Lời cảnh báo từ những dòng sông băng

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, các sông băng ở Áo và Thụy Sĩ có thể thu hẹp hoặc biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ 21 do tình trạng ấm lên toàn cầu. Sự biến mất dần của những dòng sông cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan chính là hồi chuông thúc giục cộng đồng quốc tế trách nhiệm hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Sông băng Trient quan sát vào tháng 8/2019, so với một bức ảnh chụp cùng vị trí vào năm 1891.
Sông băng Trient quan sát vào tháng 8/2019, so với một bức ảnh chụp cùng vị trí vào năm 1891.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang tồn tại, chưa biết khi nào mới kết thúc. Giữa lúc này, toàn thế giới còn phải căng sức chống chọi một vấn đề nghiêm trọng khác, đó là cuộc khủng hoảng khí hậu với diễn biến ngày càng nhanh và khó lường, kéo theo nhiều hệ quả xấu về môi trường sống và sức khỏe con người. Theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas (P.Ta-lát), những dòng sông băng ở Áo có thể biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ 21.

Ở một quốc gia châu Âu khác là Thuỵ Sĩ, các sông băng cũng được dự báo sẽ thu hẹp chỉ còn bằng 5% kích thước hiện nay vào cuối thế kỷ 21. Sự tan chảy của các sông băng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và hoạt động sản xuất điện. Ở Ethiopia, hơn 11 triệu người đang vật lộn với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Cũng ở châu Phi, Nam Phi đang phải khắc phục hậu quả từ trận mưa lũ bất thường hồi tháng 4 vừa qua, từng cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và gây thiệt hại lên tới 1,5 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và đòi hỏi phải có một chiến lược ứng phó khẩn cấp trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra rằng, nhận thức của con người về biến đổi khí hậu vẫn còn tồn tại những lỗ hổng, dẫn đến các cam kết và hành động chưa đủ quyết liệt. Tổ chức Carbon Tracker, một tổ chức chuyên theo dõi về tác động của biến đổi khí hậu đối với thị trường tài chính, cho biết cam kết về khí hậu của các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới đều “thiếu độ tin cậy”, bởi lẽ các tập đoàn này vẫn phụ thuộc vào công nghệ tốn kém để giảm khí thải nhưng lại duy trì sản xuất những loại năng lượng gây ô nhiễm. Cũng theo Carbon Tracker, trong số 15 công ty năng lượng hàng đầu thế giới, đến nay, mới chỉ có bốn công ty đưa ra những cam kết cụ thể về cắt giảm khí thải.

WMO và Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh nhận định, lượng khí thải toàn cầu đang gia tăng khi các nước đẩy mạnh hoạt động phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Năm 2021, lượng khí CO2 và methane phát thải trong khí quyển đã tăng lên mức cao kỷ lục. Tình hình căng thẳng ở Ukraine cũng gây thêm trở ngại cho các nỗ lực hợp tác khí hậu, khi một số quốc gia có kế hoạch sử dụng nhiều than đá hơn để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga. Thực tế này càng khiến chặng đường đạt được các mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trở nên gian truân.

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland năm 2021 từng được coi là một dấu ấn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, khi 197 quốc gia nhất trí theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 oC. Nhiều nước cũng công bố thời hạn cụ thể để đưa mức phát thải ròng về 0 và cam kết giảm phát thải khí methane. Thế nhưng, con đường để đi từ cam kết đến hành động cụ thể đòi hỏi nhiều quyết tâm và nỗ lực, nhất là khi việc giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác như đại dịch Covid-19 hay tình hình ở Ukraine đang khiến nhiều quốc gia khó tập trung vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Chỉ còn nửa năm nữa dự kiến diễn ra Hội nghị COP27 tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập. Để hội nghị này thật sự trở thành nơi chứng kiến “những bước ngoặt” như Liên hợp quốc từng kỳ vọng, các quốc gia cần tăng tốc và quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang thách thức toàn nhân loại.