Hội nghị cấp cao EU-Mỹ: Tín hiệu tốt lành

Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đang nồng ấm trở lại sau một thời kỳ “băng giá”. Trước Hội nghị cấp cao EU-Mỹ dự kiến diễn ra ngày 15-6, hai bên đã bày tỏ thiện chí hợp tác và phát đi tín hiệu đồng thuận trong một số vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu.

Hội nghị cấp cao G7 diễn ra tại Cornwall, Anh, ngày 12-6. (Ảnh: AP)
Hội nghị cấp cao G7 diễn ra tại Cornwall, Anh, ngày 12-6. (Ảnh: AP)

Quan hệ Mỹ - EU đã rơi vào một thời kỳ lạnh nhạt và bất đồng trong suốt nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Mỹ D.Trump. Tuy nhiên “gió đã đổi chiều” trong mối quan hệ song phương này kể từ khi ông J.Biden trở thành ông chủ mới của Nhà trắng. Sự kiện đánh dấu việc mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa hai đối tác này “sang trang mới” là Hội nghị cấp cao EU - Mỹ dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 6 này. Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu của Bồ Đào Nha trong phát biểu tại Nghị viện châu Âu vừa tiết lộ rằng, EU muốn nhất trí với  Mỹ  về  chương trình  nghị sự đầy tham vọng trong bốn lĩnh vực chủ chốt gồm: chống đại dịch Covid-19, thúc đẩy sự phục hồi bền vững trên toàn cầu; bảo vệ trái đất và thúc đẩy tăng trưởng xanh; tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ; xây dựng một thế giới dân chủ, hòa bình và an toàn hơn.

Giới phân tích nhận định rằng, hội nghị này có triển vọng trở thành một cột mốc quan trọng trong việc khôi phục và củng cố quan hệ đối tác Mỹ - EU và hai bên có thể đạt được đồng thuận đáng kể trong những chủ đề nêu trên. Trên thực tế, trước khi diễn ra hội nghị, các động thái từ cả hai phía cho thấy họ đã “đồng chí hướng” và bày tỏ thiện chí trong một số vấn đề cùng quan tâm. Đối với cuộc chiến chống dịch bệnh, cả Mỹ và EU đều vừa có động thái giống nhau là tặng vaccine cho các nước nghèo để ngăn dịch Covid-19. Cuối tuần qua, Mỹ - lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp. Riêng các nước EU nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021.

Hai bên cũng chung tay hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở Trung Mỹ. Theo đó, Mỹ, EU và Tây Ban Nha cam kết viện trợ hơn 85 triệu USD cho Trung Mỹ và Mexico nhằm tạo ra các giải pháp thay thế cho những người di cư đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Riêng Mỹ tuyên bố sẽ dành 57 triệu USD trong tổng số 310 triệu USD mà Phó Tổng thống K.Harris cam kết dành để viện trợ nhân đạo cho khu vực này hồi tháng 4-2021. Phía EU thông báo phân bổ 22,5 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Trung Mỹ và Mexico nhằm giảm bớt tình trạng mất an ninh trong khu vực. Ngoài ra, hai bên mới đây cũng đã nhất trí đàm phán nhằm chấm dứt những tranh cãi liên quan cuộc chiến thuế nhôm, thép diễn ra nhiều tháng qua. EU và Mỹ từ tháng 3 đã nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa trong vòng bốn tháng liên quan cuộc tranh cãi kéo dài 17 năm về vấn đề trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing.

Những động thái nêu trên cho thấy, Mỹ và EU đang có bước khởi đầu thuận lợi để bình thường hóa quan hệ trong thời gian tới, bất chấp giữa hai bên vẫn còn một số bất đồng. Cuối tuần qua, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, kiêm Ủy viên phụ trách thương mại của EU V.Dombrovskis đã bày tỏ hy vọng Hội nghị cấp cao EU-Mỹ lần này sẽ giúp hai bên nhanh chóng giải quyết và ngừng các tranh chấp thương mại, thúc đẩy liên minh xuyên Đại Tây Dương nhằm đối phó những thách thức thương mại toàn cầu. Trong khi đó, Thủ tướng B.Johnson của Vương quốc Anh (một cựu thành viên EU) trong trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông BBC đã ngợi ca mối quan hệ song phương với Mỹ là “không thể hủy hoại được”.

Xem ra, quan hệ Mỹ với EU nói riêng, các quốc gia châu Âu nói chung, đang trở lại quỹ đạo hợp tác, phát triển. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho hòa bình, ổn định ở khu vực châu Âu và thế giới, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đang cùng lúc phải đối mặt đại dịch Covid-19 và nhiều thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống như hiện nay.