Vì an ninh nguồn nước toàn cầu

Hội nghị Bộ trưởng về nước và vệ sinh (SMM) năm 2022 đang diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia, với sự tham gia của hơn 70 bộ trưởng các nước trên thế giới. Hội nghị bày tỏ quan ngại về an ninh nguồn nước toàn cầu, nhất là trong hơn hai năm vật lộn với dịch Covid-19 vấn đề này bị coi nhẹ.

Hình ảnh chụp tại ngoại ô của Ciudad Juarez, Mexico, ngày 22/3/2019. (Ảnh: REUTERS)
Hình ảnh chụp tại ngoại ô của Ciudad Juarez, Mexico, ngày 22/3/2019. (Ảnh: REUTERS)

Theo thống kê của Liên hợp quốc, có đến xấp xỉ 90% thảm họa khí hậu trên thế giới có liên quan tới nước như lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm nguồn nước…, trong khi 40% dân số thế giới (khoảng 3,5 tỷ người) dễ bị tổn thương do tác động từ những hiện tượng thiên tai.

Tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng hơn do tình trạng biến đổi khí hậu, ước tính tiêu tốn 6% GDP của các quốc gia bị ảnh hưởng. Hơn một nửa số dân toàn cầu thiếu khả năng tiếp cận môi trường vệ sinh an toàn. Trong đại dịch Covid-19, cứ 10 người thì có ba người không có đủ điều kiện để vệ sinh sạch tay như khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tăng 36%.

Ðiểm đặc biệt của SMM năm 2022 là nước chủ nhà Indonesia đã mở rộng mời các đối tác trong lĩnh vực y tế, môi trường và kinh tế để thảo luận tìm giải pháp cho vấn đề nan giải quy mô toàn cầu này.

Trước việc an ninh nguồn nước ngày càng bị đe dọa, "đất nước vạn đảo" đưa chủ đề "Nước và vệ sinh cho mọi người, mọi thời điểm, mọi nơi" vào nội dung của hội nghị, trong đó tập trung thảo luận bốn nội dung gồm vai trò trung tâm của các nhà lãnh đạo chính trị trong việc ưu tiên bảo đảm nguồn nước sạch, môi trường vệ sinh an toàn như một động lực chính làm cho người dân khỏe mạnh, nâng cao khả năng hồi phục và tăng trưởng kinh tế toàn diện; những rào cản trong cải thiện và đầu tư vào lĩnh vực nước và vệ sinh và giải pháp phục hồi bền vững thông qua cải cách và hành động tập thể; phục hồi và tự cường tài chính; tầm quan trọng của việc sử dụng và chia sẻ thông tin, để đáp ứng các nghĩa vụ và trách nhiệm nhằm bảo đảm tính minh bạch và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Châu Phi là một trong những khu vực thường xuyên đối mặt tình trạng khan hiếm nước sạch. Tình trạng nước thải chưa qua xử lý và khan hiếm nước uống, nước sạch đang ngày một trầm trọng và đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người dân, trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán ngày một gia tăng, đặc biệt là ở khu vực Tây Phi.

Trong bối cảnh đó, Viện Nước sạch, môi trường và y tế thuộc Ðại học Liên hợp quốc tiến hành nghiên cứu những khó khăn, rủi ro trong quản lý nguồn nước nhằm giải "cơn khát" cho người dân châu Phi. Nghiên cứu cho thấy, Ai Cập có diện tích chủ yếu là sa mạc song vẫn được xếp hạng là quốc gia có nguồn nước an toàn nhất châu Phi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần 99% dân số Ai Cập được tiếp cận các dịch vụ cung cấp nước sạch cơ bản. Tuy nhiên, Cộng hòa Trung Phi, quốc gia nằm ở khu vực sở hữu tài nguyên nước dồi dào tính theo đầu người cao nhất châu lục, lại chỉ có 37% dân số được tiếp cận các dịch vụ nước sạch cơ bản. Thậm chí, Madagascar-đảo quốc lớn thứ hai thế giới-xếp hạng cao về dự trữ nguồn nước, song lại nằm trong danh sách không mong muốn 10 quốc gia có nguồn nước kém an toàn nhất ở châu Phi vì tình trạng nghèo đói lan rộng và dân số tăng nhanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc sở hữu nguồn tài nguyên nước dồi dào không đồng nghĩa với nhiều người dân được tiếp cận các dịch vụ nước sạch.

Một vấn đề đau đầu nữa là xử lý nước thải, khi không quốc gia nào có lượng nước thải đã qua xử lý vượt ngưỡng 75% lượng nước thải ra môi trường, đáng báo động là có tới 2/3 số nước ghi nhận chưa tới 5% lượng nước thải được xử lý. Ðây là vấn nạn chung ở các nước nghèo châu Phi, bởi chi phí đầu tư cho công nghệ xử lý nước thải rất tốn kém. Vấn đề này trở thành một nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh dân số tại châu Phi đang tăng nhanh và lượng người di cư đến các thành phố ngày càng đông để tìm kiếm việc làm.

Tiếp cận nguồn nước sạch là quyền cơ bản và chính đáng của con người, nhưng đôi khi vẫn chưa được quan tâm đúng mức ở một số khu vực. Liên hợp quốc đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia chú trọng nâng cao an ninh nguồn nước để mọi người dân được sử dụng nước sạch và vệ sinh ■