Tại sao cầu thủ Việt không hào hứng với Thai League?

NDO -

Thai League là giải đấu vừa tầm cho cầu thủ Việt nếu xuất ngoại. Thế nhưng rất khó nhìn thấy viễn cảnh một cầu thủ Việt chơi bóng tại Thái Lan sau Xuân Trường và Văn Lâm. Tại sao vậy?

Lương Xuân Trường trong ngày ra mắt Buriram United. (Ảnh: Goal)
Lương Xuân Trường trong ngày ra mắt Buriram United. (Ảnh: Goal)

Cách đây không lâu, Hoàng Đức là mục tiêu chuyển nhượng số một của CLB Pathum. Tuy nhiên Câu lạc bộ Viettel không muốn tiền vệ người Hải Dương tới Thai League, cho dù đó chỉ là bản hợp đồng cho mượn, đồng thời tuyển thủ Thái Sarach Yooyen sẽ đi theo chiều ngược lại. Sẽ không ngạc nhiên nếu ngay Hoàng Đức cũng không mặn mà với việc gia nhập Thai League.

Hồi năm 2020, đề cập tới thông tin Buriram United muốn chiêu mộ mình, thủ môn Văn Toản nói rằng anh không hứng thú và chỉ tập trung thi đấu thật tốt trong màu áo Hải Phòng. Xa hơn nữa, trung vệ Lục Xuân Hưng từng từ chối Trat FC để ở lại Thanh Hóa, và hiện anh đang chơi cho Bình Định.

Trong tương lai gần, rất ít khả năng sẽ có cầu thủ Việt Nam tới Thai League, nhất là sau khi thủ môn Đặng Văn Lâm kết thúc mối lương duyên với Muangthong bằng kiện cáo, còn Lương Xuân Trường lặng lẽ rời Buriram với chỉ 9 lần ra sân.

Hầu hết đều phải thừa nhận Thai League hiện tốt hơn V League. Giải đấu hàng đầu xứ Chùa Vàng hiện nằm trong tốp 8 châu Á, dẫn đến việc có 4 suất dự AFC Champions League, bao gồm 2 suất dự vòng play-off, trong khi V League chỉ có 1. Cách đây vài năm, tổng doanh thu của Thai League đã lên đến 90 triệu USD với mức tăng trưởng bình quân 16,5% mỗi năm.

Để Thai League phát triển cả về mặt thể thao lẫn thương mại, hạn ngạch cầu thủ nước ngoài đi theo công thức 3+1+1, tức 3 cầu thủ ngoại, 1 cầu thủ châu Á và 1 đến từ các nước ASEAN. Các CLB của Thái không tiếc tiền chiêu mộ những cầu thủ hàng đầu khu vực. Thí dụ, Văn Lâm từng hưởng mức lương lên 11.200 USD mỗi tháng ở Muangthong, nhỉnh hơn một chút so với mức 10.000 USD mà Xuân Trường nhận được tại Buriram. Ngoài ra họ còn được cấp nhà, xe và phiên dịch. Nếu gia nhập Pathum, Hoàng Đức cũng sẽ nhận được ưu đãi tương tự.

Cựu tuyển thủ Nhật Hajime Hosogai từng chơi cho Buriram từng viết trên trang web cá nhân rằng mức lương mà cầu thủ nước ngoài được trả tại Thai League cao hơn thu nhập của cầu thủ nước ngoài tại J-League. Anh tiết lộ, Buriram từng mất nửa triệu đô cho một cầu thủ Brazil, dù anh này chỉ gắn bó 11 ngày trước khi bị thải loại.

Vậy tại sao các cầu thủ Việt lại không mặn mà với Thai League? Trên trang ASEAN Football Community, một chuyên gia về bóng đá Việt Nam từng chỉ ra 4 lý do. Đầu tiên là mối quan hệ gia đình gắn bó, tiếp đến là nỗi lo lắng về việc thích nghi, sự ngăn cản của CLB chủ quản và nhất là thách thức phải cạnh tranh ở môi trường mới.

Việc đầu tư số tiền lớn cho 1 suất cầu thủ ASEAN đồng nghĩa với áp lực và tính đào thải rất cao. Trước khi phá hợp đồng để sang Cerezo Osaka, Đặng Văn Lâm đã trở thành lựa chọn thứ hai sau Somyorn Pot ở Muangthong. Còn tại Buriram, suất Đông Nam Á của Xuân Trường sớm được chuyển cho tiền vệ Kevin Ingreso của Philippines.

Tuy nhiên điều này không có nghĩa cầu thủ Việt không thể thành công tại Thai League. Bạn nhớ Lương Trung Tuấn chứ? Cách đây 17 năm, trung vệ người Trà Vinh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng tại Thái Lan, và là người duy nhất cho đến năm 2018, khi hậu vệ Việt kiều     Michal Nguyễn tới khoác áo Air Force Central.

Thoạt đầu, Lương Trung Tuấn không kén chọn đội bóng và thậm chí cả hạng đấu, ngay cả chơi ở hạng 2 anh cũng vui lòng. Thế nhưng sau 2 tuần thử việc, đội Cảng Vụ Thái Lan (Port Authorithy of Thailand) lập tức ký hợp đồng. Đây là một trong những đội bóng thành công nhất lịch sử trước khi Thai Premier League ra đời với 8 lần đoạt Cúp Hoàng gia.

Dĩ nhiên có rất nhiều khó khăn dành cho Lương Trung Tuấn, nhưng anh lần lượt vượt qua. Thí dụ như vấn đề ngôn ngữ. Lương Trung Tuấn tự học qua những người bạn Thái để có thể giao tiếp với các đồng đội mới. Khi đã thích ứng, cựu tuyển thủ Việt Nam sớm tìm được chỗ đứng trong đội hình. Và sự điềm tĩnh, chính xác trong mỗi pha xử lý của Lương Trung Tuấn giúp Cảng Vụ Thái Lan chỉ thua 3/13 trận trong phần còn lại của mùa 2004/05, đồng thời cán đích ở vị trí thứ 4. Ảnh hưởng của anh lớn đến mức lên bìa tờ Siam Sports kèm theo bài phỏng vấn dài. Trong đó Lương Trung Tuấn có nói rằng chất lượng thi đấu và công tác tổ chức của Thai League cao hơn V League, đồng thời sẽ chơi bóng tại Thái Lan đến khi Cảng Vụ không cần anh nữa.

Thế nhưng chỉ sau 5 tháng, khi mùa giải kết thúc, Lương Trung Tuấn đã trở lại Việt Nam khoác áo Bình Định, đăng quang V League 2007, 2008 cùng Bình Dương trước khi giải nghệ ở Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh.

Một phần lý do bởi Lương Trung Tuấn sang Thái Lan chỉ vì bất đắc dĩ. Mùa 2005 anh bị VFF treo giò vì dính líu đến vụ bán độ khi cùng Hoàng Anh Gia Lai dự Cúp C1 Đông Nam Á tại Jakarta (Indonesia) năm 2003. Án phạt ban đầu là treo giò 3 năm, sau giảm xuống còn 2 năm rưỡi và cuối cùng là 1 năm rưỡi.

May cho anh, FIFA không ra quyết định kỷ luật nên vẫn có thể chơi bóng ngoài Việt Nam. Lúc này anh được Hoàng Anh Gia Lai gửi tới Bình Định, nơi Issawa Singthong và Pipat Thongkanya đang chơi. Theo cựu trung vệ 44 tuổi thuật lại trên trang web của VFF, hai cầu thủ này liên hệ với đội bóng cũ của họ là Cảng Vụ Thái Lan để giúp Lương Trung Tuấn có thể tiếp tục thi đấu nhằm cứu vãn sự nghiệp. Issawa thậm chí bay về Bangkok để trình bày với Ban lãnh đạo Cảng Vụ, thuyết phục họ cho anh tới thử việc.

Không chỉ Issawa nhiệt tình, đến cả Ban lãnh đạo Cảng Vụ cũng thông cảm và giúp đỡ Lương Trung Tuấn hết mình. Anh kể rằng mình sang Thái bằng thị thực du lịch. Vì vậy cứ 45 ngày phải gia hạn một lần. Đến hạn, Cảng Vụ sắp xếp một chiếc cùng nhân viên văn phòng đi cùng Lương Trung Tuấn từ Bangkok đến biên giới Thái Lan - Campuchia. Tới cửa khẩu, hai người làm thủ tục hải quan sang đất Campuchia du lịch. Rồi họ lang thang uống ly nước, mua vài món đồ tượng trưng, sau đó quay trở lại cửa khẩu làm thủ tục vào đất Thái.

Ngày ấy, theo Lương Trung Tuấn, thu nhập của các cầu thủ ở Thai League không cao. Như anh mỗi tháng nhận được trên dưới 600 USD (nhiều nguồn khác nói chỉ khoảng 400 USD). Đó là lý do rất nhiều ngôi sao thời ấy của Thái Lan tới V League, thậm chí có trường hợp nhập tịch Việt Nam để chơi suất cầu thủ nội với mức đãi ngộ tốt hơn.

Thời thế thay đổi, sau này một vài cầu thủ lại rời V League đến Thai League như Huỳnh Kesley Alves, Hoàng Vũ Samson và Michal Nguyễn. Tất cả đều thất bại. Thêm các trường hợp của Xuân Trường và Văn Lâm, hầu hết cảm thấy Thái Lan không phải miền đất hứa.

Vì vậy càng có lý do để thế hệ sau càng không hào hứng với Thai League dù đây dường như là lựa chọn phù hợp nhất nếu xuất ngoại và Lương Trung Tuấn đã chứng minh cầu thủ Việt hoàn toàn có thể chơi tốt tại đây. Họ hoặc tiếp tục ở lại V League, hoặc mơ về những giải đấu cao cấp hơn như J League, K League hay châu Âu.