Không còn nhiều thời gian ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu

Cộng đồng quốc tế hối thúc các quốc gia sẵn sàng thực hiện các cam kết táo bạo hơn nhằm chống biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị Thanh niên vì khí hậu (Youth4Climate) diễn ra tại Milan, Italia, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) đã cảnh báo, cơ hội ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu đang bị thu hẹp, đồng thời kêu gọi các quốc gia phát triển thực hiện cam kết mỗi năm hỗ trợ 100 tỷ USD cho các nước chịu gánh nặng của thảm họa khí hậu.
 

Biểu tượng của Hội nghị Youth4Climate diễn ra ở Milan, Italy, ngày 28/9. (Ảnh: Reuters)
Biểu tượng của Hội nghị Youth4Climate diễn ra ở Milan, Italy, ngày 28/9. (Ảnh: Reuters)

Những lời kêu gọi hành động được đưa ra trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến diễn ra từ cuối tháng này tại Glasgow, Anh.

Ðể thực hiện lộ trình giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất là 1,50C, các bên phải cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, thậm chí tham vọng lớn hơn là vào năm 2030. Quá trình chuyển đổi sinh thái không còn là một lựa chọn, mà là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Hơn một thập kỷ trước đây, các nước giàu đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước dễ bị tổn thương thích ứng và chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn, song thực tế nguồn tài chính huy động được mới chỉ như "muối bỏ bể" khi có quá nhiều việc phải làm nhằm ngăn chặn sự nóng lên của khí hậu Trái đất.

Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), chi phí để các nước đang phát triển có thể thích ứng với biến đổi khí hậu ước tính lên đến 140 - 300 tỷ USD vào năm 2030. Tới năm 2050, mức này có thể tăng thành 280 - 550 tỷ USD, cao hơn 5 lần mức dự tính trước đây.

Các nước giàu đang chịu sức ép phải thực hiện cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng các biện pháp ứng phó phù hợp trước tình trạng nhiệt độ toàn cầu gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, trong tình hình hiện nay, các nước giàu cần đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn. Bộ trưởng Năng lượng Italia, nước chủ nhà tổ chức Youth4Climate cho rằng, Italia cần tăng gấp đôi khoản đóng góp lên khoảng một tỷ euro/năm cho nỗ lực toàn cầu nhằm hỗ trợ các nước nghèo hơn ứng phó biến đổi khí hậu.

Các nước tham gia ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở mức dưới 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp thông qua chính sách cắt giảm phát thải mạnh mẽ. Các quốc gia cũng cam kết hướng đến mức tăng nhiệt độ toàn cầu an toàn hơn là 1,50C.

Theo các nhà khoa học, lộ trình 1,50C chưa nằm ngoài tầm với, nhưng không còn nhiều thời gian. Nếu không có các hành động khẩn cấp nhằm cắt giảm khí thải, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể chạm hoặc vượt ngưỡng 1,50C trong vòng 20 năm tới.

THÁI AN