Mỹ và Mexico "gieo cơ hội" giải bài toán di cư hóc búa

Mỹ và Mexico vừa công bố chương trình mang tên "Gieo cơ hội" nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội cho các quốc gia Trung Mỹ. Đây là bước đi cấp thiết, góp phần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bài toán di cư hóc búa, vốn đã đeo đẳng những "miền đất hứa" như Mỹ, Canada… trong nhiều năm qua.

Người tị nạn Honduras di chuyển qua Camotan, Guatemala trong hành trình tới Mỹ ngày 16/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người tị nạn Honduras di chuyển qua Camotan, Guatemala trong hành trình tới Mỹ ngày 16/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp rủi ro về bệnh tật, bị bắt cóc, thậm chí bị giết hại, mỗi năm, vẫn có khoảng 500.000 người từ các quốc gia Trung Mỹ lựa chọn dấn bước trên hành trình chông gai, nuôi hy vọng chạm đến "giấc mơ Mỹ". Đằng sau những giấc mơ kia là hiện thực tàn khốc. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thông báo, trong số 19.000 trẻ em di cư vượt biên giới giữa Colombia và Panama bằng cách băng rừng nhiệt đới Darien trong năm 2021, có ít nhất 5 trẻ em chết, gần 30 trẻ em bị xâm hại. Cuộc sống thiếu thốn lương thực, thuốc men, cùng cảnh "màn trời, chiếu đất" giữa thời tiết khắc nghiệt khiến số phận của những người di cư trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Dù vậy, tình trạng di cư trái phép tại Trung Mỹ vẫn tiếp tục lan rộng. Ngay lúc này, nhiều người từ khu vực Trung Mỹ đang mắc kẹt ở biên giới phía nam của Mexico, giáp Guatemala và tại khu vực biên giới Mexico-Mỹ.

Đói nghèo, bạo lực và thiên tai là nguồn cơn khiến những người dân ở Haiti, Guatemala, Honduras, El Salvador… tìm cách đến Mỹ. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 càng khiến vấn đề di cư thêm trầm trọng. Theo Liên hợp quốc, tỷ lệ nghèo đói tại các quốc gia Mỹ Latin đạt mức 9,1%, mức cao nhất trong 15 năm trở lại đây. Đại dịch đã giáng một đòn nặng nề vào thị trường việc làm, đẩy người dân vào cảnh khốn đốn. Tính riêng trong giai đoạn 2019-2020, số người không được tiếp cận đủ lương thực tại Mỹ Latin tăng từ mức 13,8 triệu người lên 59,7 triệu người. Kể cả trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, mất an ninh lương thực đã là "căn bệnh trầm kha" của khu vực này. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện tại Guatemala, Honduras và El Salvador, có đến 92% số người được hỏi cho biết, khó khăn kinh tế là động lực chính thôi thúc họ rời bỏ quê hương.

Trong gần một năm trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực triển khai các gói đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội nhằm tạo "bức tường thịnh vượng" ở Trung Mỹ, điểm khởi nguồn của làn sóng di cư. Chương trình "Gieo cơ hội" mà Mỹ và Mexico công bố mới đây là một phần trong hàng loạt nỗ lực mà Mỹ thúc đẩy nhằm chặn làn sóng di cư ngay từ gốc rễ. Chương trình này được triển khai trước tiên tại Honduras, hướng tới hỗ trợ giới trẻ Trung Mỹ thông qua cấp học bổng dạy nghề, tài trợ cho các dự án phát triển nông nghiệp và phát triển lực lượng lao động thanh niên. Trước đó, Mỹ và Mexico cũng ký bản ghi nhớ hợp tác về đẩy mạnh phúc lợi xã hội ở Trung Mỹ, nhân rộng các chương trình như trồng rừng, cấp học bổng cho sinh viên...

Ngay khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo "xứ cờ hoa" Joe Biden đã ký một loạt sắc lệnh đảo ngược chính sách nhập cư cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm, đưa ra những cách tiếp cận nhân đạo hơn. Song không ít ý kiến cho rằng, chính sách này khuyến khích thêm nhiều người vượt biên vào Mỹ một cách bất hợp pháp. Thực tế cho thấy, những tháng qua, số lượng người di cư Trung Mỹ đến sát biên giới của Mỹ tăng nhanh, tạo sức ép đối với Nhà trắng. Trong một cuộc khảo sát gần đây, 57% số người Mỹ được hỏi cho rằng, ông Joe Biden không đủ cứng rắn về vấn đề nhập cư. Đối mặt những ý kiến trái chiều, Tổng thống Joe Biden thừa nhận, không dễ dàng gì để giải quyết một bài toán nan giải lâu năm với nước Mỹ, song ông cũng khẳng định không thể để mặc trẻ em di cư chết đói và kẹt lại ở phía bên kia biên giới.

Dòng người di cư vẫn ùn ùn tìm đến "miền đất hứa" với hy vọng cải thiện cuộc sống. Việc Mỹ phối hợp các nước tìm cách giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bài toán di cư hóc búa, đó là xóa bỏ nghèo đói, bạo lực... tại khu vực Trung Mỹ, là bước đi đúng hướng và cần thiết. Điều này khẳng định quyết tâm của Washington tiếp cận vấn đề di cư theo hướng toàn diện và bền vững, dù rằng, những giải pháp căn cơ này cần nhiều thời gian và nỗ lực bền bỉ mới cho thấy kết quả.