HÒA BÌNH TRUNG ÐÔNG:  

Viễn cảnh mờ mịt

Thỏa thuận ngừng bắn ở bị phá vỡ sau các đợt không kích mới nhất của quân đội Israel, nhằm trả đũa những vụ việc Tel Aviv cáo buộc là "hành động thù địch" chống Nhà nước Do thái. Bạo lực trở lại không chỉ cản trở tiến trình tái thiết Gaza sau xung đột, mà còn khiến việc khôi phục đàm phán hòa bình Trung Ðông thêm mờ mịt.

Khói lửa bốc dữ dội tại thành phố Gaza khi máy bay Israel oanh tạc vùng đất hiện do Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine kiểm soát, ngày 17-5-2021. (Ảnh: AP)
Khói lửa bốc dữ dội tại thành phố Gaza khi máy bay Israel oanh tạc vùng đất hiện do Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine kiểm soát, ngày 17-5-2021. (Ảnh: AP)

Dải đất Gaza lại chìm trong khói lửa từ các đợt không kích của Israel liên tiếp trong hai ngày qua. Trong tuyên bố ngày 18-6, quân đội Israel xác nhận, các máy bay chiến đấu của nước này đã tiến công các mục tiêu quân sự và trận địa rocket của nhóm Hamas tại Gaza. Chiến dịch không kích được tiến hành sau khi các chiến binh tại Gaza thả nhiều bóng bay mang chất gây cháy vào lãnh thổ Israel. Tel Aviv chuẩn bị mọi kịch bản, sẵn sàng phản ứng thích hợp với những hành động thù địch nhằm vào lãnh thổ Israel.

Bóng bay được cho là từ Gaza gây các vụ cháy tại khu vực cư dân ở miền nam là lý do trực tiếp dẫn tới đợt không kích mới nhất của phía Israel. Song, các vụ thả bóng bay lại xuất phát từ cuộc tuần hành mang tên "Những ngọn cờ" mà các nhóm Israel theo chủ nghĩa dân tộc tổ chức tại khu vực Thành cổ ở Ðông Jerusalem. Ðây là sự kiện do phe cực hữu ở Israel phát động hằng năm để kỷ niệm Ngày Jerusalem, đánh dấu thời điểm Israel sáp nhập vùng đất này năm 1967.

Các phái Palestine coi cuộc tuần hành này là hành động khiêu khích, đồng thời phát động đáp trả bằng "một ngày thịnh nộ" ở cả dải Gaza và Bờ Tây. Cuộc tuần hành đã thổi bùng căng thẳng giữa người Israel và Palestine, dẫn tới các vụ đụng độ không chỉ ở Jerusalem, mà cả dọc biên giới giữa Israel với dải Gaza. Phong trào Hamas kiểm soát Gaza tuyên bố tiếp tục bắn tên lửa vào Israel nếu cuộc tuần hành không được hủy bỏ.

Những hành động đáp trả lẫn nhau giữa Israel và cánh vũ trang của Hamas đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ hôm 21-5, mà hai bên phải rất khó khăn mới đạt được sau 11 ngày giao tranh ác liệt, khiến hơn 250 người chết. Hơn ba tuần sau xung đột, Gaza còn chồng chất khó khăn. Các cam kết viện trợ nhằm tái thiết dải đất khói lửa chỉ mới được triển khai. Bạo lực trở lại càng làm tăng lo ngại về nguy cơ khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng hơn tại Gaza.

Trước nguy cơ dải đất này trở lại vòng xoáy xung đột, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên ngay lập tức chấm dứt hành động thù địch, tuân thủ lệnh ngừng bắn và các thỏa thuận nhằm ổn định tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine.

Chiến dịch không kích Gaza mới nhất đánh dấu động thái căng thẳng đầu tiên với nhóm vũ trang Palestine dưới thời chính quyền mới ở Israel, do Thủ tướng Naftali Bennett đứng đầu. Theo đuổi lập trường ủng hộ mở rộng các khu định cư Do thái và phản đối nỗ lực thành lập Nhà nước Palestine độc lập, thủ tướng mới của Israel được cho là có ít khả năng thỏa hiệp lớn trong vấn đề Palestine, nhất là giải pháp hai nhà nước, vốn được phần đông cộng đồng quốc tế ủng hộ và thúc đẩy.

Với chính quyền Thủ tướng Bennett, vấn đề Jerusalem tiếp tục là thách thức an ninh, chính trị trực tiếp và cấp bách. Cùng lập trường không nhượng bộ của chính phủ, các chính sách của Tel Aviv như xây khu định cư, thu hồi đất của các gia đình Palestine và nhất là hoạt động tuần hành nhắc nhớ sự kiện sáp nhập Jerusalem tiếp tục là những vấn đề nóng, có thể khơi mào biểu tình và đụng độ giữa người Palestine với lực lượng an ninh Israel. Bạo lực gia tăng tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng có thể lôi kéo Hamas vào cuộc, dẫn tới xung đột vũ trang nguy hiểm.

Trong bài phát biểu hồi cuối năm 2020, khi kết thúc sứ mệnh Ðiều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Ðông, ông Nickolay Mladenov từng chỉ rõ, chừng nào cuộc đàm phán mang tính xây dựng giữa Israel và Palestine chưa được khôi phục, nguy cơ chiến tranh tàn khốc, khủng hoảng nhân đạo, kinh tế và y tế ở Gaza còn hiện hữu. Nỗ lực quốc tế hướng tới gây dựng lại lòng tin, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên, có thể giúp phá thế bế tắc trong tiến trình hòa bình Trung Ðông.

Ninh Sơn