Bình luận quốc tế

Tái thiết “mái nhà chung” châu Âu

Một loạt biện pháp cải cách đã được đề xuất tại Hội nghị Tương lai châu Âu vừa diễn ra ở Strasbourg (Pháp), bế mạc hôm 9/5, đúng vào Ngày châu Âu.

Cờ của EU bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 21/8/2020. (Ảnh: Reuters)
Cờ của EU bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 21/8/2020. (Ảnh: Reuters)

Nhiều ý kiến chia sẻ tại hội nghị cho rằng, cải cách sâu rộng là nhiệm vụ cấp bách nhằm tái thiết “liên minh cờ xanh” trở nên mạnh mẽ hơn trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế chuyển biến phức tạp và khó lường.

Hội nghị đã xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của công dân châu Âu, không phân biệt quốc tịch, giới tính, lứa tuổi, hoàn cảnh kinh tế-xã hội, trình độ học vấn, trong đó chủ yếu là giới trẻ, nhằm giúp Liên minh châu Âu (EU) đáp ứng kỳ vọng của người dân tốt hơn. Vào thời điểm hiện tại, những vấn đề người dân châu Âu quan tâm bao trùm chủ đề rộng, từ nền dân chủ châu Âu, vị thế của EU trên thế giới, các vấn đề sức khỏe cộng đồng, sức mạnh kinh tế, công bằng xã hội và việc làm, tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, người nhập cư, cho tới các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thanh niên và thể thao. Các kiến nghị sẽ được Nghị viện châu Âu (EP), Ủy ban châu Âu (EC) và chính phủ các nước EU cân nhắc lựa chọn, bổ sung vào chương trình nghị sự của khối.

Trong số các kiến nghị của dư luận, đáng chú ý, có nhiều ý kiến kêu gọi loại bỏ nguyên tắc “đồng thuận tuyệt đối” trong các quyết định của EU liên quan chính sách đối ngoại, an ninh, thuế, tài chính, cũng như trong các lĩnh vực tư pháp và nội vụ. Những người ủng hộ cải cách cho rằng, nguyên tắc này làm chậm, thậm chí cản trở sự phát triển của EU. Nếu bỏ quy định về quyền phủ quyết, EU sẽ chỉ cần sự ủng hộ của 15 trong 27 nước thành viên, tương đương 65% dân số của khối, để thông qua các quyết định quan trọng.

Theo kế hoạch, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tháng 9 tới sẽ công bố đề xuất cải cách của EU, trong đó có sự thay đổi đối với nguyên tắc nhất trí. Chủ tịch EC nhấn mạnh, giờ là lúc để EU hành động nhằm đáp ứng kỳ vọng của công dân châu Âu tốt hơn nữa.

Với tư cách Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, cũng là một trong những người tiên phong ủng hộ cải cách nội khối, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi EU đẩy nhanh cải cách sâu rộng “liên minh cờ xanh”. Khẳng định châu Âu đã thay đổi nhiều sau các cuộc khủng hoảng gần đây, Tổng thống Pháp đề xuất tạo ra một “cộng đồng chính trị châu Âu” mới, tạo cơ hội cho các quốc gia bên ngoài EU cùng theo đuổi các giá trị cốt lõi của châu Âu. Trong khuôn khổ chuyến thăm tới Đức ngày 10/5, đồng thời là chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định, Pháp sẽ cùng Đức tạo ra một châu Âu mạnh hơn, để sẵn sàng đối phó những thách thức mới và phức tạp hơn.

EP hoan nghênh các ý kiến trao đổi tại Hội nghị Tương lai châu Âu, tuy nhiên các nghị sĩ EU thừa nhận rằng, thực hiện những đề xuất cải cách đòi hỏi phải thay đổi các hiệp ước của EU và đây là một tiến trình lâu dài và phức tạp, cần sự nhất trí cao. Thực tế, bản tổng hợp kiến nghị cải cách tại hội nghị đã vấp phải sự phản đối của một phần ba số các thành viên EU, chủ yếu là các nước ở khu vực Bắc và Đông Âu. Các nước này lập luận rằng, trong bối cảnh liên minh đang nỗ lực vượt qua tác động kinh tế nặng nề do dịch Covid-19, cuộc xung đột tại Ukraine và tình trạng biến đổi khí hậu, thì tiến trình thay đổi các hiệp ước của EU kéo dài sẽ làm giảm sút nguồn lực vốn đang được dồn vào việc giải quyết các thách thức cấp bách hơn và có thể kéo theo sự chia rẽ mới, thậm chí sâu sắc hơn của khối.

Chủ tịch EP Roberta Metsola cho rằng, người dân châu Âu, nhất là những công dân trẻ tuổi, cần được xem là trọng tâm trong tầm nhìn về tương lai của liên minh. Những ý kiến, đề xuất của họ về tương lai của “mái nhà chung EU” đã được xem xét tại hội nghị vừa diễn ra. Điều quan trọng là giới lãnh đạo EU biến những đề xuất đó thành hành động để tái thiết liên minh mạnh mẽ hơn, thúc đẩy cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn.

TRƯỜNG XUÂN