Bình luận quốc tế

Tín hiệu tích cực ở Sri Lanka

Sri Lanka vừa bổ nhiệm chín thành viên Chính phủ mới, trong nỗ lực cải tổ sâu rộng, đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Thêm một tín hiệu tích cực nữa khi Nhóm G7 ủng hộ xóa nợ cho đảo quốc được mệnh danh “Hòn ngọc Ấn Độ Dương”.

Sri Lanka hiện không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Ảnh: TTXVN
Sri Lanka hiện không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Ảnh: TTXVN

Thông cáo của Phủ Tổng thống Sri Lanka nêu rõ, chín thành viên mới trong chính phủ, trong đó có những gương mặt được kỳ vọng về các lĩnh vực quan trọng như y tế, thương mại và du lịch, đã tuyên thệ nhậm chức trước Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (G.Ra-gia-pắc-xa). Với những vị trí quan trọng này cùng với việc chính trị gia kỳ cựu Ranil Wickremesinghe (R.Uých-rê-mê-xin-ghê) được bổ nhiệm làm Thủ tướng, người dân đảo quốc Nam Á hy vọng được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, trong bối cảnh Sri Lanka đang chìm đắm trong bóng tối khủng hoảng tài chính.

Ngay sau khi được bổ nhiệm, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe bắt tay ngay vào hành động, với nỗ lực đàm phán giải cứu hai chuyến tàu chở nhiên liệu cập cảng Colombo, cho dù hai chuyến tàu này chưa thể giải tỏa “cơn khát” nhiên liệu cho 22 triệu người dân Sri Lanka. Hai chuyến tàu chở nhiên liệu này bị ách lại trên biển, do quốc gia Nam Á tuyên bố vỡ nợ và không có tiền thanh toán hợp đồng mua bán với đối tác. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Sri Lanka Nandalal Weerasinghe (N.Uy-ra-xin-ghê) thông báo tin tốt lành rằng, ngân hàng đã có ngoại tệ để thanh toán các chuyến hàng vận chuyển khí đốt và nhiên liệu, với việc giải ngân một phần số tiền 130 triệu USD nhận từ Ngân hàng Thế giới (WB) và kiều hối của người Sri Lanka làm việc ở nước ngoài gửi về.

Tuy nhiên, số ngoại tệ trên chỉ như “muối bỏ bể” so nhu cầu nhập khẩu xăng dầu và hàng hóa thiết yếu cho người dân đảo quốc. Chính vì vậy, Chính phủ Sri Lanka đang tích cực đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về các gói cứu trợ và thương lượng tái cơ cấu nợ với các chủ nợ. Theo tính toán của Chính phủ Sri Lanka, quốc gia Nam Á cần ít nhất 3-4 tỷ USD để thoát khỏi khủng hoảng hiện tại.

Thống đốc Nandalal Weerasinghe cảnh báo, lạm phát vẫn đang tiếp tục leo thang tại quốc gia Nam Á và có thể lên tới 40% những tháng tới. Việc đồng nội tệ mất giá cùng khủng hoảng tài chính khiến Sri Lanka thiếu hụt ngoại tệ để nhập khẩu lương thực và nhiên liệu, trong khi quốc gia này vốn phụ thuộc hoàn toàn vào hàng hóa nhập khẩu. Bộ trưởng Điện và Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijeskera (C.Uy-giê-xkê-ra) cũng khẳng định sẽ sớm có đủ nhiên liệu để phục vụ nhu cầu của người dân. Theo Bộ trưởng Wijesekera, một tàu chở dầu diesel đã cập cảng Sri Lanka và ba tàu chở xăng đang hướng tới Colombo trong vài ngày tới, qua đó bảo đảm đủ nhiên liệu tiêu dùng trên toàn quốc.

Đồng hành với Chính phủ Sri Lanka, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra tại Đức, đã bày tỏ ủng hộ các nỗ lực xóa nợ cho Sri Lanka, sau khi quốc đảo Nam Á tuyên bố vỡ nợ do không thể trả lãi trái phiếu khi thời gian ân hạn kết thúc ngày 18/5. Dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị G7 nêu rõ, G7 sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực của Câu lạc bộ Paris phù hợp các nguyên tắc của nhóm, nhằm giải quyết nhu cầu xử lý nợ cho Sri Lanka.

Trong dự thảo, G7 cũng kêu gọi các quốc gia chủ nợ khác không thuộc Câu lạc bộ Paris hỗ trợ xóa nợ cho Sri Lanka. G7 khẳng định cam kết tìm kiếm các giải pháp lâu dài cho
quốc gia Nam Á, đồng thời thúc giục Chính phủ Sri Lanka đàm phán trên tinh thần xây dựng với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một khoản vaycứu trợ.

Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Quốc gia Nam Á gặp nhiều khó khăn trong nhập khẩu các nhu yếu phẩm do dự trữ ngoại hối cạn kiệt và nợ công tăng cao. Tình trạng khan hiếm nhiên liệu và thực phẩm đã khiến nhiều người dân không giữ được bình tĩnh, đẩy bạo lực và biểu tình bùng phát tại Sri Lanka từ ngày 9/4. Bạo lực kéo dài hơn một tháng làm ít nhất chín người chết và hơn 200 người bị thương.

Các tín hiệu tích cực đang dồn dập đến với Sri Lanka. Nhóm G7 hy vọng các cuộc đàm phán giữa quốc đảo Nam Á và IMF đạt kết quả, mang lại gói cứu trợ khẩn cấp giúp người dân nước này giải tỏa “cơn khát” xăng dầu, điện và nhu yếu phẩm.