Brazil nỗ lực giải cứu lao động cưỡng bức

Tình trạng lao động cưỡng bức ở Brazil vẫn đang là một vấn đề nghiêm trọng mà giới chức nước này phải đối mặt. Ngày 28/7 vừa qua, lực lượng an ninh Brazil thông báo đã giải cứu được 337 lao động bị cưỡng bức làm nô lệ trong một chiến dịch phối hợp kéo dài hơn ba tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng kiểm tra lao động cưỡng bức trong một trại gia cầm. Ảnh: POSTSEN
Lực lượng chức năng kiểm tra lao động cưỡng bức trong một trại gia cầm. Ảnh: POSTSEN

AP dẫn thông cáo của Văn phòng Công tố liên bang Brazil cho biết, một chiến dịch giải cứu đã diễn ra tại 22 bang và quận của nước này. Đây là chiến dịch chống lao động cưỡng bức có quy mô lớn nhất tại Brazil cả về số lượng nhân viên an ninh tham gia, cũng như số vụ đột kích được triển khai ở các khu vực khác nhau trên cả nước từ trước đến nay. Chiến dịch được triển khai từ ngày 4 đến 28/7. Trong một cuộc họp báo, giới chức Brazil quan ngại vấn đề lao động nô lệ còn tồn tại dai dẳng và cần gấp rút phải xóa bỏ tình trạng này.

Luật pháp Brazil quy định chế độ nô lệ có đặc trưng là điều kiện làm việc xuống cấp, vắt kiệt thời gian làm việc, lao động cưỡng bức hay người lao động vướng vào vòng nợ nần. Vấn đề này đã trở nên nổi bật trong những năm gần đây khi thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, khoảng 1,73% trong số 35.341 công nhân được giải cứu khỏi chế độ nô lệ ở nước này từ năm 2003 đến năm 2017, sau đó lại rơi vào tình trạng tương tự lần thứ hai. Cá biệt có trường hợp “tái nô lệ” tới ba hoặc bốn lần.

Ngoài ra, điều tra cũng cho thấy công nhân trong các nhà máy hay trang trại đối tác của các thương hiệu lớn như Volkswagen, Nespresso hay Starbucks bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở Brazil. Chẳng hạn, theo tạp chí Mongabay, công nhân tại hợp tác xã cà-phê lớn nhất thế giới Cooxupé đã bị khấu trừ tới 30% tiền lương để “trả phí sử dụng máy thu hoạch cầm tay”, mà lẽ ra chủ trang trại phải cung cấp miễn phí. Vụ vi phạm xảy ra tại trang trại Pedreira ở bang Minas Gerais, thuộc sở hữu của tập đoàn gia đình Cooxupé. Đây cũng là công ty bán cà-phê cho các thương hiệu quốc tế lớn như Nespresso và Starbucks.

Trong chiến dịch vừa qua, phần lớn các công nhân được giải cứu từ các đồn điền cà-phê và đồng ngô, còn lại từ các trang trại gia súc, gia cầm. Những bang có số người được giải cứu nhiều nhất là Goias với 91 người, Minas Gerais (78 người), Acre (37 người) và Rondonia (27 người). Các thanh tra lao động nước này cho biết, lao động cưỡng bức ở Brazil xảy ra ở các khu vực nông thôn và thành thị chủ yếu thông qua các bản hợp đồng cưỡng bức và ràng buộc nợ.

Còn ở các khu vực nông thôn, người lao động phải “đặt cọc” bằng bất động sản cho đến khi họ có thể trả hết các khoản nợ. Chủ sử dụng lao động đã thu giữ trái phép giấy sở hữu đất, giấy tờ tùy thân và giấy phép lao động, hoặc đe dọa sử dụng bạo lực hoặc thậm chí sát hại những người lao động khi họ chạy trốn. Ngoài ra theo báo cáo của ILO, phần lớn nạn nhân của lao động cưỡng bức tại các khu vực thành thị của Brazil là những người nhập cư bất hợp pháp hoặc có giấy tờ nhưng bị giữ lại trái phép.

Tình trạng lao động nô lệ là bất hợp pháp nhưng rất khó ngăn chặn do chủ yếu tập trung ở các vùng sâu, vùng xa với đường tiếp cận và thông tin liên lạc bấp bênh. Các cản trở khác còn đến từ hạn chế về độ “mỏng” của lực lượng thanh tra lao động cũng như các kẽ hở về luật pháp… Chính phủ Brazil đã khởi động một số nỗ lực chống tình trạng lao động cưỡng bức và được thể chế hóa trong một số văn bản chính sách từ năm 1996 đến nay.

Những năm gần đây, chính phủ nước này cũng liên tục tổ chức các cuộc thanh tra và chiến dịch điều tra, giải cứu lao động cưỡng bức quy mô lớn như vừa qua. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề nghiêm trọng và một trong những ưu tiên hàng đầu để chống lao động cưỡng bức hiện nay là nâng cao nhận thức của người lao động cũng như người sử dụng lao động ở quốc gia Nam Mỹ này.