Bình Phước - Điểm cuối con đường huyền thoại

Điểm cuối đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại thuộc thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Nơi đây, các lực lượng Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã không ngại gian khổ, hy sinh, mở đường thông tuyến, chi viện chiến trường miền nam trong những năm 1973 - 1975. Từ ngày tái lập tỉnh, Bình Phước không ngừng khắc phục khó khăn, xây dựng phát triển trên mọi mặt và “hoa đã nở trên vùng đất khó”.

Vị trí của lịch sử

Bình Phước là địa bàn chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng, có vị trí chiến lược. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bình Phước là cửa ngõ, bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía bắc. Ðịch đã triệt để khai thác con đường này để hành quân cơ động lực lượng đánh phá vùng căn cứ của ta, bảo vệ sào huyệt của chúng ở Sài Gòn. Tuy nhiên, Ðảng bộ, quân và dân Bình Phước với ý chí kiên cường, vượt qua mọi khó khăn thử thách đã kiên trì bám trụ, chiến đấu đánh địch càn quét, giữ vững lực lượng, giữ vững địa bàn, phát triển căn cứ địa dọc khu vực biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Trong đó, huyện Chơn Thành nằm ở phía tây của tỉnh Bình Phước, có vị trí cực kỳ quan trọng, là huyết mạch nối liền các tỉnh biên giới miền Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh.

Sau khi Hiệp định Pa-ri về "Chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam" được ký kết, chúng ta quyết định dựng hệ thống đường chiến lược, coi trọng xây dựng một cách cơ bản đường phía đông Trường Sơn từ Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, thành tuyến quốc lộ xuyên bắc - nam. Ðồng thời, tuyến đường ống
xăng dầu cũng đã được triển khai xây dựng đến Bình Phước để cung cấp xăng dầu cho các phương tiện phục vụ chiến đấu trên chiến trường, góp phần đẩy nhanh thời gian vận chuyển cho các quân binh chủng cơ động tham gia chiến dịch.

Ông Ðỗ Văn Phiến, cựu chiến binh xã Long Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước - lính lái xe đường Trường Sơn năm xưa cho biết: Với việc xây dựng cơ bản, đường Ðông Trường Sơn cho phép bộ đội vận chuyển liên tục cả hai mùa mưa, nắng trong năm; đồng thời rút ngắn thời gian vận chuyển, trước đây từ 22 đến 28 ngày, xuống còn bảy đến mười ngày. Mặt khác, có thể bảo đảm cơ động cho các loại binh khí kỹ thuật, xe tăng, pháo hạng nặng và bảo đảm đội hình cơ động cấp quân đoàn.

Ông Huỳnh Thiện Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước cho biết: Bình Phước là điểm tập kết quân và phương tiện cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, đồng thời là điểm tập kết cuối cùng của tuyến xăng dầu Trường Sơn, góp phần quan trọng vào thắng lợi mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc. Nơi đây không có các công trình xây dựng kiên cố, chỉ là những lán trại được dựng lên để nghỉ ngơi.

Tại ngã tư Chơn Thành hiện nay có một tấm bia cũ bằng xi-măng cốt thép, cao 1,5 m, rộng 0,8 m, nằm bên phải quốc lộ 14 hướng đi về TP Ðồng Xoài, bên cạnh cổng trụ sở UBND thị trấn Chơn Thành. Trên bia có nội dung "Ðoạn cuối đường Hồ Chí Minh, Ðầu năm 1973, Chơn Thành", do bộ đội Trường Sơn xây dựng để ghi dấu điểm di tích. Các tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan di tích này hiện được lưu giữ, trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Ðường Hồ Chí Minh - Binh đoàn 12.

Ðổi mới trên vùng đất cách mạng

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Phước có tám khu công nghiệp (KCN) đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 70% diện tích đất. Theo quy hoạch đến năm 2020, Bình Phước sẽ có 13 KCN với tổng diện tích 4.686 ha và một Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Ðáng chú ý, trên địa bàn huyện Chơn Thành, có khoảng 70% KCN của cả tỉnh, trong đó Khu liên hợp Becamex - Bình Phước lớn nhất, với tổng diện tích 4.633 ha, quy mô vốn đầu tư hạ tầng khoảng 20.000 tỷ đồng. Nhìn chung, các KCN tại Bình Phước có lợi thế gần các tuyến đường huyết mạch của tỉnh, nối với tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, là điểm đến lý tưởng với các nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho biết: Xác định phát triển công nghiệp để tạo đà cho phát triển dịch vụ và nông nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn. UBND tỉnh cam kết luôn sát cánh đồng hành, luôn lắng nghe để tháo gỡ khó khăn và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Ngược quốc lộ 13 khoảng 50 km là điểm di tích Tổng kho nhiên liệu VK98, VK99 thuộc huyện Lộc Ninh. Ðây là điểm cuối của đường ống vận chuyển xăng dầu từ bắc vào phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - thuộc hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013. Trên mảnh đất Lộc Ninh Anh hùng, hiện có nhiều đổi mới với những bước phát triển vượt bậc. Hiện nay, huyện Lộc Ninh có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư chỉ cách TP Hồ Chí Minh 150 km và thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Cam-pu-chia khoảng 300 km. Lộc Ninh cũng là cửa ngõ quan trọng về đường bộ và đường sắt ra quốc tế ngắn nhất, thuận tiện nhất nối liền ba nước Ðông Dương với Thái-lan. Dự án điện mặt trời tại Lộc Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 11-2018. Theo đó, tại huyện được quy hoạch phát triển điện mặt trời với quy mô 800 MWp, dự kiến, trong hai năm 2019, 2020 sẽ đưa vào vận hành năm nhà máy. Mới đây, tỉnh Bình Phước đã khánh thành Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền nam Việt Nam tại huyện Lộc Ninh với tổng mức đầu tư 336 tỷ đồng, hứa hẹn là một điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch.

Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Nguyễn Nhật Tân cho biết: Việc hình thành khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, dự án điện mặt trời là điểm nhấn trong phát triển kinh tế của Lộc Ninh. Hiện, huyện phối hợp với tỉnh đang đẩy mạnh phát triển du lịch nhất là du lịch tâm linh kết hợp sinh thái mà thế mạnh là Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền nam Việt Nam. Trong tương lai gần, mảnh đất cách mạng Lộc Ninh là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Phước.