Mối đe dọa

Cuộc chính biến lần thứ hai xảy ra trong vòng chín tháng qua ở Ma-li đẩy quốc gia Tây Phi này vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Cộng đồng quốc tế, nhất là các cường quốc phương Tây, lo ngại tình hình bất ổn ở Ma-li sẽ cản trở cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Xa-hen.

Các binh sĩ Ma-li bất mãn về việc cải tổ chính phủ đã bắt giữ Tổng thống và Thủ tướng chính phủ lâm thời để gây sức ép đòi hai nhà lãnh đạo này từ chức. Nguyên do là danh sách thành viên chính phủ mới không làm hài lòng một số nhân vật trong quân đội. Hai vị lãnh đạo này buộc phải tuyên bố từ chức và được trả tự do sau ba ngày bị giam giữ. Vụ việc dấy lên lo ngại trong bối cảnh chính phủ lâm thời Ma-li đang trong quá trình kiện toàn nhân sự sau vụ đảo chính tháng 8-2020, vốn lật đổ Tổng thống lúc đó là I.Cây-ta, đẩy Ma-li vào khủng hoảng chính trị sâu sắc. Từ đó đến nay, chính phủ lâm thời Ma-li đối mặt một giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn. Tiến trình xây dựng bộ máy nhà nước Ma-li đứng trước nhiều thách thức do bất bình về vai trò chi phối của quân đội và các chương trình cải cách chậm được triển khai. Quốc gia Tây Phi chìm trong mối đe dọa về an ninh, trong khi các phần tử thánh chiến không ngừng hoạt động chống phá.

Tình hình bất ổn ở Ma-li gây lo ngại có thể làm mất ổn định khu vực. Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Ma-li. Các nhà lãnh đạo châu Phi và các nước trong khu vực yêu cầu Ma-li tuân theo cam kết tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 2-2022 sau thời gian chuyển tiếp kéo dài 18 tháng kể từ cuộc chính biến năm ngoái. ECOWAS từng đóng cửa biên giới trên bộ với Ma-li và dừng mọi giao dịch tài chính với nước này. Các lệnh trừng phạt đã khiến kim ngạch xuất khẩu của Ma-li sụt giảm 30%. 

ECOWAS và phương Tây lo ngại khủng hoảng chính trị kéo theo bất ổn hơn nữa ở miền bắc và miền trung Ma-li, nơi bị coi là “căn cứ địa” của các nhánh An Kê-đa Ma-li và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Quân đội Pháp hiện triển khai hơn 5.000 binh sĩ ở Ma-li và các nước trong khu vực để hỗ trợ các lực lượng địa phương chống phần tử cực đoan. Đức cũng triển khai vài trăm binh sĩ trong Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Ma-li (MINUSMA) và Phái bộ huấn luyện của Liên hiệp châu Âu (EU) tại Ma-li (EUTM). Pháp và Đức đều nhấn mạnh sự cần thiết duy trì hai phái bộ này ở Ma-li. Tổng thống Pháp Ê.Ma-crông cho rằng, một mình quân đội Pháp không thể chống chủ nghĩa khủng bố ở khu vực Xa-hen và các thể chế chính trị ổn định ở Ma-li có vai trò nhất định trong cuộc chiến này. Thủ tướng Đức A.Méc-ken phản đối việc rút các lực lượng vũ trang Đức khỏi Ma-li sau cuộc chính biến vừa qua; khẳng định sự hiện diện của binh sĩ Đức tại thực địa rất quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực. An ninh ở Xa-hen gắn liền với lợi ích của phương Tây. Các quốc gia ở khu vực Xa-hen mất ổn định, các nhóm khủng bố thừa cơ “đục nước béo cò” để hoành hành, không chỉ gây hậu quả nhân đạo trực tiếp cho hàng triệu người ở châu Phi, mà còn đe dọa lợi ích của phương Tây ở khu vực. 

Sau cuộc chính biến mới đây, Tòa án Hiến pháp Ma-li đã công bố Phó Tổng thống, Đại tá A.Gôi-ta sẽ là Tổng thống chuyển tiếp ở quốc gia Tây Phi. Thông báo của Tòa án Hiến pháp khẳng định, Đại tá Gôi-ta sẽ lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp trực tuyến, thảo luận về diễn biến phức tạp tại Ma-li, bày tỏ lo ngại biến động chính trị tạo rủi ro cho tiến trình chuyển tiếp chính trị, cũng như việc triển khai Hiệp định Hòa bình năm 2015. 

Cộng đồng quốc tế kêu gọi các phe phái ở Ma-li hóa giải khác biệt thông qua đối thoại và nhanh chóng thiết lập lại trật tự Hiến pháp, khôi phục chính quyền dân sự. Tiến trình chuyển tiếp ở Ma-li suôn sẻ sẽ góp phần vào các nỗ lực quốc tế nhằm duy trì ổn định, tăng cường chống khủng bố ở Xa-hen, khu vực vốn là điểm nóng an ninh ở châu Phi.