Nước Đức trước vòng xoáy lạm phát

Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) tăng dự báo lạm phát của Đức lên 7,1% và giảm hơn một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế xuống còn 1,9% trong năm 2022, trước bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt. Vòng xoáy lạm phát gây rủi ro cho nền kinh tế Đức và cản trở tốc độ phục hồi của “đầu tàu” kinh tế châu Âu.

Một siêu thị tại Đức, tháng 3/2020. Ảnh: Reuters
Một siêu thị tại Đức, tháng 3/2020. Ảnh: Reuters

Sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 của Đức được dự báo có thể vẫn tiếp tục, song với tốc độ chậm hơn đáng kể so dự báo do lạm phát. Cuộc xung đột Nga-Ukraine dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế. Theo dự báo mới, tỷ lệ lạm phát hằng năm của Đức có thể tăng lên 7,1% năm 2022, cao hơn nhiều so dự báo đưa ra tháng 3 vừa qua là 5% và 3,6% hồi tháng 12/2021. Chủ tịch Ngân hàng Bundesbank (Đức) Joachim Nagel (G.Na-ghen) cảnh báo, lạm phát có thể còn tồi tệ hơn, thậm chí có thể cao hơn mức của đầu những năm 1980 nếu giá cả tiếp tục nhảy vọt.

Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao ở Đức nói riêng và toàn bộ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói chung là do giá năng lượng và lương thực tăng mạnh. Xu hướng tăng giá năng lượng đã duy trì trong thời gian dài và càng trở nên trầm trọng hơn sau khi xung đột bùng phát tại Ukraine. Giống như tại nhiều quốc gia khác, giá tiêu dùng tại Đức bị đẩy lên cao do xung đột tại Ukraine và sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng ở châu Á, nhất là chi phí dành cho năng lượng tăng vọt. Tỷ lệ lạm phát cao là gánh nặng cho người dân và các doanh nghiệp Đức, khiến sức mua của người tiêu dùng giảm sút.

Sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tác động của lạm phát cao sẽ là yếu tố quyết định đối với nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2022. Theo dự báo của Bundesbank, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Đức sẽ chỉ đạt 1,9% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức dự báo 4,2% đưa ra trước đó. Ngân hàng này cũng dự kiến lạm phát của Đức sẽ là 4,5% năm 2023 và 2,6% năm 2024, cao hơn mức dự báo trước đó là 2,2% cùng cho cả hai năm này. Giới phân tích dự đoán, giá năng lượng có thể bắt đầu giảm và các nút thắt về nguồn cung cũng dần dịu bớt. Tuy nhiên, Bundesbank nhận định, lạm phát cao đột biến có thể sẽ gây bất ổn và làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng. Theo thống kê, giá năng lượng trong tháng 5 đã tăng 38,3% so cùng kỳ năm 2021, trong khi giá lương thực tăng ở mức 11,1%. Ngoài ra, tương tự như trong đại dịch Covid-19, các ngành công nghiệp của Đức đang phải vật lộn với khó khăn về các chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản phẩm trung gian đầu vào, khiến các sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn.

Việc kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong chính sách tài khóa của Bộ Tài chính Đức, với mục tiêu phá vỡ vòng xoáy lạm phát hiện tại. Một trong những biện pháp mà Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner (C.Lin-nơ) nhấn mạnh là chấm dứt chính sách tài chính mở rộng đã thực hiện trong những năm qua. Ông cảnh báo, lạm phát cao là “một rủi ro kinh tế to lớn” và cần có các biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng này. Theo các chuyên gia, việc giảm giá nhiên liệu và các biện pháp hỗ trợ khác của Chính phủ Đức sẽ bảo đảm tỷ lệ lạm phát không tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Chủ tịch Bundesbank Joachim Nagel cũng kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có hành động kiên quyết để kiềm chế giá cả tăng vọt. Nhằm hưởng ứng các nỗ lực kiềm chế lạm phát mà các ngân hàng trung ương khác đang tiến hành, ECB đã công bố kế hoạch về tăng lãi suất trong những tháng tới, theo đó tăng lãi suất cơ bản lên 25 điểm vào ngày 21/7 tới. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong hơn 10 năm qua. Ngân hàng này cũng để ngỏ khả năng tiếp tục đưa ra mức tăng lãi suất thậm chí còn lớn hơn vào tháng 9 tới.

Bên cạnh các biện pháp tài khóa tạm thời và thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, Chính phủ Đức nói riêng và các nước châu Âu phải nỗ lực tìm kiếm các biện pháp nhằm đối phó tác động của cuộc xung đột tại Ukraine có thể sẽ còn nặng nề hơn dự tính và diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19. Duy trì đà phục hồi là thách thức lớn của nền kinh tế đầu tàu châu Âu trong bối cảnh hiện nay.