Mở lối khai thông bế tắc

Việc các đảng phái chính trị đối lập ở I-xra-en thông báo đạt thoả thuận thành lập chính phủ liên hiệp mới mở lối khai thông bế tắc trên chính trường I-xra-en. Tuy nhiên, động thái này cũng đặt Thủ tướng đương nhiệm B.Nê-ta-ni-a-hu trước viễn cảnh chấm dứt sự nghiệp cầm quyền kéo dài kỷ lục hơn 10 năm của ông.

Chính trường I-xra-en rơi vào cuộc khủng hoảng kéo dài khi trong vòng hai năm qua đã phải tiến hành bốn cuộc bầu cử mà chưa thể thành lập chính phủ mới. Sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 23-3 vừa qua không đảng nào giành đủ tối thiểu 61 ghế để đứng ra thành lập chính phủ, Tổng thống I-xra-en đã phải trao quyền đàm phán thành lập chính phủ cho Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu, người đứng đầu đảng Likud giành số ghế cao nhất. Tuy nhiên, ông Nê-ta-ni-a-hu đã thất bại sau khi khối cánh hữu tôn giáo của ông không tập hợp đủ lực lượng, vì vậy phải nhường lại quyền thành lập chính phủ cho lãnh đạo đảng Yesh Atid đối lập, ông Y.La-pít. Vào hạn chót ngày 2-6 vừa qua, ông La-pít đã chính thức thông báo với Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội về việc đạt được thỏa thuận với các đảng phái liên minh để thành lập chính phủ mới, nhằm thay thế cho chính phủ hiện nay của Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu. Tổng thống I-xra-en đã gọi điện chúc mừng ông La-pít.
 
 Để có thể vận động được sự ủng hộ của các đảng đại diện cho tối thiểu 61 ghế trong Quốc hội I-xra-en (Knesset), ông La-pít đã có được “quân bài” quyết định từ ông N.Ben-nét, lãnh đạo đảng Yamina. Theo thỏa thuận giữa các bên, ông Ben-nét và ông La-pít sẽ luân phiên nhau làm thủ tướng trong chính phủ mới có tên gọi là “Chính phủ thay đổi”. Ông Ben-nét, 49 tuổi, một cựu Bộ trưởng Quốc phòng và là triệu phú công nghệ cao, sẽ trở thành thủ tướng và trao lại chức vụ này trong khoảng hai năm cho ông La-pít, 57 tuổi, cựu Bộ trưởng Tài chính.
 
 Tuy nhiên, thỏa thuận thành lập chính phủ còn cần phải được Knesset thông qua mới có hiệu lực, do vậy được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Theo các nhà phân tích, còn tồn tại nhiều khác biệt giữa các đảng phái trong chính phủ liên kết bao gồm các đảng cánh hữu, cánh tả và đảng của người gốc A-rập.
 
 Lần đầu trong lịch sử I-xra-en, một đảng đại diện cho dân tộc thiểu số gồm 21% người A-rập, tham gia chính phủ liên hiệp. Trong khi đó, tại cuộc bầu cử vừa qua, nếu tính cả số ghế của hai đảng Yamina và Ra’am, phe đối lập của ông La-pít chỉ vượt mức tối thiểu không nhiều. Vì vậy, vẫn còn khả năng phe của Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu sẽ vận động một số nghị sĩ trong liên minh đối lập phủ quyết việc này. Phiên họp quốc hội có thể kéo dài tới 12 ngày sắp tới sẽ là thời gian để ông Nê-ta-ni-a-hu tìm cách để xoay chuyển tình thế. Ông kêu gọi tất cả các nhà lập pháp được bầu bởi lá phiếu của cánh hữu phản đối chính phủ.
 
 Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu, người đang đối mặt các phiên tòa hình sự với cáo buộc lừa dối, hối lộ và bất tín, sẽ không từ bỏ nỗ lực “lật ngược thế cờ”. Ông Nê-ta-ni-a-hu được cho là sẽ tung ra các “nước cờ” tiếp theo, trong đó có “kịch bản” chọn hoạt động ở phe đối lập và chờ cơ hội khi các đối thủ chính trị suy yếu. Ông Nê-ta-ni-a-hu từng ở vị trí đối lập trước khi giữ ghế thủ tướng suốt 12 năm qua. Với vị trí như vậy vẫn sẽ giúp ông có quyền lực cần thiết trong cuộc chiến pháp lý mà ông đang đối mặt. Thêm vào đó, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu vốn nắm trong tay số người ủng hộ vững chắc, là lý do ông đã giành 30 trong tổng số 120 ghế quốc hội trong vòng bầu cử tháng 3 vừa qua.
 
 Chính phủ mới ở I-xra-en, nếu tuyên thệ nhậm chức, sẽ đứng trước “phép thử” không dễ dàng khi phải thông qua ngân sách, vấn đề từng đánh đổ các liên minh trong quá khứ. Do bế tắc chính trị kéo dài, I-xra-en vẫn đang sử dụng phiên bản theo tỷ lệ của ngân sách cơ sở năm 2019 được phê duyệt vào giữa năm 2018. Tái thiết nền kinh tế sau đại dịch, giải quyết tỷ lệ thất nghiệp cao, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, đối phó mối lo ngại an ninh cũng là những vấn đề đầy thách thức đối với chính phủ mới của I-xra-en. Bên cạnh những vấn đề kinh tế, xã hội cần giải quyết, các đảng phái tham gia chính phủ liên hiệp mới ở I-xra-en vẫn phải thu hẹp các khác biệt sâu sắc mới có thể củng cố vị thế vững chắc, trong bối cảnh chính trường I-xra-en được dự báo chưa thể hết “sóng gió”.