Thị trường “vàng đen” dậy sóng

Giá dầu thô thế giới giữ đà tăng, nhưng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) chỉ nhất trí tăng nhẹ sản lượng khai thác. Trước nguy cơ giá “vàng đen” dậy sóng, các bên vẫn quy trách nhiệm cho nhau trong việc bình ổn thị trường. OPEC+ cho rằng sự biến động hiện nay trên thị trường nằm ngoài tầm kiểm soát.

Các thùng chứa dầu tại 1 kho dầu ở Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Các thùng chứa dầu tại 1 kho dầu ở Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc họp diễn ra chóng vánh chỉ chưa đầy 15 phút ngày 5/5, tại Vienna của Áo, các thành viên nhóm OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu 432.000 thùng/ngày vào tháng 6 tới, mức được đánh giá là khá “khiêm tốn” trong bối cảnh giá dầu thô thế giới tiếp tục leo cao.

Trong phiên giao dịch cùng ngày, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chốt ở mức cao nhất kể từ hôm 25/3, giá dầu Brent cũng “lập kỷ lục” mới kể từ ngày 18/4.

Giá dầu thế giới tăng trong bối cảnh Ủy ban châu Âu (EC) cùng nhiều quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang ráo riết thúc đẩy thông qua gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó trọng tâm là lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Moskva.

Bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu từ các nước phương Tây, OPEC+ vẫn duy trì kế hoạch đã đưa ra là tăng sản lượng dầu thô mức vừa phải và theo từng tháng, nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa cung và cầu, cũng như giữ ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.

Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait nhấn mạnh, quyết định tăng nhẹ sản lượng được các bộ trưởng dầu mỏ các nước OPEC+ đưa ra sau khi tính đến các yếu tố trong đó có việc Mỹ tăng lãi suất, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm và giá hàng hóa tăng. OPEC+ cũng theo dõi sát tình hình phòng, chống Covid-19, nhất là tại Trung Quốc, cũng như bất cứ khả năng nào có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, các bộ trưởng đã tránh thảo luận về các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan xung đột tại Ukraine.

Giá dầu lên 139 USD/thùng vào tháng 3 vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 2008, do những lo ngại liên quan cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh cấm vận nhằm vào ngành năng lượng của Nga. Song, OPEC+ tiếp tục coi vấn đề gián đoạn nguồn cung tới châu Âu hiện nay khiến giá dầu tăng là “vấn đề của phương Tây” chứ không phải là vấn đề nguồn cung cơ bản mà tổ chức này phải ứng phó.

Trước đó, tại cuộc họp với các quan chức EU hồi tháng 4, OPEC cũng đã cảnh báo rằng, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu mỏ nghiêm trọng.

Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo (M.Bác-kin-đô) cảnh báo, thế giới có thể mất hơn 7 triệu thùng dầu mỏ mỗi ngày và các loại nhiên liệu lỏng khác từ Nga do các biện pháp trừng phạt hiện nay và trong tương lai.

Theo ông Barkindo, căn cứ dự báo nhu cầu dầu mỏ hiện nay, OPEC có muốn cũng không thể có lựa chọn thay thế lượng lớn dầu mỏ thiếu hụt này.

Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới tuyên bố là vậy, song Mỹ lại có động thái yêu cầu OPEC+ thể hiện trách nhiệm nhiều hơn với giá dầu thế giới.

Cũng trong ngày 5/5, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên Không liên kết các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC), nhằm ngăn chặn OPEC+ dàn xếp việc hạn chế nguồn cung để tăng giá dầu thô toàn cầu.

Nếu được hai viện Quốc hội Mỹ thông qua, NOPEC sẽ cho phép Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khởi kiện OPEC hoặc các quốc gia thành viên của tổ chức này ra tòa án liên bang, nếu nhận thấy có hành vi dàn xếp để “thổi” giá dầu.

Nếu được triển khai, NOPEC sẽ thay đổi luật chống độc quyền hiện hành ở Mỹ, theo đó thu hồi quyền miễn trừ tư pháp vốn lâu nay giúp OPEC cũng như các công ty dầu mỏ quốc gia thuộc tổ chức này tránh được các vụ kiện.

Giới quan sát cho rằng, lệnh cấm vận của châu Âu nhằm vào dầu mỏ của Nga có thể sẽ buộc Moskva chuyển hướng dòng chảy năng lượng sang châu Á và cắt giảm mạnh sản lượng, trong khi EU vẫn chật vật tìm nguồn cung thay thế.

Thị trường năng lượng sẽ còn gặp nhiều sóng gió khi mà các nguy cơ có thể đẩy giá dầu lên cao ngày càng nhiều hơn, trong khi các nỗ lực “hạ nhiệt” giá dầu vẫn chưa xuất hiện ■