Triển vọng kinh tế thế giới vẫn bấp bênh

Mặc dù giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 6% trong năm 2021, song Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn cảnh báo về mức tăng trưởng không đồng đều khi các nước phát triển có mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn các nước đang phát triển.

Triển vọng kinh tế thế giới vẫn bấp bênh

Triển vọng kinh tế thế giới vẫn bấp bênh khi tiến trình tiêm chủng vaccine là yếu tố phân chia khả năng phục hồi giữa nhóm nước, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới là mối nguy khôn lường.

Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của IMF đưa ra mới đây không thay đổi so với công bố hồi tháng 4, song Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới, được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn, với khoảng 7% nhờ gói kích thích kinh tế khổng lồ của chính quyền Tổng thống Joe Biden và tỷ lệ tiêm chủng cao.

Mức tăng trưởng của Canada và Anh cũng được điều chỉnh lên các mức lần lượt 6,3% và 7%, trong khi GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự báo tăng trưởng 4,6%. Ở Mỹ la-tinh, Mexico dự kiến sẽ tăng trưởng cao hơn, nhờ hỗ trợ của sự lan tỏa tích cực từ nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Ðộ còn 9,5% trong bối cảnh quốc gia Nam Á đang chật vật ứng phó số ca nhiễm Covid-19 ở mức cao. IMF cũng dự báo triển vọng thấp hơn đối với Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, nơi các làn sóng Covid-19 đang bùng phát mạnh. Dự báo tăng trưởng của các quốc gia có thu nhập thấp giảm 0,4 điểm phần trăm. IMF thậm chí cho rằng, không thể bảo đảm kinh tế có thể phục hồi tại những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp khi mà virus SARS-CoV-2 còn hiện diện.

Những nguy cơ từ các biến thể mới của Covid-19 đe dọa đà phục hồi kinh tế, nhất là tại các quốc gia đang phát triển thiếu nguồn cung vaccine. Quá trình phục hồi sẽ chậm lại nếu tốc độ tiêm phòng Covid-19 không được đẩy nhanh. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cảnh báo, biến thể siêu lây nhiễm Delta có thể làm chệch hướng phục hồi và ước tính gây thiệt hại tới 4.500 tỷ USD giá trị GDP toàn cầu vào năm 2025.

Sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu đã được các chuyên gia cảnh báo khi biến thể Delta gây ra những rủi ro lớn. Sự hỗ trợ về tài chính cũng như y tế nhằm bảo đảm phân phối cân bằng vaccine là nhân tố quan trọng nhằm giảm nguy cơ tiềm ẩn đối với sự phục hồi kinh tế thế giới. IMF đã thúc đẩy kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nước một phần chi phí mua vaccine và giải quyết nhu cầu cấp bách tại những nước có thu nhập thấp hơn.

Nhằm thu hẹp khoảng cách tăng trưởng, IMF kêu gọi ưu tiên cấp bách hiện nay là phân bổ vaccine công bằng trên toàn thế giới.

Thái Thanh