Mỹ, Anh và Australia chia sẻ lợi ích chiến lược

Mỹ vừa thông báo cùng Anh và Australia thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Bước đi này tái khẳng định quyết tâm của Washington nhằm tăng cường tham gia các cơ chế an ninh ở khu vực rộng lớn, nơi được đặt vào trọng tâm chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Tổng thống Biden họp trực tuyến cùng Thủ tướng Anh Johnson và Thủ tướng Australia Morrison. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Tổng thống Biden họp trực tuyến cùng Thủ tướng Anh Johnson và Thủ tướng Australia Morrison. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia, còn gọi là nhóm AUKUS, Washington và London sẽ hỗ trợ Canberra về công nghệ và năng lực triển khai tàu ngầm hạt nhân. Mối quan hệ này cũng bao gồm hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và không gian mạng. Theo giới chức Mỹ, đây là quyết định "mang tính lịch sử" của Washington, nhằm góp phần duy trì ổn định trên toàn bộ khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Lời cam kết chung tay xây dựng một khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương ổn định, hòa bình, tự do và rộng mở đã được Mỹ triển khai mạnh mẽ, qua hàng loạt hoạt động ngoại giao thời gian qua. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Ðông Nam Á, nơi được giới chức Mỹ nhận định là "trái tim của châu Á" và có thể quyết định sự thành bại trong đường lối ngoại giao của "xứ cờ hoa" ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Ðiểm nhấn trong chuyến công du là lễ khai trương Văn phòng khu vực Ðông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ. Ðiều này góp phần quan trọng khắc họa hình ảnh nước Mỹ tại khu vực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Vấn đề sản xuất, phân phối vaccine đang là "tiêu điểm" của hầu hết các cuộc thảo luận trên toàn cầu. Washington nỗ lực tận dụng cơ hội này, thông qua các cam kết hỗ trợ chống dịch, để thúc đẩy vấn đề Mỹ gọi là "chính sách ngoại giao uy tín" ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Tại Hội nghị cấp cao đầu tiên của "Bộ tứ kim cương", gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Ðộ, diễn ra hồi tháng 3/2021, nhóm này khẳng định sẽ hợp tác nhằm mở rộng sản xuất vaccine có giá cả phải chăng và an toàn, cũng như thúc đẩy tiếp cận bình đẳng để có thể cung cấp 1 tỷ liều vaccine ở châu Á vào cuối năm 2022.

Cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược tại không gian rộng lớn Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, việc Mỹ và các nước đẩy mạnh các sáng kiến kết nối ở khu vực là điều dễ hiểu, nhất là khi cạnh tranh nước lớn ngày một gia tăng và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi dịch bệnh, khủng hoảng khí hậu...

BẢO KHÁNH