Nhân dân dạy chúng ta phải làm gì

Gần 70 năm trôi qua, thế hệ thời "lập quốc" chẳng mấy người còn lại, nhưng gặp ai, dù tuổi đã ngoài 90 họ vẫn say sưa hồi tưởng, như những "người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong" thuở nào...

Đồng chí Lê Trọng Nghĩa (ngoài cùng bên trái) và đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng đội Việt Minh thành Hoàng Diệu trong một dịp gặp mặt.
Đồng chí Lê Trọng Nghĩa (ngoài cùng bên trái) và đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng đội Việt Minh thành Hoàng Diệu trong một dịp gặp mặt.

Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội ngày đó đến nay, chỉ còn lại hai người: Đại tá Lê Trọng Nghĩa và Đại tướng Nguyễn Quyết. Các cụ đều đã qua tuổi 90 mấy năm nay. Ông Nghĩa, khi đó mới 23 tuổi, được giao nhiệm vụ bảo vệ tử tù Trần Đăng Ninh (Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ), trốn theo đường vượt rào trong đêm 11-3-1945 cùng số ít tù chính trị (vì đường này sớm bị lộ, do cánh thường phạm tranh nhau ra trước). Sau này anh em tù chính trị Hỏa Lò gọi đó là đường "thăng thiên".

Sớm hôm sau, khi lang thang trong sân Trại J thì nhìn thấy cái nắp cống ngầm, Xứ ủy viên Trần Tử Bình nảy ra ý tưởng vượt ngục theo đường chui cống ngầm. Ông giao cho ba tù chính trị Phan Vân, Trần Văn Cử, Nguyễn Huy Hòa cạy nắp cống, chui xuống, dò đường. Sau mấy tiếng đồng hồ lần mò, ông Cử và ông Vân trở về thông báo "đã tìm thấy lối ra". Về sau cách này gọi là đường "độn thổ".

Ngay tối đó, các tù chính trị bị án nặng được chọn lựa đi trước, tập trung ở Trại J. Khoảng 8 giờ, ông Bình phát lệnh "Mở nắp cống". Nhóm tiên phong có ông Bình và ba ông Phan Vân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Hòa. Nhóm thứ hai là Trần Văn Cử, Nguyễn Cao Đàm, Đỗ Mười. Tổng số 29 đồng chí đã thoát ra trong đêm 12-3-1945. Rồi lần lượt các đêm sau đó có đến hơn 100 tù chính trị tiếp tục thoát ra ngoài...

Đầu tháng 8-1945, các đồng chí trong Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ được triệu tập lên Tân Trào. Riêng hai Ủy viên Thường vụ Xứ ủy được phân công ở lại: Nguyễn Khang phụ trách Hà Nội; Trần Tử Bình trực cơ quan Xứ ủy (đóng ở ATK Vạn Phúc, Hà Đông) phụ trách các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Thời kỳ đó, liên lạc toàn qua ZT (giao thông chạy bộ). Chỉ thị của Trung ương đến nơi phải mất cả tuần lễ.

Nhưng, nắm chắc Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 12-3 và dựa vào thực tế cách mạng của Hà Nội mà Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội. Ngay trong đêm 17-8, Thường vụ Xứ ủy quyết định chọn ngày chủ nhật 19-8-1945 là ngày Tổng khởi nghĩa để chớp thời cơ.

Ông Nghĩa còn nhớ: "Đêm mà Ủy ban Quân sự cách mạng triệu tập hội nghị cán bộ mở rộng ở Dịch Vọng, hai ông Nguyễn Huy Khôi và Nguyễn Quyết chủ trì. Tôi đến chậm. Giữa cái không khí ồn ào nghe thấy giọng lanh lảnh của một nữ cán bộ trẻ, xinh xắn: "Này, khi nào vào chiếm công đường, bắt bọn cầm đầu thì phải chú ý triệt ngay bọn lính dõng, bảo an. Nếu không chỉ vài phát súng nổ vào sau lưng quần chúng là tan hết...". Đây là kinh nghiệm xương máu tại một huyện ở Bắc Ninh mà chị đã gặp. Đối với Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, đối với những người chưa từng lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang thì đây là một lời cảnh báo hết sức quý báu". (Sau này mới biết đó là bà Phan Thị Sang, em gái ông Phan Trọng Tuệ.

Ít lâu sau, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Duy Thân. Đầu năm 1946, ông Nghĩa gặp lại, ông bà cùng là Đại biểu Quốc hội khóa I).

Và sáng ngày 19-8, đúng 10 giờ, sau "hiệu lệnh còi", mít-tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn bắt đầu. Sau vài phát súng thị uy, cả quảng trường vang lên bài "Tiến Quân Ca".

Ngay sau hiệu triệu của Ủy ban Khởi nghĩa, hàng chục vạn quần chúng cách mạng chia làm hai ngả chiếm Phủ Khâm sai và Trại Bảo an binh.

Ông Nghĩa kể tiếp: Tôi và anh Thân theo sát anh Khang, anh Bình tiến về Phủ Khâm sai. Bên trong hàng rào những nòng súng chĩa ra nhưng không dám nổ. Ta thuyết phục và bên trong cũng đã có nội ứng. Tại cổng chính, một nhóm tự vệ trèo qua rào. Rồi các cổng mở toang.

Tại sảnh chính vừa thấy Nguyễn Xuân Chữ (đại diện chính quyền bù nhìn, vừa thay cụ Phan Kế Toại), anh Bình lệnh bắt, giải về ATK ở Vạn Phúc, Hà Đông. Thấy điện thoại réo vang, các tỉnh hốt hoảng gọi về, anh Bình yêu cầu tổng đài nối máy với các tỉnh, ra lệnh: "Việt Minh đã giành chính quyền ở Hà Nội. Chính quyền các tỉnh phải mau chóng đầu hàng Việt Minh!...

Lực lượng do ông Nguyễn Quyết vừa chiếm được Trại Bảo an binh (đối diện rạp phim Majestic, nay là rạp Tháng Tám) thì quân Nhật dùng xe tăng và binh lính tới bao vây. Tình thế căng thẳng, dễ xảy ra đổ máu.

Thường vụ hội ý rồi cử ông Nghĩa phóng xe Limousin cắm cờ đỏ sao vàng ra điều đình. Chỉ huy Nhật chấp nhận rút quân nhưng yêu cầu "phía nổi loạn phải gặp chỉ huy tối cao của họ". Như vậy đến chiều 19-8, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội về cơ bản đã thành công rực rỡ; không hề đổ một giọt máu và hàng nghìn khẩu súng về tay nhân dân.

Tối 19-8, ông Nghĩa cùng "cố vấn" Trần Đình Long được cử đi gặp Toàn quyền Nhật ở Đông Dương. Căng thẳng, nhưng sau đó họ cũng chính thức chấp nhận chính quyền nhân dân. Khi trở về, đã 12 giờ đêm. Đèn trong trụ sở vẫn sáng trưng. Thường vụ Xứ ủy họp ra quyết nghị thành lập và ra mắt chính quyền mới vào ngay sớm hôm sau.

Và sáng ngày 2-9-1945, chỉ sau Tổng khởi nghĩa 19-8 đúng hai tuần lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, công bố với toàn thể quốc dân đồng bào và toàn thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời! Đ ẾN hôm nay, gần 70 năm trôi qua, ông Lê Trọng Nghĩa vẫn có những nhìn nhận rất xác đáng: "Nếu chậm thời điểm Tổng khởi nghĩa lại nửa ngày thì không hiểu lịch sử sẽ diễn biến ra sao!". Việc lựa chọn ngày, giờ khởi nghĩa vì hợp lòng dân nên chỉ trong đúng có một ngày, quần chúng cách mạng Hà Nội đã đứng lên, giành chính quyền về tay, không phải nổ một phát súng, không phải đổ máu! "Ngày 19-8-1945 mở đầu một kỷ nguyên mới của nước Việt Nam độc lập, của một dân tộc được làm chủ chính mình và hoàn toàn tự do! Đúng như Lê-nin đã dạy "Cách mạng là sáng tạo!" và chính nhân dân Hà Nội đã dạy cho chúng tôi, những người lãnh đạo khởi nghĩa, biết phải làm gì! - Vị đại tá già, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo QĐND Việt Nam, vẫn say sưa - ... Còn ngày nay, công cuộc đổi mới chỉ có thể thắng lợi, đất nước chỉ có thể giữ vững chủ quyền khi chúng ta thực sự tin tưởng vào dân, biết dựa vào sức mạnh của dân!".