OPEC+ nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác, còn gọi là OPEC+, vừa có quyết định bất ngờ về tăng sản lượng dầu khai thác. Việc này thắp lên hy vọng giảm nhiệt giá "vàng đen" vốn đang ở mức cao.

Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

OPEC+ với 23 thành viên, đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 1/2022. Quyết định này đã làm giảm bớt những chỉ trích của nhiều nước rằng, OPEC+ không mặn mà với việc tăng nguồn cung nhằm giữ giá dầu ở mức cao để kiếm lời. Thật ra, các ý kiến chỉ trích cũng không phải là vô lý, sau quyết định của OPEC+ vào năm 2020 cắt giảm 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu. OPEC+ cũng từng nhiều lần từ chối đề xuất của Mỹ tăng nhanh sản lượng khai thác để kiềm chế đà tăng của giá nhiên liệu. OPEC+ viện lý lẽ tình trạng cung vượt cầu có thể ảnh hưởng đà phục hồi mong manh của ngành năng lượng.

Nhận được tin vui, giá dầu Brent trên thị trường Luân Ðôn ngay lập tức giảm hơn 1 USD/thùng, giao dịch ở mức 70 USD/thùng, còn giá dầu WTI trên thị trường New York giảm 1,24 USD xuống 64,33 USD/thùng, sau một thời gian phi mã. Mỹ cũng đánh giá cao quyết định của OPEC+, cùng với hành động trước đó của Washington mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược, sẽ giúp hạ nhiệt giá dầu, góp phần phục hồi nền kinh tế toàn cầu, vốn đang phủ "gam màu xám" do tác động của đại dịch Covid-19.

Quyết định tăng sản lượng giá dầu khiến nhiều nước thở phào nhẹ nhõm. Bởi, họ đã mòn mỏi chờ đợi các quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới mở kho dự trữ dầu theo lời kêu gọi của Mỹ, nhằm chặn đà tăng của giá năng lượng. Tuy nhiên, các nước này vẫn "án binh bất động". Nhật Bản viện lý do không thể phá luật để mở kho dự trữ nhằm hạ giá dầu. Hàn Quốc cân nhắc lời kêu gọi của Mỹ, nhưng bày tỏ chỉ mở kho trong trường hợp mất cân bằng nguồn cung. Một số quốc gia khác lại chọn cách im lặng. OPEC+ lúc đó lại dự báo nguồn cung toàn cầu sẽ thặng dư trở lại ngay sau tháng 12, thậm chí là dư thừa 2-3 triệu thùng. Trong khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, việc các nước giải phóng kho dự trữ năng lượng không có tác động mạnh đến giá dầu thế giới.

Thị trường nhiên liệu thế giới cũng vừa đón nhận tín hiệu vui, còn người tiêu dùng sẽ có thêm lựa chọn, khi một tập đoàn của Brazil chuẩn bị sản xuất nhiên liệu "diesel xanh". Tập đoàn BioFuels đầu tư 1,8 tỷ real (khoảng 321 triệu USD) để xây dựng nhà máy sản xuất dầu thực vật được xử lý bằng hydro (HVO), với công suất 500 triệu lít/năm và dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2025. Ðiều hay là, dầu HVO được sản xuất thông qua quá trình chế biến các nguyên liệu thô tái tạo như dầu cọ và đậu nành, song cũng có thể được trộn lẫn với dầu thực vật hoặc mỡ động vật.

Sử dụng "diesel xanh" thay thế nhiên liệu hóa thạch thông thường sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí. Việc OPEC+ tăng sản lượng dầu khai thác, cùng với tương lai hứa hẹn của dầu "diesel xanh" rõ ràng là thông tin tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 với biến thể Omicron đầy nguy hiểm vẫn phủ bóng đen trên toàn thế giới.