Gambia, đội bóng tí hon đang viết câu chuyện phi thường

NDO -

CAN Cup không thiếu chuyện kỳ lạ. Và Gambia vừa tạo ra câu chuyện phi thường mới nhất, khi đội bóng có thứ hạng thấp nhất CAN Cup 2021 vừa có chiến thắng đầu tay ngay lần đầu tiên trong lịch sử tham dự giải đấu. 

Các cầu thủ Gambia ăn mừng chiến thắng trước Mauritania. (Ảnh: beIN Sports)
Các cầu thủ Gambia ăn mừng chiến thắng trước Mauritania. (Ảnh: beIN Sports)

CAN Cup là một giải đấu mà bất cứ điều kỳ quặc nào cũng có thể xảy ra. Trong trận đấu giữa Tunisia và Mali ngày 12/1, trọng tài Janny Sikazwe đã thổi còi kết thúc trận đấu vào phút 85 mà không có lý do nào đặc biệt. Rồi Janny Sikazwe thay đổi quyết định, cho trận đấu tiếp tục và lại nổi còi kết thúc vào phút 89 + 43 giây, nghĩa là thời gian chính thức vẫn chưa hết.

Tuy nhiên, CAN Cup không chỉ có những điều điên rồ. Giải đấu, niềm tự hào của châu Phi còn cung cấp những câu chuyện tuyệt vời không đâu có. Sau chiến tích vô địch năm 2012 của Zambia, quốc gia đã mất toàn bộ các tuyển thủ trong tai nạn máy bay 19 năm trước đó, sự kiện Burkina Faso vào đến bán kết năm 2017 hay Algeria đăng quang năm 2019, đến lượt Gambia tạo nên hành trình kỳ diệu ở CAN Cup 2021.

Tối thứ Tư, tranh cãi khiến trận Mauritania gặp Gambia cũng trên sân Limbe bị chậm lại so dự kiến. Và khi diễn ra, nó bắt đầu bằng sự bối rối vì phát sai quốc ca Mauritania. Nhưng sau đó là màn trình diễn đầy cảm xúc của Gambia, những người đã kiên cường chiến đấu dưới áp lực và xuất sắc giành chiến thắng bằng bàn duy nhất của Ablie Jallow. Lịch sử đã được tạo ra, Gambia có chiến thắng đầu tay ngay lần đầu tiên trong lịch sử tham dự CAN Cup.

Không phải ai cũng biết đến cái tên Gambia, đất nước nhỏ nhất trên lục địa châu Phi và nếu nhìn trên bản đồ, giống như một lưỡi dao mảnh cắt ngang Senegal. Gambia cũng vô danh trên phương diện bóng đá. Khi HLV Tom Saintfiet được bổ nhiệm vào năm 2018, đội bóng có biệt danh “Bọ cạp” đứng thứ 172 trên BXH FIFA và chỉ chơi 1 trận trong 5 năm vì án phạt khai man tuổi.

Bây giờ, họ xếp thứ 150. Tuy vẫn là đội bóng có thứ hạng thấp nhất từng tham dự CAN Cup, nhưng đây thực sự là bước tiến dài. Họ bắt đầu hành trình từ vòng sơ loại, sau đó xuất sắc giành ngôi đầu bảng D để giành vé vào chơi Vòng Chung kết CAN Cup 2021. Là đội bóng bị đánh giá thấp nhất nhưng thầy trò Saintfiet đang cho thấy họ không có mặt ở Cameroon để du lịch. Chiến thắng trước Mauritania ở trận ra quân mở ra viễn cảnh xán lạn về việc tiến vào vòng 1/8 bởi ngoài hai đội đầu mỗi bảng, cơ hội còn dành cho 4 đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất.

Thành công của Gambia không đến một cách ngẫu nhiên. Nó bắt nguồn từ chính lịch sử đau thương của họ. Từ giữa những năm thập niên 2010, hàng ngàn người Gambia rời đất nước để chạy trốn khỏi nghèo đói, các cuộc xung đột chính trị và sắc tộc. Họ liều lĩnh thực hiện hành trình mà người ta gọi là “Đường về châu Âu”, vượt qua sa mạc Sahara, biển Địa Trung Hải để tới miền đất hứa châu Âu. Những người may mắn tới nơi tiếp tục trải qua cuộc sống khó khăn của người tị nạn, nhưng họ không bao giờ quên gốc gác của mình.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 130 cầu thủ gốc Gambia, quốc gia có dân số chỉ 2 triệu người, chơi bóng tại châu Âu. Rất nhiều trong số đó đã trở về phụng sự Tổ quốc và cố gắng đưa Gambia lên bản đồ bóng đá thế giới. Trong số 28 cầu thủ đăng kỳ ở CAN Cup 2021 có tới 22 người đang khoác áo các CLB châu Âu.

Tiền vệ Ablie Jallow, người thực hiện cú sút táo bạo làm tung lưới Mauritania tối thứ tư thuộc biên chế Seraing của Bỉ. Tiền đạo Assan Ceesay, tác giả bàn thắng quyết định giúp Gambia chính thức giành vé dự CAN Cup 2021 là cầu thủ của Zurich (Thụy Sĩ).

“Khoảnh khắc ghi bàn cho Gambia, mang lại niềm vui cho đất nước và đồng bào sẽ khắc sâu vào tâm trí tôi trong suốt quãng đời còn lại”, Ceesay nói hồi tháng 3/2021. Ibou Touray, cầu thủ của Salford City thì cho biết, anh sinh ra tại Anh nhưng khoác áo Gambia là giấc mơ có thật, bởi anh luôn muốn đại diện cho đội bóng quê hương. Cùng nhau, họ đang tạo nên kỳ tích. Và câu chuyện phi thường của Gambia sẽ chưa dừng lại ở đây.