Hòa bình và Giải Nobel Hòa bình

NDO -

NDĐT- Đề xuất của Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế của Đuma Quốc gia Nga Alexei Pushkov, hôm 30-8, đòi tước bỏ Giải Nobel Hòa bình của ông Obama nếu Mỹ tấn công hạn chế Syria, và quyết định lùi cuộc tấn công quân sự Syria của Tổng thống Obama hôm 1-9, đang làm xôn xao dư luận.

Tổng thống Mỹ B.Obama- Gải thưởng Nobel Hòa bình 2009 đang lùi quyết định tấn công Syria chờ Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Tổng thống Mỹ B.Obama- Gải thưởng Nobel Hòa bình 2009 đang lùi quyết định tấn công Syria chờ Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

ĐỀ nghị này đưa ra trong bối cảnh thế giới đang sôi sục đoán định về một cuộc tấn công Syria sau những cáo buộc chính quyền sử dụng vũ khí hóa học và ông Obama mặc dù khẳng định đó là “hành động chống lại loài người” và chuẩn bị can thiệp quân sự hạn chế chống Syria, song đến ngày 1-9 (giờ Việt Nam) đã hoãn quyết định, đợi Quốc hội Mỹ nhóm họp trở lại cho ý kiến về kế hoạch tấn công Syria sau chín ngày nữa.

Thật oái oăm, bốn năm trước, năm 2009, chính Tổng thống Obama đã được trao Giải Nobel Hòa bình, vì “những cố gắng phi thường trong việc tăng cường ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc” (Nguồn: Ủy ban Nobel).

Tại thời điểm đó, uy tín của ông Obama đã được tạo dựng từ những nỗ lực cắt giảm kho vũ khí hạt nhân trên thế giới, giảm căng thẳng với thế giới Hồi giáo và củng cố vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông Obama chính là người đề xướng những động thái đối thoại hòa giải với thế giới Arập (Thông điệp với nhân dân Iran đầu năm 2009; Diễn văn tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ tháng 4-2009; Diễn từ đọc tại Cairo, Ai Cập tháng 6-2009 kêu gọi “sự khởi đầu mới” giữa Mỹ và thế giới Ả rập).

Ông cũng là người khẳng định sẽ triệt thoái hoàn toàn các hoạt động quân sự của Mỹ tại Iraq và rút quân Mỹ khỏi Iraq trong vòng 18 tháng kể từ ngày 27-2-2009 và đến tháng 10-2011 đã tuyên bố toàn bộ binh sỹ Hoa Kỳ rút khỏi Iraq đoàn tụ với gia đình, đó cũng là người ghi dấu cá nhân với cuộc truy lùng và tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden, tháng 5-2011.

Người ta còn nhớ, trong lời phát biểu khi nhận giải thưởng, Tổng thống Obama đã nhìn nhận thế nào về vai trò cá nhân và trách nhiệm cộng đồng trong gìn giữ hòa bình: “Các nước cùng nhận lãnh trách nhiệm đấu tranh cho hòa bình, vì không nước nào hay tổng thống nào một mình có thể thực hiện được“.

Như vậy, dẫu là người đứng đầu một cường quốc có sức nặng trong nhiều quyết định, từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho tới các tổ chức tài chính toàn cầu như WB, ông Obama đã cho thấy một luận điểm: hành động đơn phương không phải là biện pháp để kiến tạo hòa bình.

TRONG một thế giới đa cực nhiều mâu thuẫn và xung đột mà Samuel Hungtington lý giải bởi "sự va chạm của các nền văn minh", can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền, bất chấp sự cho phép Liên Hợp quốc mà trong đó, lá phiếu Ủy viên Thường trực HĐBA của Mỹ chỉ chiếm tỷ lệ 1/5, không hề là quyết định dễ dàng.

Nhất là khi hiện tại, nỗ lực dự thảo bản Nghị quyết của HĐBA do Anh soạn đã thất bại. Thủ tướng Anh Cameron tiếp đó, sau khi không tìm được hậu thuẫn của Quốc hội Anh, đành khẳng định sẽ không làm bạn đường với Mỹ trong cuộc chiến mới tại Syria, hứa hẹn thắng lợi thì ít mà rắc rối thì nhiều.

Nhất là khi hiện tại, Phái đoàn thanh sát vũ khí hóa học của Liên hợp quốc chưa đưa ra được bằng chứng rõ ràng về trách nhiệm trong cáo buộc Chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Và nhất là khi Nga, Trung Quốc cương quyết chống, và Tổng thống Nga Putin đã công khai đòi phải thấy “bằng chứng” rõ ràng, đồng thời cũng động binh đáp trả Mỹ và phương Tây bằng việc điều tàu chiến Nga tới Vùng Vịnh.

Tại thời điểm đồng minh truyền thống rẽ ngang và đối tác - đối thủ đáng gờm là Nga không còn úp mở thái độ nữa; khi làn sóng biểu tình phản đối can thiệp quân sự vào Syria nổ ra, không chỉ trong lòng nước Mỹ mà còn khắp thế giới, tràn ngập châu Âu đang mỏi mệt vì khủng hoảng kinh tế và chia rẽ, thì thật dễ hiểu vì sao Tổng thống Obama đã chọn giải pháp gác lại quyền phát động chiến tranh với tư cách Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, để cẩn trọng “chuyền bóng” về cho Quốc hội Mỹ trước khi ra quyết định.

Rõ ràng, hoặc là cả trong nước và quốc tế, cả trong quan hệ song phương và đa phương, Mỹ đang cảm thấy bất an về một quyết định quân sự đơn phương.

Hoặc giả, những gì đang tràn ngập trên truyền thông phương Tây về vũ khí hóa học “giết người hàng loạt”, “tội ác chống lại loài người” đang có vẻ như là kịch bản lặp lại ở Iraq, hoặc lùi xa hơn nữa khi gợi nhớ tới bài học “nạn diệt chủng ở Timisoara” “cuội” hồi nào để người ta lật đổ nhanh hơn chính quyền Roumania của Nicolae Ceausescu hơn, đã khiến những người hoạch định chính sách toàn cầu phải cân nhắc.

Cũng rất có thể, chính “vương miện” Nobel Hòa bình 2009, lấp lánh trong đó viên kim cương “giảm căng thẳng với thế giới Hồi giáo”, đe dọa bị hoen ố mấy năm nay, không chỉ bởi các sự kiện ở Iraq và Lybia, bởi sự bất đồng của thế giới Hồi giáo quanh cách thức tiêu diệt Osama bin Laden, mà còn bởi hệ lụy của làn sóng "Mùa xuân Ả rập” điển hình với bất ổn vòng xoáy tại Ai Cập, đã khiến ông Obama phải thận trọng.

Thay vì chịu trách nhiệm duy nhất và tối cao khi phát động chiến tranh, ông muốn san sẻ trách nhiệm cho Quốc hội Mỹ, cho đồng minh, cho các cơ chế đa phương mà quan trọng nhất là HĐBA Liên hợp quốc.

Nhỡn tiền, con số 272 phiếu thuận/285 phiếu chống của Quốc hội Anh về khả năng can thiệp quân sự vào Syria, chắc đã ít nhiều tác động rất lớn đến người đứng đầu Nhà Trắng. Không lẽ, Mỹ lại không đủ bản lĩnh “dân chủ” như đồng minh Anh quốc dám trưng cầu ý kiến Quốc hội trước một quyết định mà chắc chắn sẽ tốn tiền, tốn máu, và tốn kém không lường về danh dự, đặc biệt với những quốc gia tự cho mình nghĩa vụ bảo vệ hòa bình thế giới?

Lúc này không phải là thời điểm 2011, khi Nghị quyết số 1973 của HĐBA đã cho phép Mỹ và đồng minh tấn công Lybia; hay năm 1999, khi NATO viện dẫn Chương VII, Hiến chương Liên hợp quốc (cho phép phát động tranh với một quốc gia khi hòa bình bị đe dọa, bị phá hoại hay quốc gia đó có hành vi xâm lược) để can thiệp vào Kosovo, từ đó tạo tiền lệ cho Mỹ tấn công Iraq năm 2003.

Kể cả, nếu sau chín ngày nữa kể từ ngày 1-9, cho dù Quốc hội Mỹ nhóm họp trở lại và cho phép Mỹ can thiệp đi chăng nữa, thì sự kiện Vịnh Bắc Bộ ở Việt Nam trong thế kỷ 20 với sự hậu thuẫn của Quốc hội Mỹ dù trên cơ sở những bằng chứng ngụy tạo, cuối cùng kết thúc bằng kết luận “chúng ta đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp” của Bộ trưởng Quốc phòng McNamara , vẫn và sẽ là thí dụ tham chiếu có sức nặng với người đứng đầu Nhà Trắng.

KHI  Hòa bình đang ở trên dây, thì giải Nobel Hòa bình bị người nào đó - không nhất thiết phải là một quan chức cấp cao của Nga - đe dọa tước bỏ, sẽ là bài thuốc thử, một thứ van đạo đức, một cái khóa tinh thần nhiều hơn là khả năng thực thi.

Đề xuất của Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế của Đuma Quốc gia Nga Alexei Pushkov gây chú ý, bởi sự trớ trêu khi gắn sự tồn tại của Hòa bình và Giải Nobel Hòa bình với tên một con người mà dù muốn hay không, vẫn gắn chặt tới sự tồn - vong của những giá trị cao quý ấy.

Tước bỏ Giải Nobel Hòa bình đã trao cho một cá nhân, nhất là cho Tổng thống một cường quốc, là không dễ xảy ra.

Nhưng đặt ra viễn cảnh làm sụp đổ một giá trị, lố bịch đi một hình ảnh, là điều có thể và có khi, trên thực tế, nó sẽ đóng vai trò tác động mạnh mẽ, thậm chí thay đổi trạng thái hòa bình hay chiến tranh - chứ không phải là do sức mạnh quân sự hay các thỏa hiệp ngoại giao quốc tế.

Giải Nobel không phải là tất cả và cũng chưa phải là một chuẩn mực cho mọi thời đại. Trong quá khứ, một người cả đời đấu tranh cho hòa bình như Mahatma Gandhi, sau nhiều lần đề cử, đến khi bị ám sát vẫn không được vinh danh, trong khi giải thưởng cao quý đó đã từng gây tranh cãi khi được trao cho Thủ tướng Shimon Peres, người cả đời giữ thái độ cực hữu cứng rắn với người Palestine.

Tiêu chí Nobel Hòa bình là sự ghi nhận những "đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình".

Nếu Syria ít ngày nữa lại chìm trong bom đạn, xung đột và bất ổn bởi một cuộc chiến tranh nữa mà ông Obama không thể không gánh phần trách nhiệm, với ông Obama, tiêu chí đó sẽ phải thay đổi ra sao?

Nếu cánh cửa hòa giải giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo và tình đoàn kết giữa các dân tộc, màu da và tôn giáo - mà chính ông Obama là người hé mở và được ghi nhận như là một thành tựu nhận Giải Nobel Hòa bình - bị đóng lại bởi chiến tranh, khi lòng tin sứt mẻ và rạn nứt, chuẩn mực đó sẽ phải thay đổi thế nào?

CHỦ  nghĩa khủng bố, mà giọt nước tràn ly là vụ tấn công nước Mỹ 11-9, đã đẩy sự chịu đựng của người Mỹ và cộng đồng quốc tế tới giới hạn, đến mức, kéo theo đó là sản phẩm “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” mà bất đắc dĩ người ta phải chung sống.

Hòa bình và chủ quyền quốc gia, tự quyết của các dân tộc và luật pháp quốc tế, ở một bình diện khác, khi bị đẩy tới chân tường, khi bị đè nén bởi chiến tranh, can thiệp và áp đặt nhân danh giá trị, bản thân nó cũng có thể trở thành sức mạnh ngăn chặn những toan tính chiến tranh.

Khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki - moon kêu gọi “Hãy cho hòa bình một cơ hội” thì quyết định “lùi” của ông Obama để có thêm thời gian tham vấn Quốc hội Mỹ là một quyết định đầy tính toán, thận trọng, và đang thực sự có vẻ trở thành một "cơ hội".

Cộng đồng quốc tế có quyền hy vọng vào một quyết định phù hợp, đột phá để giải quyết xung đột trên bờ chiến tranh bằng đối thoại, cũng như năm 2008, trong Diễn văn thắng cử trước hàng triệu người Mỹ, khi di sản chiến tranh Iraq còn sừng sững trước mặt, Tổng thống Obama đã khẳng định :"Đây là thời điểm để thay đổi", "Thời điểm để phục hồi sự thịnh vượng và cổ vũ cho hòa bình..."

Không ai có quyền tước bỏ Giải thưởng Nobel Hòa bình, một khi nó đã được trao và thực tế cũng chưa có tiền lệ. Chỉ có lương tâm  và bằng hành động của chính người nhận giải mới có thể tự đánh giá là mình có xứng đáng nữa hay không.