Quan hệ “xuống dốc”

Mối quan hệ giữa Nga và Liên hiệp châu Âu (EU) vốn không mấy tốt đẹp đã tiếp tục “xuống dốc” mạnh những ngày gần đây, trong bối cảnh các động thái “ăn miếng, trả miếng”, trừng phạt - đáp trả giữa hai bên ngày càng gia tăng.

Trong động thái gia tăng căng thẳng quan hệ song phương mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Nga đã cấm nhập cảnh đối với tám quan chức châu Âu từ đầu tháng 5. Theo đó, trong danh sách quan chức EU bị cấm nhập cảnh vào Nga có Chủ tịch Nghị viện châu Âu Đ.Xa-xô-li, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách các vấn đề giá trị và minh bạch V.Giu-rô-va. Động thái này của Nga nhằm đáp trả việc EC đã ra lệnh cấm nhập cảnh sáu quan chức Nga hồi tháng 3 năm nay. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ trích rằng, tất cả các đề xuất từ phía Mát-xcơ-va nhằm giải quyết khúc mắc giữa Nga và EU thông qua đối thoại trực tiếp đều bị phía EU “phớt lờ hoặc từ chối”.

Ngay sau khi Nga thông báo cấm nhập cảnh đối với tám quan chức châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen, Chủ tịch EC U.Lây-en và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Đ.Xa-xô-li đã ra tuyên bố chung lên án quyết định của Nga, cho rằng việc làm của Mát-xcơ-va là “không thể chấp nhận được” và “hoàn toàn không có cơ sở”. Theo đó, phía EU tuyên bố “bảo lưu quyền đưa ra những biện pháp thích hợp để đáp trả”. Những động thái nêu trên cho thấy, một “vòng xoáy đối đầu” mới lại xuất hiện trong mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa Nga và EU. 

Trước khi đưa ra lệnh trừng phạt các quan chức châu Âu, Mát-xcơ-va cũng đã trục xuất một loạt nhân viên ngoại giao của các nước thành viên EU như Séc, Ba Lan, Thụy Sĩ… để trả đũa các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga. Trong tháng 4, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố rằng 20 nhân viên Đại sứ quán Séc ở Mát-xcơ-va là những nhân vật không được hoan nghênh và phải rời Nga. Đây là động thái đáp trả việc Pra-ha tuyên bố trục xuất 18 nhân viên Đại sứ quán Nga do nghi ngờ cơ quan tình báo Nga có liên quan một vụ nổ kho đạn của quân đội Séc hồi năm 2014. Phía Nga đã gọi đây là “hành động thù địch” và “chưa từng có tiền lệ”. 

Hồi tháng 2 năm nay, quan hệ Nga với phương Tây cũng đã “dậy sóng” khi Mát-xcơ-va thông báo trục xuất các nhà ngoại giao của Thụy Điển, Đức và Ba Lan với cáo buộc rằng họ tham gia các cuộc biểu tình trái phép liên quan việc Nga xử tù nhân vật đối lập nhiều tai tiếng A.Na-van-ni, đồng thời kêu gọi trả tự do cho nhân vật này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga M.Da-kha- rô-va khi đó tuyên bố Nga sẽ phản ứng trước mọi trường hợp các sứ quán nước ngoài “can thiệp vào công việc nội bộ” của Nga.

Trong bối cảnh “cuộc chiến trừng phạt” không ngừng gia tăng giữa Nga và EU, Nghị viện châu Âu mới đây ra một nghị quyết tuyên bố Nga không còn là một đối tác chiến lược của EU. Về phía Nga, Bộ trưởng Ngoại giao X.La-vrốp khẳng định với lập trường cứng rắn rằng, Mát-xcơ-va sẵn sàng cắt đứt hoàn toàn quan hệ nếu EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc với Nga.

Giới phân tích nhận định rằng, những bất đồng trong quan hệ Nga - EU những năm qua và đặc biệt thời gian gần đây, có liên quan cuộc cạnh tranh địa - chính trị và tranh giành ảnh hưởng, vị thế trên trường quốc tế cũng như những mâu thuẫn lợi ích cốt lõi giữa Nga với EU nói riêng, Nga và phương Tây nói chung. Tuy nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, Nga và EU cũng như các nước phương Tây khác đều có sự ràng buộc nhất định cả về chính trị, an ninh, kinh tế. Các bên vẫn luôn cần nhau trong hợp tác giải quyết những vấn đề quan trọng như: Kiểm soát vũ khí, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và diệt trừ khủng bố quốc tế, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và ứng phó dịch bệnh.

Những động thái trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và EU gia tăng nhanh gần đây đang gây nhiều quan ngại. Nếu hai bên “ngắt kết nối” quan hệ song phương thì tiến trình đàm phán, giải quyết một loạt vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống của khu vực và toàn cầu có nguy cơ bị đình trệ.