Hy vọng mong manh

Liên hiệp châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đang tiến hành vòng đàm phán kéo dài bốn ngày nhằm thống nhất về mối quan hệ hai bên sau khi Anh rời khỏi “mái nhà chung châu Âu”. Tuy nhiên, việc không bên nào chịu nhường bước đang khiến hy vọng đạt được thỏa thuận là hết sức mong manh.

Trưởng đoàn đàm phán của EU M.Bác-ni-ê và người đồng cấp Anh Đ.Phrốt đã đưa các vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại song phương trở lại bàn đàm phán từ hôm 29-9. Trong bốn ngày đàm phán, hai bên đã và đang tập trung thảo luận để giải quyết những vướng mắc chính còn tồn tại như cạnh tranh công bằng hay đánh bắt cá; các vấn đề khác như thương mại hàng hóa và dịch vụ, năng lượng và hợp tác tư pháp.

Cạnh tranh công bằng đang là vấn đề khó tìm được tiếng nói chung giữa hai bên. Phía EU muốn nước Anh cam kết và bảo đảm rằng, quy định của họ trong các lĩnh vực như viện trợ nhà nước, tiêu chuẩn về xã hội và việc làm hay chính sách thuế không khác quá xa so với quy định của EU, ngay từ khi Anh tiếp cận thị trường châu Âu với tư cách là một nước bên ngoài khối. EU đưa ra các yêu cầu nêu trên bởi họ lo ngại, sau khi rời EU (Brexit), Anh sẽ nới lỏng các quy tắc trong những lĩnh vực nêu trên, trong khi tiếp tục trao đổi hàng hóa và dịch vụ với EU thông qua một thỏa thuận thương mại. Điều này có thể dẫn đến “sự méo mó về thị trường và cạnh tranh”. Tuy nhiên, quan điểm này bị Luân Đôn phản đối. Chính phủ Anh cho rằng, sự nhượng bộ như vậy sẽ làm tổn hại đến chủ quyền của nước này. Một vấn đề gai góc khác mà hai bên chưa thể đồng thuận là lĩnh vực đánh bắt cá. Sau khi Anh hoàn toàn rời EU, trong lĩnh vực khai thác thủy sản, khối này vẫn muốn duy trì mối quan hệ gần gũi nhất có thể với mối quan hệ hiện đang có với phía Anh, nhưng “xứ sở sương mù” muốn đàm phán hằng năm về hạn ngạch khai thác với các nước EU, tương tự như trường hợp của Na Uy.

Khi bước vào cuộc đàm phán quan trọng, được xem là cơ hội cuối cùng cho thỏa thuận thương mại Anh - EU hậu Brexit này, cả EU và Anh cùng tuyên bố họ đang hướng tới cùng một mục tiêu chung.

Mục tiêu đó là có một thỏa thuận vào cuối tháng 10 để cho phép tiến trình phê chuẩn của Quốc hội diễn ra, cả ở EU cũng như tại Anh. Tuy nhiên, động thái từ hai phía, nhất là phía Anh, cho thấy đàm phán có nguy cơ tiếp tục “đi vào ngõ cụt”. Hạ viện Anh hôm 29-9 đã thông qua dự luật Thị trường nội địa nhằm kiểm soát thị trường trong nước hậu Brexit, bất chấp lời đe dọa có hành động pháp lý từ EU. Gần đây, mối quan hệ hai bên đã trở nên căng thẳng sau khi Luân Đôn bác đề nghị của EU về việc rút lại một số điều khoản trong dự luật nêu trên. EU đã đặt ra hạn chót, yêu cầu Chính phủ Anh đến ngày 30-9 phải gỡ bỏ một số điều khoản trong dự luật. Động thái này của Anh không khác nào “thêm dầu vào lửa” trong bối cảnh quan hệ Anh - EU vốn đã rất nóng vì đàm phán thương mại song phương bế tắc.

Trong khi vòng đàm phán thứ 9 giữa Anh và EU diễn ra với hy vọng hết sức mong manh về một “kết thúc có hậu”, giới doanh nghiệp Anh và EU đang mất dần lạc quan về một thỏa thuận hậu Brexit. Báo chí châu Âu cho biết, hiện nhiều ngân hàng có trụ sở ở Anh đã phải nộp đơn xin giấy phép để có thể tiếp tục phục vụ khách hàng ở cả trong nước và EU. Nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận đúng hạn chót thì mối quan hệ thương mại song phương giữa EU và Anh sẽ được định hình theo các tiêu chuẩn tối thiểu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với những mức thuế quan cao và nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng.

EU và Anh là những nền kinh tế và đối tác thương mại hàng đầu của nhau, cũng như của các nước khác trên thế giới. Bởi vậy, một khi hai bên không thể tìm được tiếng nói chung trong vòng đàm phán thứ 9 này, đây sẽ là một tin buồn với thương mại và kinh tế toàn cầu. Nếu Anh rời EU mà không kèm theo một thỏa thuận thương mại hợp lý, hoạt động thương mại toàn cầu sẽ càng thêm hỗn loạn trong bối cảnh các nền kinh tế đều đang nỗ lực nối lại hoạt động sau thời gian “sức tàn lực kiệt” vì đại dịch Covid-19.