Đan Mạch đã tạo nên câu chuyện cổ tích phi thường

NDO -

Không dễ để Đan Mạch tái hiện chiến tích như năm 1992. Nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra, cách họ trở lại, chiến đấu bên nhau và vượt qua vòng bảng vẫn là một câu chuyện đáng tự hào.

Đan Mạch trở thành đội đầu tiên trong lịch sử Euro vào vòng knock-out sau khi thua hai trận đầu tiên. (Ảnh: WrapSports)
Đan Mạch trở thành đội đầu tiên trong lịch sử Euro vào vòng knock-out sau khi thua hai trận đầu tiên. (Ảnh: WrapSports)

Ly kỳ, đầy cảm xúc và thần bí, đó là những câu chuyện cổ tích được kể bởi Andersen, sau đó là đội tuyển Đan Mạch. Ở khía cạnh nào đó, các cầu thủ Đan Mạch còn sáng tạo hơn cả Andersen. Chuyện cổ tích thường chỉ xảy ra một lần với một nhân vật, trong khi “những chú lính chì” có thể lặp lại điều phi thường thêm lần nữa.

Còn nhớ năm 1992, từ một đội không thể đến Euro bằng cửa chính và được tập hợp vội vàng, họ đã đánh bại các siêu cường để đăng quang đầy ngoạn mục. Bây giờ, họ khởi đầu Euro bằng thất bại và cận kề cái chết - theo đúng nghĩa đen, rồi trong nỗi tuyệt vọng, lại nhận thêm thất bại nữa.

Vào lúc tất cả nghĩ rằng Euro đã kết thúc với Đan Mạch, họ trở lại. Sự kiên cường và xuất sắc của “những chú lính chì” đã mang lại bốn bàn thắng. Phần thưởng dành cho họ là tấm vé vào vòng 1/8 với tư cách nhì bảng B. Khó tin, nhưng có thật. Và Đan Mạch trở thành đội đầu tiên trong lịch sử Euro vào vòng knock-out sau khi đã thua hai trận mở màn.   

“Thật là một đêm phi thường. Tôi không thể tưởng tượng nổi, làm thế nào mà các cầu thủ có thể trở lại mạnh mẽ đến vậy sau những gì đã trải qua”, huấn luyện viên Kasper Hjulmand nói sau trận đấu.

Chín ngày trước, các cầu thủ Đan Mạch đã tạo thành một vòng tròn để bảo vệ Christian Eriksen, người đã chết lâm sàng, khỏi ánh mắt soi mói của cả thế giới. May mắn thay, điều kỳ diệu đã xảy ra khi Eriksen chiến thắng tử thần và tiếp tục sống.

Sự kiện đó truyền cảm hứng cho cả đất nước Đan Mạch vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Giờ thì mọi xung đột, tranh cãi không còn ý nghĩa gì nữa. Mối quan hệ giữa người hâm mộ và đội tuyển Đan Mạch được hâm nóng trở lại, chấm dứt thời kỳ băng giá từ năm 2018.

Vì mâu thuẫn tiền bạc, nhiều tuyển thủ đã từ chối đá trận giao hữu với Slovakia. Cực chẳng đã, ban huấn luyện phải đưa ra sân những cầu thủ dự bị của dự bị, cộng thêm một vài cầu thủ futsal và chơi nghiệp dư. Trong con mắt công chúng, tuyển Đan Mạch là một nhóm hám tiền và không có tình yêu với đất nước.

Giờ thì sóng gió đã qua. Những lá cờ cùng dòng chữ “Eriksen 10” được treo lên trên các cửa sổ ở Copenhaghen, và chiếc áo khổng lồ mâng tên cầu thủ hay nhất của Đan Mạch trong thế kỷ 21 được căng ra ở khán đài. Tất cả đứng sau và cổ vũ thầy trò Hjulmand. Còn thầy trò Hjulmand, không gì ngoài sự đoàn kết và quyết tâm.

“Đây lúc để chiến đấu, không phải đau khổ”, thủ môn Kasper Schmeichel tuyên bố trước trận đấu. Đây cũng là một lời hứa mà anh cùng đồng đội dành cho Eriksen, người đã hồi phục và từ bệnh viện, gửi tin nhắn video động viên toàn đội.  

Rạng sáng 22-6, một vòng tròn khác được các cầu thủ Đan Mạch tạo ra trên sân Parken. Ở giữa dĩ nhiên không phải Eriksen, mà là chiếc điện thoại trên tay một vị huấn luyện viên. Rồi tin tức tuyệt vời từ St Petersburg cũng dội về. Phần Lan thua Bỉ với tỷ số đủ để Đan Mạch lên ngôi nhì bảng. Không còn những giọt nước mắt đau khổ, chỉ có nụ cười rạng rỡ vì hạnh phúc. Đất nước của thế giới cổ tích đã chứng minh, họ không chỉ sáng tạo trên trang giấy mà còn đưa nó vào đời thực.  

Liệu Đan Mạch có tái hiện kỳ tích như năm 1992? Thực sự rất khó. Trận thua 1-2 trước Bỉ đã nhấn mạnh, trong bóng đá chỉ quyết tâm thôi chưa đủ. Vẫn còn một khoảng cách giữa Đan Mạch và những đội bóng ưu tú ở châu Âu. Nó càng lớn hơn khi họ không còn Eriksen.

Thế nhưng trong bóng đá, danh hiệu không phải là tất cả. Việc Đan Mạch lách qua khe cửa hẹp để vào vòng 1/8 đã là một chiến thắng phi thường. Một câu chuyện cổ tích thực thụ được tạo nên bởi ý chí quật cường và tình đồng đội, mà nhiều năm sau người dân ở đất nước này có thể kể lại với sự tự hào.