Thầy Park có gì mới khi gặp lại Saudi Arabia?

NDO -

Tuyển Việt Nam gặp lại Saudi Arabia khi vị trí của hai đội đã ở quá xa nhau. Hy vọng vào điều bất ngờ là vô cùng nhỏ, thầy Park chỉ có thể mong các học trò làm tốt hơn so với chính mình.

Huấn luyện viên Park Hang-seo trong buổi tập tối 15/11. (Ảnh: VFF)
Huấn luyện viên Park Hang-seo trong buổi tập tối 15/11. (Ảnh: VFF)

Ở trận đầu tiên của vòng loại thứ ba World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam trên đất Saudi Arabia đã làm nên điều sửng sốt: Ghi bàn dẫn trước ngay phút thứ 3. Cú ra chân của Nguyễn Quang Hải tưởng như sẽ mang về một sự khởi đầu trong mơ, nhưng quả 11m nghiệt ngã và đẳng cấp của đội chủ nhà đã thiết lập lại trật tự vốn có.

Khoảng cách quá lớn về đẳng cấp

Đẳng cấp ấy chỉ trong một trận đấu có lẽ chưa đủ khiến chúng ta mường tượng về sự chênh lệch giữa hai nền bóng đá. Nhưng cả một lượt đi đã cho thầy Park và người hâm mộ Việt Nam hiểu thêm rằng muốn đứng trong nhóm đầu châu lục, cần phải có những phẩm chất gì.

Saudi Arabia thắng Việt Nam 3 - 1 khi đội hình của huấn luyện viên Herve Renard còn chưa vận hành nhuần nhuyễn, đặc biệt trong khâu phòng ngự. Nhưng với “buổi tập” nhẹ nhàng đó, đội bóng xứ dầu mỏ đã lấy lại cảm giác tốt nhất để thổi bay các đối thủ mạnh tiếp theo.

Sau 5 trận lượt đi, Saudi Arabia chỉ hòa duy nhất Australia, thắng 4 trận trước Việt Nam, Nhật Bản, Oman, Trung Quốc. Họ ghi 8 bàn, lọt lưới 3 bàn, nhưng điều quan trọng là họ không thua bàn nào trong những trận được cho là cân sức cân tài. 

3 bàn thua của Saudi Arabia đến từ Việt Nam và Trung Quốc, những đội bị coi là… lót đường trong bảng đấu. Cả 2 trận đó, tuy thủng lưới nhưng họ đều ghi được 3 bàn. Còn với Nhật Bản, Oman, họ giữ sạch lưới nhưng cũng chỉ thắng tối thiểu 1-0.

Những con số thống kê cho thấy Saudi Arabia có thể chơi chắc chắn và thực dụng, cũng có thể chơi mạo hiểm và lãng mạn. Sức mạnh của họ nằm ở sự linh hoạt, thích ứng với từng thế trận, từng đối tượng, đặc biệt là khả năng định đoạt trận đấu khi thời cơ đến.

Nếu Saudi Arabia đang ở thế thượng phong của bảng với 13/15 điểm tối đa thì Việt Nam vẫn hoàn toàn tay trắng. Cơ hội lớn nhất để có điểm số đầu tiên là trận gặp Trung Quốc đã trôi qua đầy tiếc nuối, và không thể phủ nhận rằng dư âm của nó đã tác động đáng kể đến phong độ 2 trận sau đó (thua Oman và Nhật Bản).

Nếu trận đấu với Oman cho thấy tuyển Việt Nam đã có những nét tươi mới trong phản công, chỉ bị trừng phạt bởi chuỗi sai lầm cá nhân, thì trận đấu với Nhật Bản chứng minh ngược lại: chúng ta trở về với lối chơi tử thủ, chặt chẽ hơn, ít sai lầm hơn nhưng cũng đồng nghĩa với không có cơ may nào để ghi bàn.

Chờ những thay đổi nhỏ của thầy Park

Đương nhiên, chơi với các đội mạnh hơn, nhà cầm quân xứ Hàn buộc phải chấp nhận lối chơi phòng ngự. Nhưng phòng ngự với số đông chưa hẳn là một giải pháp an toàn.

Trước Australia, tuyển Việt Nam thua bàn duy nhất khi chúng ta có 9 cầu thủ ở sân nhà, cụ thể là 5 người đứng trong vòng cấm của Đặng Văn Lâm. Trước Nhật Bản, chúng ta cũng thủng lưới trong tình huống chỉ 2 cái bóng áo xanh bứt qua 6 học trò thầy Park. Điều tương tự xảy ra trong 2 bàn thắng của Oman, đều có 9 cầu thủ Việt Nam ở gần khung thành nhưng không có ai thực sự can thiệp để hỗ trợ thủ môn Văn Toản.

Vậy thì huấn luyện viên Park Hang-seo đã đến lúc phải tính những phương án khác hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Vẫn biết rằng con người của chúng ta chỉ có thế, năng lực của chúng ta cũng đã chạm đỉnh rồi, nhưng nếu vẫn duy trì lối chơi đã cũ mòn để nhận về những kết quả đã biết trước thì thực sự là rất lãng phí những cơ hội cọ xát ở trình độ cao như vòng loại cuối cùng World Cup.

Ở hàng phòng ngự, Đỗ Duy Mạnh đã có sự an toàn nhất định, nhưng Bùi Tiến Dũng lại đang có vấn đề. Anh bị thay giữa chừng ở 3 trận (gặp Australia, Trung Quốc và mới đây là Nhật Bản). Sức tranh chấp của trung vệ gốc Hà Tĩnh đang là yếu nhất trong 3 chốt chặn, và ông Park rất nên trao lại niềm tin cho Nguyễn Thành Chung – người không chiến tốt hơn và rất phù hợp cho các tình huống cố định khi tuyển Việt Nam có thời cơ tấn công.

Hành lang trái của Nguyễn Phong Hồng Duy là một trong những điểm yếu chí mạng trong trận gặp Nhật Bản. Pha ghi bàn duy nhất của Ito đến từ sự đeo bám nửa vời của cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai, trong một tình huống mà cả hàng phòng ngự Việt Nam đã giật mình khi đối phương bất ngờ tăng tốc.

Hàng tiền vệ cũng ghi nhận sự xuống sức rõ rệt của Nguyễn Tuấn Anh, anh chưa chơi trọn vẹn một trận nào. Dù ông Park và cả người hâm mộ đều mong muốn Tuấn Anh đá chính, cũng đã đến lúc anh cần được nghỉ ngơi và nhìn nhận trận đấu từ bên ngoài để có thể hiệu quả hơn ở nửa sau trận đấu.

Nếu Tuấn Anh dự bị, vị trí này có thể một lần nữa trao lại cho Phạm Đức Huy. Với vai trò chuyên tâm càn quét, tiền vệ câu lạc bộ Hà Nội không tạo ra nhiều đột biến nhưng lại khá ổn định trong đánh chặn từ xa.

Cách bố trí 3 tiền vệ trung tâm dường như cũng không phát huy hết được năng lực tấn công của Nguyễn Quang Hải. Anh hầu như nín lặng trong suốt trận đấu với Nhật Bản và không có được sự kết nối với 2 đồng đội phía trên là Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tiến Linh. Quang Hải cần được cởi trói khỏi nhiệm vụ tranh chấp, thu hồi bóng, khi ấy chúng ta mới hy vọng những đường phản công sáng nước từ nhạc trưởng câu lạc bộ Hà Nội.

Và trên hàng tiền đạo, nên chăng, Nguyễn Văn Toàn được trao cơ hội đá chính một lần? Anh đang có quá ít thời cơ để thể hiện mình, chủ yếu vào sân khi thế trận đã bất lợi cho tuyển Việt Nam. Với hoàn cảnh đó, ngay cả những ngôi sao cũng khó lòng tỏa sáng.

Dù muốn dù không, phải chấp nhận thực tế rằng chúng ta sẽ rất khó để kiếm được dù chỉ một vài điểm số ở sân chơi khốc liệt nhất châu lục như hiện tại. Bởi vậy, quỹ 5 trận còn lại nên được sử dụng sao cho hiệu quả, để chúng ta có tích lũy, có kinh nghiệm, có thêm phương án khả thi với hy vọng mùa World Cup sau, chúng ta tiếp tục có mặt tại nấc thang này như mong đợi của huấn luyện viên Park Hang-seo.