Mối đe dọa tiềm tàng

Các lực lượng tác chiến đặc biệt Mỹ vừa tiêu diệt Abu Ibrahim al-Hashimi Al-Qurayshi, thủ lĩnh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), trong một chiến dịch truy quét khủng bố lớn nhất ở Tây Bắc Syria kể từ năm 2019. Hoạt động quân sự này được Lầu năm góc tiến hành khi Liên hợp quốc cảnh báo “mối đe dọa IS trở lại” ở khu vực được xem là đại bản doanh cuối cùng của lực lượng chống Chính phủ Syria.

Binh sĩ Mỹ tuần tra tại làng Jawadiyah, thuộc tỉnh Hasakeh, Syria, ngày 30/8/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Binh sĩ Mỹ tuần tra tại làng Jawadiyah, thuộc tỉnh Hasakeh, Syria, ngày 30/8/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tổng thống Joe Biden tuyên bố, các lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ đã thực hiện thành công chiến dịch truy quét khủng bố ở Tây Bắc Syria. Chỉ đạo thực hiện chiến dịch này là Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động không kích ở Syria. Một số nhóm thánh chiến có quan hệ với Al-Qaeda đang gia tăng hoạt động ở khu vực này và nơi đây cũng được cho là căn cứ ẩn náu của các thủ lĩnh IS. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất kể từ sau vụ thủ lĩnh Abu Bakr Al-Baghdadi của IS bị tiêu diệt trong các chiến dịch đặc biệt của quân đội Mỹ vào năm 2019.

Chiến dịch truy quét khủng bố mà Mỹ phát động ở Syria trong bối cảnh gần đây IS gia tăng hoạt động, trong đó có hai vụ tấn công tại khu vực miền Đông và miền Trung Syria. Giới phân tích cảnh báo, các tay súng có quan hệ với IS dường như có kế hoạch tiến hành thêm nhiều vụ tấn công đẫm máu ở Syria trong năm 2022. Theo báo cáo của LHQ, ước tính khoảng 10.000 tay súng IS vẫn đang hoạt động trên khắp vùng lãnh thổ Syria và Iraq.

Làn sóng bạo lực mới nhất trỗi dậy tại tỉnh Al-Hasakah ở Đông Bắc Syria, trong đó có vụ tấn công của IS vào nhà tù Ghwayran do lực lượng dân quân người Kurd ở Syria kiểm soát. Các phần tử IS đã tiến hành cuộc tấn công nhằm giải cứu các tay súng đang bị giam giữ trong cơ sở lớn nhất của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – lực lượng tập hợp người Kurd ở Syria. Được sự hỗ trợ của quân đội Mỹ, SDF đã siết chặt vòng vây nhà tù ở thành phố Al-Hasakah. Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành các cuộc không kích nhằm hỗ trợ SDF tấn công các mục tiêu IS bên trong và chung quanh nhà tù.

Trong khi đó, quân đội Jordan mới đây thông báo đã tiêu diệt 27 đối tượng buôn bán ma túy trong vụ đụng độ khi những tên này tìm cách vượt biên từ Syria sang. Nhóm này được một tổ chức có vũ trang hậu thuẫn. Đây cũng là vụ đụng độ đẫm máu nhất kể từ khi quân đội Jordan tiến hành các chiến dịch truy quét các đường dây buôn bán và vận chuyển ma túy dọc biên giới với Syria. Thời gian gần đây, các đường dây này hoạt động mạnh hơn, cho thấy tình hình an ninh ở các khu vực biên giới Syria vẫn đáng lo ngại.

Sau khi thất thủ hồi tháng 3/2019, IS mở các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd và chính quyền Syria. Hầu hết các cuộc tấn công có quy mô nhỏ lẻ, nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở dầu khí ở những vùng hẻo lánh. Do đó, nhiều người lo ngại vụ phá ngục ở Al-Hasakah có thể đánh dấu giai đoạn mới trong nỗ lực hoạt động trở lại của IS.

Trong khi đó, gần đây, 11 binh sĩ Iraq đã chết trong vụ tấn công của IS nhằm vào một căn cứ quân sự ở tỉnh Diyala. Các tay súng IS đã gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Iraq ở các tỉnh mà tổ chức này từng chiếm đóng. Dù tình hình an ninh tại Iraq nhìn chung được cải thiện sau khi IS bị đánh bại vào tháng 12/2017, nhưng tàn quân IS vẫn ẩn náu tại các khu vực hẻo lánh, hoang mạc và thực hiện các vụ tấn công nhỏ lẻ nhằm vào các lực lượng an ninh và dân thường.

Sau khi tuyên bố đã đập tan âm mưu của IS nhằm thành lập “Vương quốc Hồi giáo” trên các vùng lãnh thổ Iraq và Syria, Mỹ đã rút phần lớn binh sĩ khỏi hai quốc gia Trung Đông này. Từ năm 2020, Mỹ duy trì khoảng 2.500 binh sĩ tại Iraq, và trên thực tế, chủ yếu chỉ tham gia hoạt động huấn luyện và cố vấn. Cuối năm vừa qua, Thủ tướng Iraq đã xác nhận sứ mệnh chiến đấu của lực lượng liên quân kết thúc sau khi các binh sĩ nước ngoài rút khỏi Iraq. Hiện vẫn còn khoảng 900 binh sĩ Mỹ ở Đông Bắc Syria và căn cứ Al-Tanf ở miền nam, giáp biên giới Iraq và Jordan.

Với một lực lượng tương đối mỏng được triển khai tại những nơi từng là điểm nóng của các chiến dịch chống khủng bố, Mỹ và các đồng minh tiếp tục phải đối phó những thách thức không nhỏ trước các mối đe dọa tiềm tàng từ IS. Các phần tử IS vẫn được cho là đang chờ thời cơ để có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào, đe dọa an ninh và sự ổn định của Trung Đông.