Làm thế nào để định giá một cầu thủ?

NDO -

Kỳ chuyển nhượng mùa đông sắp kết thúc và các câu lạc bộ cố gắng mua được những cầu thủ họ muốn trước khi thị trường khép lại. Vậy cơ sở cho các giao dịch là gì và làm thế nào để định giá cầu thủ?

Bất chấp tuổi tác, Ronaldo vẫn nghĩ rằng mình đáng giá hơn 67,5 triệu bảng. (Ảnh: ABCNews)
Bất chấp tuổi tác, Ronaldo vẫn nghĩ rằng mình đáng giá hơn 67,5 triệu bảng. (Ảnh: ABCNews)

Mới đây tờ The Athletic đã tiết lộ lý do tại sao Cristiano Ronaldo chặn tài khoản Instagram của Transfermarkt. Như tất cả đã biết, Transfermarkt là trang thông tin về giá chuyển nhượng cầu thủ uy tín trên thế giới, thậm chí là cơ sở để các câu lạc bộ định giá chuyển nhượng.

Vào năm 2020, Transfermarkt công bố top 10 cầu thủ hơn 33 tuổi cao giá nhất thế giới. Ronaldo đứng đầu với 67,5 triệu bảng. Tuy nhiên siêu sao người Bồ Đào Nha nhắn tin nói rằng anh đáng giá hơn. Phía Transfermarkt giải thích giá trị cầu thủ suy giảm theo tuổi tác, đồng thời an ủi Ronaldo vẫn đắt hơn cầu thủ tiếp theo trong danh sách 30-50 triệu. Ronaldo hồi đáp bằng biểu tượng mặt cười, sau đó chặn luôn Transfermarkt trên mạng xã hội.

Bạn sẽ bất ngờ nếu biết rằng Transfermarkt vận hành theo nguyên lý “trí tuệ đám đông”, không phải dựa trên thuật toán phức tạp nào. Họ có một diễn đàn, và khoảng 50.000 thành viên tích cực sẽ thảo luận về giá cầu thủ dựa trên dữ liệu tổng hợp được. Thí dụ, mọi người thống nhất mức giá hợp lý của một cầu thủ theo phong độ, tuổi tác, giải đấu, hợp đồng. Ai đó đưa ra ý kiến rằng anh này đánh đầu tốt, được rồi, có lẽ nên điều chỉnh giá cao hơn một chút. Như bây giờ, việc định giá còn xét đến bối cảnh đại dịch Covid-19, liệu các câu lạc bộ có chi một khoản tiền tương đương 2 năm trước hay không?  

Christian Schwarz, kiểm soát viên thẩm định giá cầu thủ diễn giải một cách dễ hiểu hơn: “Thế này nhé, bạn có một vại bia và có 100 người trả giá. Cuối cùng bạn sẽ có mức giá trung bình mà tất cả đều thấy hợp lý. Nó gọi là giá trị thị trường. Không dựa trên cơ sở khoa học nào nhưng sự khôn ngoan của đám đông rất quan trọng trong mọi định giá”. Đơn giản quá, phải không?

Transfermarkt được tạo nên Matthias Seidel, một người hâm mộ Werder Bremen, trong buổi sơ khai của internet. Ban đầu ông chỉ dùng nó để theo dõi các cầu thủ mà Bremen muốn ký hợp đồng. Rồi nhiều người nhắn tin cho Seidel, yêu cầu chỉnh sửa một số thông tin, như vị trí trên sân hay ngày sinh. Ông gửi các biểu mẫu để họ nhập dữ liệu, sau đó cập nhật lại.

Đây chính là nền tảng hoạt động của Transfermarkt, khiến trang web này ngày càng mở rộng về số câu lạc bộ, giải đấu và gia tăng quy mô thông tin. Đến nay họ có 80 nhân viên chính thức và hơn 1.000 cộng tác viên trên toàn thế giới, chưa kể số thành viên tích cực trên diễn đàn và hàng trăm tình nguyện luôn sẵn sàng cung cấp thông tin. Transfermarkt trở thành trang web đáng tin cậy để các môi giới, Giám đốc điều hành, huấn luyện viên và cầu thủ tham khảo, là khởi đầu cho các giao dịch trị giá hàng chục, thậm chí cả trăm triệu bảng.

Tất nhiên luôn có chênh lệch giữa định giá của Transfermarkt và mức giá thực. Như trường hợp mới đây Newcastle mua Chris Wood từ Burnley với giá 25 triệu bảng, cao hơn 20 triệu so với giá trên Transfermarkt. Không câu lạc bộ nào chấp nhận chi ra số tiền lớn đến vậy cho tiền đạo đã 30 tuổi và chỉ ghi được 3 bàn ở Premier League mùa này. Nhưng đây là Newcastle, câu lạc bộ được coi là giàu nhất thế giới kể từ khi sang tay ông chủ Saudi Arabia. Bên cạnh đó, mua Wood cũng là một cách để làm suy yếu Burnley, đối thủ chính trong cuộc chiến trụ hạng.  

Harry Maguire là thí dụ khác. Transfermarkt định giá trung vệ này chỉ 40 triệu bảng vào năm 2019. Tuy nhiên Leicester tham chiếu mức giá của Van Dijk (75 triệu) và cuối cùng MU mua với giá 80 triệu. Sau vụ mua bán, Transfermarkt điều chỉnh lại giá của Maguire nhưng cao nhất cũng chỉ 58 triệu. Bây giờ giá anh ta là 40 triệu. Có vẻ như “trí tuệ đám đông” của Transfermarkt khá chính xác trong trường hợp này.