Nguy cơ khủng hoảng năng lượng cản đà phục hồi kinh tế

Trong nỗ lực chuyển sang trạng thái bình thường mới, sau thời gian dài “tê liệt” do các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19 nhiều nước lại đối mặt nguy cơ khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, cản trở đà phục hồi kinh tế vốn còn rất mong manh.

Công nhân kiểm tra định kỳ hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại trung tâm kiểm soát khí tự nhiên ở Hajduszoboszlo, cách Budapest (Hungary) hơn 200km về phía Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân kiểm tra định kỳ hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại trung tâm kiểm soát khí tự nhiên ở Hajduszoboszlo, cách Budapest (Hungary) hơn 200km về phía Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cầu vượt cung khiến giá khí đốt và giá điện ở châu Âu tuần qua tăng cao kỷ lục. Tại Anh, hàng loạt trạm xăng dầu treo biển dừng phục vụ, do giá bán buôn nhiên liệu tăng mạnh, tình trạng thiếu lái xe tải khiến hoạt động vận chuyển đình trệ. Trong một giải pháp tình thế, chính phủ Anh phải điều động binh sĩ tham gia lái xe bồn chở nhiên liệu tới các trạm xăng.

Để ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng, các Bộ trưởng Tài chính các quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) đã nhóm họp, thảo luận khả năng ký hợp đồng mua chung khí đốt. Song, nỗ lực này chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Chính phủ Bỉ cho biết, dự luật năng lượng thuộc thẩm quyền quốc gia, do đó Bỉ sẽ tự giải quyết cuộc khủng hoảng. Pháp và Tây Ban Nha lại chỉ trích các quy tắc về vận hành thị trường điện ở châu Âu.

Tại châu Á, tình trạng khó khăn cũng tương tự. Trung Quốc thiếu điện diện rộng, mà nguyên nhân được cho là nhu cầu sử dụng năng lượng tăng đột ngột. Do thiếu điện, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua lần đầu giảm kể từ đầu năm 2021. Ấn Độ cũng đứng trước khủng hoảng nguồn cung năng lượng trong bối cảnh thiếu hụt than đá, nguồn nhiên liệu tạo ra gần 75% tổng sản lượng điện của đất nước.

Giá dầu thô tại Mỹ hôm 5/10 lên mức cao nhất trong bảy năm qua. Bất chấp áp lực từ việc Mỹ tăng sản lượng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vẫn quyết định duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày, ít nhất đến tháng 11 tới, với lý do ổn định thị trường. Giá dầu lên cao có lợi cho các nhà sản xuất, khi tăng khối lượng và doanh thu từ xuất khẩu dầu, song lại có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Tuy đưa ra các khoảng thời gian khác nhau để thế giới có thể khắc phục vấn đề nguồn cung năng lượng, song phần lớn chuyên gia chia sẻ nhận định, Covid-19 vẫn là cản trở lớn nhất đối với tiến trình phục hồi kinh tế. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, thương mại toàn cầu không thể trở lại bình thường nếu vẫn có người chết do dịch bệnh.

Covid-19 tiếp tục tác động nghiêm trọng mọi hoạt động của thế giới. Khủng hoảng năng lượng càng chứng minh tầm quan trọng của sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng. Không quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết khủng hoảng mà không có sự phối hợp đồng đều với các bên trong môi trường toàn cầu hóa sâu rộng ngày nay.