Quan hệ Mỹ- Iran: Hố sâu khó lấp

Các lãnh đạo Mỹ và Iran vừa có những tuyên bố cứng rắn đáp trả lẫn nhau về các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Trong khi Washington hối thúc Tehran nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán, Iran lại coi những yêu sách của Mỹ là "không thể chấp nhận". Hố sâu khác biệt giữa Mỹ và Iran trong vấn đề hạt nhân xem ra chưa thể sớm san lấp.

(Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ðại giáo chủ Ali Khamenei vừa tuyên bố, Tehran sẽ không chấp nhận những yêu cầu "cứng nhắc" của Mỹ trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015. Theo ông Khamenei, Mỹ từng đơn phương rút khỏi thỏa thuận mà "không phải trả giá" nên không có gì bảo đảm Washington sẽ không lặp lại hành động đó một lần nữa. Phía Iran thông báo, các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) sẽ không được nối lại trước khi chính phủ mới của Iran nhậm chức trong tháng 8 này. Song, quyền quyết định cuối cùng của phía Tehran vẫn thuộc về lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.

Ngay lập tức, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tuyên bố tiến trình đàm phán với Iran không thể trì hoãn vô thời hạn và Washington đã "chuẩn bị đầy đủ" để tiếp tục các cuộc thương lượng, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ kiên trì theo đuổi con đường ngoại giao. Theo ông Blinken, Washington sẽ theo dõi động thái của Tehran và sẵn sàng trở lại Vienna để tiếp tục các cuộc đàm phán, nhưng tiến trình sẽ hoàn toàn phụ thuộc phía Iran.

Những tuyên bố cứng rắn được Mỹ và Iran đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ðức) có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã tạm dừng. Kể từ khi nối lại đàm phán vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo), Iran và các bên tham gia JCPOA đã tiến hành sáu vòng đàm phán. Các bên hiện còn bất đồng về những vấn đề trọng tâm như các bước Iran cần thực hiện để trở lại tuân thủ thỏa thuận, cũng như tiến trình nới lỏng trừng phạt mà Mỹ có thể thực hiện đối với Tehran. JCPOA hạn chế Iran làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran năm 2018, Tehran đã dần nới lỏng các cam kết của mình trong thỏa thuận, trong đó có việc nâng mức làm giàu urani lên 60%.

Mỹ và Iran đều chưa có bất cứ động thái nào nhượng bộ nhau, kiên quyết yêu cầu phía bên kia đưa ra và thực thi các cam kết trước. Trước tình hình "căng như dây đàn" hiện nay, dư luận quốc tế bày tỏ lo ngại tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân có nguy cơ đi vào ngõ cụt.