Bình luận quốc tế

Tầm nhìn chiến lược

Nhật Bản vừa chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao nhóm Bộ tứ kim cương, gồm các quốc gia cùng chia sẻ mục tiêu chung về khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Kế thừa sáng kiến từ chính quyền tiền nhiệm, chính phủ Thủ tướng Xư-ga Y-ô-si-hi-đê đang có những bước đi cụ thể, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược của Tô-ki-ô thúc đẩy ổn định và phồn vinh ở khu vực địa chính trị quan trọng của thế giới.

Hội nghị tại Tô-ki-ô hôm 6-10 là cuộc gặp cấp bộ trưởng lần hai của nhóm bốn nước gồm Nhật Bản, Mỹ, Ô-xtrây-li-a và Ấn Ðộ, kể từ khi cơ chế Bộ tứ kim cương chính thức vận hành từ năm 2019. Ðây cũng là hoạt động đối ngoại lớn đầu tiên của chính phủ mới ở Nhật Bản và là sự kiện quốc tế hiếm hoi được tổ chức trực tiếp trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Ðáng chú ý, hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức đang nổi lên cùng những khúc mắc trong quan hệ giữa các nước ở khu vực. Vì thế, việc Nhật Bản đăng cai hội nghị, cũng như nội dung thảo luận của các thành viên "tứ giác chiến lược" này được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Cam kết nổi bật tại hội nghị đó là mở rộng hợp tác bốn bên để thực hiện tầm nhìn về khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ. Chia sẻ nhận định rằng, thế giới những năm gần đây đối mặt nhiều thách thức trong hầu hết các lĩnh vực, nhất là cạnh tranh chiến lược gia tăng, nhóm Bộ tứ kim cương cùng khẳng định mục đích chung là tăng cường trật tự quốc tế và khu vực dựa trên nền pháp trị. Không chỉ củng cố liên kết bốn bên, các thành viên bộ tứ còn khẳng định mở rộng quan hệ đối tác nhằm xây dựng khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, hợp tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Những lĩnh vực ưu tiên hợp tác đã được đề cập, như thương mại, an ninh mạng, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và cấp thiết nhất là phối hợp ứng phó dịch Covid-19 và giảm tác động của dịch bệnh với kinh tế - xã hội khu vực.

Nỗ lực của Tô-ki-ô tổ chức hội nghị bốn bên trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cho thấy rõ quyết tâm của Thủ tướng Xư-ga triển khai sáng kiến đối ngoại quan trọng của người tiền nhiệm. Ngay sau khi nhậm chức giữa tháng 9 vừa qua, những cuộc trao đổi đối ngoại đầu tiên Thủ tướng Xư-ga thực hiện là với lãnh đạo các quốc gia thành viên bộ tứ.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định, Mỹ, Ô-xtrây-li-a và Ấn Ðộ đều là các đối tác chủ chốt trong chiến lược tăng cường của Tô-ki-ô tại châu Á. Trong đó, quan hệ đồng minh Nhật Bản - Mỹ, quan hệ đối tác toàn cầu và hợp tác chiến lược Nhật Bản - Ấn Ðộ cùng thỏa thuận an ninh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Ô-xtrây-li-a được Tô-ki-ô xác định là nền tảng quan trọng để triển khai các mục tiêu trong tầm nhìn Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Cùng nền tảng vững chắc là các mối quan hệ song phương và các liên kết trong khuôn khổ bộ tứ, Nhật Bản cũng mở rộng quan hệ đối tác toàn cầu, tìm kiếm sự ủng hộ và hợp tác nhằm triển khai tầm nhìn chiến lược mới ở khu vực. Trong đó, châu Âu là một trong những lựa chọn ưu tiên của Tô-ki-ô. Trong các cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Xư-ga với các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu, những mục tiêu của Tô-ki-ô cho khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương nhận được sự hưởng ứng rộng rãi, mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Nhật Bản với Pháp và Ðức - các quốc gia đầu tàu Liên hiệp châu Âu cùng chia sẻ ý tưởng củng cố trật tự cân bằng, rộng mở tại khu vực, cũng như với Anh - quốc gia đang tìm kiếm đối tác kinh tế, thương mại mới thời "hậu Brexit".

Tầm nhìn Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở được Bộ tứ kim cương khẳng định là hướng tới hòa bình, ổn định và phồn vinh cho cả khu vực rộng lớn. Song vẫn còn những hoài nghi, khi các thành viên bộ tứ có cách tiếp cận khác nhau, dù cùng chia sẻ các giá trị và mục tiêu chung. Bởi thế, để hiện thực hóa ý tưởng, các bên cần bảo đảm hợp tác đa phương, rộng mở, toàn diện và minh bạch, phù hợp xu thế chung là hòa bình, hợp tác phát triển và cùng có lợi.

LONG QUÂN