháp đặt ống stent thành công. Việc điều trị bệnh nhân động mạch vành bằng phương pháp kỹ thuật đặt ống thông sẽ ngày càng thành công hơn nữa. Tính tới nay, đã có hơn 20 nghìn ca được phẫu thuật thành công.

Thành công của phương pháp điều trị trên đã khẳng định trình độ làm chủ những kỹ thuật cao trong y tế của các bác sĩ Việt Nam nói chung và lĩnh vực tim mạch nói riêng. Tim mạch can thiệp đã trở thành một mũi nhọn của y học Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới.

Có thể bạn quan tâm