Hy vọng hòa giải

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi trước vòng đàm phán thương mại tháng 10 tới, hai bên cùng phát đi những tín hiệu hòa giải. Việc hai cường quốc tìm được "tiếng nói chung" trong vấn đề thương mại là "bài toán khó" lúc này, nhưng những tín hiệu tích cực sẽ làm dịu bớt lo ngại đối với kinh tế toàn cầu.

Một loạt tín hiệu tích cực đã xuất hiện trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc những ngày gần đây. Các nguồn tin báo chí cho biết, Trung Quốc đã nhập ít nhất 10 tàu đậu nành của Mỹ trong ngày 12-9. Ðây là số lượng đậu nành nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc từ Mỹ kể từ hồi tháng 6 đến nay. Theo đó, Trung Quốc mua tổng cộng ít nhất 600.000 tấn đậu nành trong thương vụ lần này với Mỹ. Số hàng nêu trên sẽ cập cảng Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12-2019. Phía Trung Quốc hôm 12-9 cũng thông báo đang tiến hành tham vấn về vấn đề mua nông sản của Mỹ, bao gồm thịt lợn và đậu nành.

Những tín hiệu hòa dịu tương tự cũng đã xuất hiện từ phía Mỹ khi trong tuần này Tổng thống Mỹ D.Trump đã chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD cho đến ngày 15-10 tới. Hãng tin Reuters hôm 12-9 dẫn lời ông chủ Nhà trắng tuyên bố sẽ xem xét một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc, song Tổng thống D.Trump khẳng định ông muốn có một thỏa thuận rộng lớn hơn về các vấn đề.

Trong trao đổi với hãng tin CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ S.Mnuchin đã tiết lộ rằng các nhà đàm phán thương mại Mỹ mong muốn đạt được "tiến bộ có ý nghĩa" trong các cuộc đàm phán sắp tới với Trung Quốc. Ông Mnuchin đã bày tỏ "lạc quan thận trọng" về cơ hội đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện nay. Theo ông, hai bên bước đầu sẽ tiến hành đàm phán ở cấp phó nhằm tạo thuận lợi cho cuộc gặp của các quan chức cấp cao sau đó đạt được tiến triển hướng tới một giải pháp.

Những động thái nêu trên của Mỹ và Trung Quốc là dấu hiệu nữa cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể hạ nhiệt, sau khi căng thẳng leo thang những tuần qua. Trung Quốc đã ngừng mua tất cả nông sản Mỹ để đáp trả những lời đe dọa của Tổng thống D.Trump về việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh và Washington đang nỗ lực tạo không khí hòa hoãn để hướng tới thỏa thuận giải quyết cuộc chiến thương mại khốc liệt đang gây tổn hại cho chính "những người trong cuộc" cũng như kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm 0,8% và gây nhiều thiệt hại hơn trong những năm tới. Trước đó, định chế tài chính này từng dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ mất 0,5% trong năm tới do tác động từ các mức thuế quan. Cuộc chiến thương mại cũng đã khiến cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều đang đối mặt nguy cơ suy giảm tăng trưởng.

Theo kế hoạch, Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc đàm phán thương mại song phương cấp cao vào tháng 10 tới nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn một năm qua. Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực nêu trên vẫn chưa bảo đảm hai bên đạt được thỏa thuận thương mại trong cuộc đàm phán này. Lý do là cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể chấp nhận đưa ra những nhượng bộ lớn hơn nữa.

Ngay trong thời điểm quan hệ thương mại song phương tạm hòa dịu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin đầu tuần này vẫn cảnh báo rằng Tổng thống Mỹ D.Trump sẽ "chỉ chấp nhận một thỏa thuận tốt đẹp" và sẵn sàng tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nếu cần. Theo đó, trong tương lai gần, đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vẫn chỉ là một "bài toán không có lời giải".