Cúp bóng chuyền Hùng Vương lần thứ 1

Giải mới, chủ nhân cũ

Sau 60 trận đấu thuộc khuôn khổ vòng 1 của giải VĐQG môn bóng chuyền  ở hạng đội mạnh, 6/12 đội nam có kết quả khá nhất ở hai bảng và tương tự, 6/12 đội nữ, bao gồm các đội Thể Công, Công an Vĩnh Phúc, Quân đoàn 4 (bảng A), Bưu điện Hà Nội, Ninh Bình, Quân khu 5 (bảng B) cùng Bộ Tư lệnh thông tin, Tuần Châu Quảng Ninh, Ngân hàng Công thương (bảng A), Bình Điền Long An (BĐ.LA), Bưu điện Hà Nội, Vital, Thái Bình (bảng B). Số CLB này được quyền tham dự Cúp Hùng Vương, tổ chức lần đầu trên sân Phú Thọ, tuy không ảnh hưởng đến kết quả giải VĐQG song là cơ hội cọ xát bổ ích và qua đó, người ta vẫn nhận ra những điều cần thấy ở nội dung Oympic này, thông qua những vấn đề của vòng 1 vừa qua.

1. Dù sự xuất sắc của nữ BĐ.LA là nét mới rất đáng khen, song nếu nhìn toàn cục, bóng chuyền phía nam coi như sa sút toàn diện, nhất là trung tâm số một – TP Hồ Chí Minh. Từ các đội nam Long An, BĐ Trà Vinh, cho đến Vật liệu xây dựng Biên Hòa, đều có sự sút giảm ở khả năng chuyên môn và xa hơn là trình độ quản lý. Một số CLB chưa thể chứng tỏ được cách làm bóng chuyền là đúng và hay. Chẳng hạn Giấy Bãi Bằng là rõ nhất, cách sử dụng đồng tiền còn phải đi cùng yếu tố vĩ mô của văn hóa bản địa và đây còn là sự nông - sâu của nhận thức.

Sự vào cuộc của khối doanh nghiệp làm bóng chuyền khởi sắc, những tên mới mang theo cụm từ thuần kinh tế, chẳng hạn Phân bón Con cò, Bình Điền, Vật liệu xây dựng, Tuần Châu, rồi Bưu điện, Ngân hàng... tuy nhiên, trình độ BCVN có lên hay không, câu hỏi này còn phải chờ. Doanh nghiệp vào cuộc, vậy mà các đội hàng đầu vẫn phần lớn là khối quân đội và công an, như Thể Công, Bộ TLTT, CAVP...

2. Nhìn chung, chiều cao cầu thủ đã tăng, số VĐV nam cao cỡ 1m90 đã khá nhiều, khối nữ đã có một số xấp xỉ 1m80, đã thấy ở THVL, BĐ.LA, dưới chút ít còn thấy ở các đội KQ, NHCT, BTLTT, TCQN... và điều này là nét mới, có cơ sở để BCVN sẽ tiếp cận hiện đại. Cao về tầm vóc, bước đầu tiến bộ ở chuyên môn như lối nhảy phát, đánh từ sau vạch 3m, rồi các miếng chồng, nhanh, dãn biên... đều được vận dụng theo những cung bậc khác nhau.

Đã có những đội bóng cừ, chẳng hạn như TC, BĐHN (nam), BTLTT, BĐ.LA (nữ) và vài đội khác. Cũng có những cái tên nghe quen và được cổ vũ nhiệt thành, như các VĐV Bùi Thị Huệ, Phạm Thị Yến, Phạm Kim Huệ, Ngọc Hoa, Diệu Châu, Thu Hồng, cùng Duy Quang, Văn Thành, Hữu Cường, Hồng Thái, hay Hà, Giáp, Văn... và trong số họ, nhiều người xứng đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, cái yếu còn đó.

Đó là sự sơ khoáng trong kỹ thuật cơ bản, nhất là bước một (nữ), chiến thuật tại khu giữa lưới (nam), cái mà trên thế giới, người ta đang thay đổi ầm ầm. Đó cũng còn là sự thiếu hụt những gương mặt đủ sức quyết định số phận mỗi trận đấu, điều mà BCVN từng có, như Đào Hữu Uyển trước đây, hay Lê Hồng Hảo gần đây. Đó cũng còn là một không khí bừng bừng lập  công như Thái Bình khi xưa, Seaprodex gần đây và có người giải thích điều ấy là do cơ chế thị trường. Phải, cơ chế đã làm khó cho một số CLB, làm "hư" một số cầu thủ, nhìn xa hơn, nó sẽ làm ảnh hường đến mặt bằng chung của BCVN.

3. Bất luận thế nào, người yêu TDTT phải dự đoán trước cuộc chơi lớn. Vậy tại Cúp Hùng Vương lần đầu, đội nào sẽ đăng quang?

Nam TC dễ lấy giải, họ đồng đều và chơi đa dạng nhất hiện nay, chỉ trừ khi bị bứt bài đến tận cùng, như cuối giải trước, song TC sẽ gượng dậy, lấy Cúp từ CLB BĐHN, cơ hội của TC là 60%.

Nữ BTLTT và BĐ.LA là ngang cơ, nếu chỉ đạo tốt, nữ BĐ.LA có cơ hội và đây còn là cơ hội để kiểm chứng câu hỏi ai là HLV có bản lĩnh để nắm đội ở SEA Games tới? Các tân binh NB hay CAVP có thể tạo bất ngờ mang tính cục bộ, cũng đã là khá.