Lỗ hổng nhân lực của ngành hàng không

Một cuộc khủng hoảng lao động trầm trọng đang xảy ra với ngành hàng không toàn cầu, trong bối cảnh các quốc gia đồng loạt mở cửa biên giới trở lại sau thời gian "cửa đóng, then cài" vì dịch Covid-19. Khoảng trống về nhân lực này chính là thách thức không thể xem nhẹ trên chặng đường phục hồi du lịch.

Hành khách đeo khẩu trang khi tới sân bay Malaga-Costa del Sol, tại Tây Ban Nha, ngày 7/6/2021. (Ảnh: Reuters)
Hành khách đeo khẩu trang khi tới sân bay Malaga-Costa del Sol, tại Tây Ban Nha, ngày 7/6/2021. (Ảnh: Reuters)

Ròng rã suốt hai năm đóng băng vì làn sóng dịch Covid-19, bước sang năm 2022, ngành du lịch toàn cầu "sau cơn mưa, trời lại sáng" với hàng loạt dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong ba tháng đầu năm 2022, toàn thế giới ghi nhận 117 triệu lượt du khách quốc tế, tăng mạnh so với mức 41 triệu lượt cùng kỳ năm ngoái.

Giữa lúc ngành du lịch sẵn sàng đón chờ những luồng sinh khí mới để bứt phá, trớ trêu thay, ngành hàng không toàn cầu lại thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Delta Air Lines (Mỹ), EasyJet (Anh), Korean Air (Hàn Quốc)... là những cái tên nằm trong danh sách dài các hãng hàng không phải chật vật bù đắp khoảng trống về nhân công. Vì thiếu nhân lực, nhiều hãng hàng không phải hủy hoặc hoãn các chuyến bay khiến hoạt động của sân bay bị tê liệt. Khung cảnh hàng dài hành khách chờ đợi nhiều giờ đồng hồ mới được lên máy bay thường xuyên xảy ra tại sân bay Schiphol của Hà Lan. Đây cũng là hình ảnh thường thấy ở các sân bay lớn tại Anh, Bỉ, Đức... Hiệp hội các sân bay quốc tế (ACI) dự báo, sự chậm trễ và gián đoạn hoạt động sẽ tiếp diễn tại hai phần ba số sân bay ở châu Âu do thiếu hụt nhân lực.

Nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân lực nêu trên là do giai đoạn 2020-2021 làn sóng dịch dâng cao ở nhiều quốc gia, buộc các hãng hàng không phải sa thải hàng trăm nghìn lao động, từ phi công, tiếp viên đến nhân viên xử lý mặt đất.

Năm 2021, số lượng nhân viên của sáu hãng hàng không nội địa tại Hàn Quốc đã giảm 2.300 người so với năm 2019. Số nhân công bị cắt giảm ở các đơn vị xử lý mặt đất và dịch vụ liên quan còn lớn hơn. Sau khi bị mất việc làm, nhiều nhân viên ngành hàng không đã chuyển hẳn sang ngành nghề khác ít biến động hơn.

Để hạn chế ùn ứ hành khách ở sân bay, các hãng hàng không "cực chẳng đã" phải tìm đến một số giải pháp tình thế. Hãng hàng không EasyJet gần đây giới hạn lượng hành khách trên một chuyến bay xuống còn 150 người. Với biện pháp này, hãng hàng không sẽ giảm được số lượng tiếp viên hàng không làm việc trên chuyến bay từ bốn xuống còn ba người. Trong khi đó, hãng JetBlue Airways của Mỹ cũng quyết định cắt giảm 10% số chuyến bay trong mùa thu. Hãng này còn đưa ra khoản tiền thưởng đặc biệt trị giá 1.000 USD cho những tiếp viên hàng không hoàn thành tất cả các lịch trình làm việc. Swissport, một tập đoàn quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không hoạt động tại 285 sân bay trên toàn cầu, đang tìm kiếm 30.000 nhân viên vào mùa hè này và đã thực hiện các chiến dịch tuyển dụng trên mạng xã hội ở Anh và Mỹ.

Tình trạng chậm trễ, gián đoạn hoạt động tại sân bay đang khiến các hãng hàng không hứng chịu sự chỉ trích từ nhiều tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) Willie Walsh lại cho rằng, nguyên nhân gốc rễ là do chính phủ các nước không có sự phối hợp trong ứng phó cuộc khủng hoảng từ dịch Covid-19.

Ông Walsh nêu rõ, biện pháp đóng cửa biên giới của các nước hầu như không ngăn chặn được sự lây lan dịch bệnh, trong khi lại làm đình trệ hoạt động đi lại toàn cầu và tàn phá nền kinh tế. Ông cho rằng, đóng cửa biên giới không phải là cách ứng phó đúng đắn với đại dịch.

Trong hai năm đầu dịch Covid-19 hoành hành, ngành hàng không toàn cầu chịu tổn thất gần 200 tỷ USD. Giờ đây, khi dịch bệnh dần được kiểm soát và nhu cầu đi lại gia tăng thì vấn đề thiếu nhân lực lại cản trở ngành hàng không "cất cánh". Điều này đòi hỏi các hãng hàng không phải có sự điều chỉnh chính sách kịp thời nhằm giữ chân người lao động, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, kiến thức để linh hoạt điều động, luân chuyển...