Thể thao Hà Nội vươn ra sân chơi lớn

Mục tiêu có 20 VÐV dự  Olympic Bắc Kinh của thể thao Hà Nội hiện đã hoàn thành được gần một nửa, khi có tới tám võ sĩ Wushu đã có tên trong danh sách lọt qua vòng loại. Hà Nội vẫn còn nhiều VÐV tiếp tục tham dự vòng loại ở các môn cử tạ (có triển vọng hai VÐV), đua thuyền canoeing rowing (từ 4 đến 6 VÐV), bóng bàn (1 VÐV), vật (2 VÐV), đấu kiếm (2 VÐV). Ðể có lực lượng tốt nhất cho mục tiêu này, ngay sau SEA Games 24, Hà Nội đã đưa 60 VÐV các môn: nhảy cầu, bóng bàn, judo, vật, thể dục, điền kinh, cầu lông sang Nam Ninh (Trung Quốc) tập huấn. Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Nguyễn Ðình Lân cho biết: "Năm 2008 là năm bản lề để Hà Nội chuẩn bị lực lượng VÐV cho Ðại hội thể thao châu Á trong nhà 2009 do Việt Nam đăng cai tổ chức, SEA Games 25 ở Lào và sau đó là Ðại hội thể thao châu Á năm 2010. Vì thế, nhiều VÐV của Hà Nội sẽ đi tập huấn nước ngoài mà không về tham dự các giải vô địch quốc gia, bởi sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu chính. Dù vậy, trong các cuộc thi đấu trong nước, Hà Nội vẫn chắc chắn dẫn đầu. Tuy nhiên, việc dẫn đầu ở các giải đấu trong nước không còn là mục tiêu số một nữa mà thể thao Hà Nội đã vươn tầm xa hơn, cao hơn".

Không chỉ lo cho những mục tiêu trước mắt, Hà Nội còn chuẩn bị rất kỹ lực lượng dự phòng, thậm chí cả cho Olympic 2012 nên thông thường tỷ lệ VÐV đỉnh cao và VÐV trẻ được đi tập huấn nước ngoài là 50-50. Mặc dù  tiếp tục thuê nhiều chuyên gia nước ngoài tới đào tạo VÐV, song Hà Nội  vẫn đều đặn gửi VÐV ra tập huấn nước ngoài để cọ xát, cải thiện điều kiện dinh dưỡng, sử dụng trang thiết bị tốt nhất. Song hành việc đào tạo VÐV, Hà Nội luôn tạo cơ hội để các HLV đi theo nâng cao tay nghề, dần tiến tới chủ động đào tạo thể thao thành tích cao. Trước đây, nhiều môn thể thao như u-su, pen-cát si-lát, bắn cung, karatedo, cử tạ... đều phải sử dụng chuyên gia nước ngoài, thì đến nay về cơ bản HLV của Hà Nội đã đảm đương được công việc,  có VÐV giành HCV SEA Games, châu Á.

Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về số tỷ lệ người thường xuyên tập luyện thể thao là 28,5%, phấn đấu trong năm 2008 sẽ tăng lên 30%. Ðể làm được điều này, không chỉ Sở TDTT Hà Nội mà cả UBND thành phố Hà Nội, các đơn vị liên quan đều phải chung sức. 

Năm 2008 cũng là năm thể thao học đường Hà Nội tham gia Hội khỏe Phù Ðổng toàn quốc, vòng chung kết diễn ra tại Phú Thọ vào tháng 8 tới. Tuy nhiên, với Hội khỏe Phù Ðổng, Hà Nội không đặt nặng thành tích mà tập trung để xây dựng nhiều cơ sở vật chất rèn luyện thể thao ở các trường học, thúc đẩy phong trào thể thao học đường, phát triển học sinh toàn diện: đức, trí, thể, mỹ và tìm kiếm, phát hiện thêm nhân tài cho thể thao thủ đô.