Hành trình chông gai sau giấc mơ đổi đời của người di cư

Năm 2021, khu vực Mỹ Latin và Caribe ghi nhận tình trạng di cư ở mức độ nghiêm trọng chưa từng có, với số lượng đơn xin tị nạn vào Mexico cao kỷ lục. Vòng xoáy bạo lực, đói nghèo... ngày càng trầm trọng tại quê nhà đã thôi thúc người di cư dấn bước trên hành trình chông gai này, dẫu biết đằng sau giấc mơ đổi đời kia là những khoảng tối.

Người tị nạn và di cư từ Trung Mỹ và Caribe đi qua bang Chiapas, Mexico, để đến Mỹ, ngày 2/9/2021. (Ảnh: Reuters)
Người tị nạn và di cư từ Trung Mỹ và Caribe đi qua bang Chiapas, Mexico, để đến Mỹ, ngày 2/9/2021. (Ảnh: Reuters)

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), năm 2021 chứng kiến hàng loạt “kỷ lục buồn” về vấn đề người di cư ở khu vực Trung Mỹ. Lượng người di cư từ Trung Mỹ được UNHCR mô tả là ở mức cao “chưa từng có” trong năm qua, với gần một triệu người phải rời bỏ nhà cửa do thiếu cơ hội việc làm, do tình trạng bạo lực băng đảng, sự tàn phá của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Mexico, quốc gia trung chuyển của dòng người di cư tìm đường đến Mỹ, ghi nhận số lượng đơn xin tị nạn trong năm 2021 ở mức cao kỷ lục, với hơn 130.000 đơn. Chưa dừng lại ở đó, vụ một xe tải chở người di cư bất hợp pháp bị lật ở Mexico vào tháng 12/2021, làm ít nhất 54 người chết và hơn 100 người bị thương được đánh giá là thảm kịch gây thương vong lớn nhất đối với người di cư xảy ra ở nước này kể từ năm 2014 đến nay.

Đằng sau những giấc mơ tìm đến “miền đất hứa” như Mỹ hay Mexico là bóng tối của hiện thực tàn khốc. Cơ quan Di trú quốc gia Panama từng cảnh báo về sự xuất hiện của nhiều trẻ em trong dòng người di cư quá cảnh qua nước này. Cụ thể, Panama ghi nhận một nhóm người di cư được phát hiện gần đây có khoảng 20% là trẻ em, chủ yếu dưới 5 tuổi. Hiện, khoảng 900 người di cư đang sinh sống tại Panama, chờ đợi cơ hội tiếp tục lên đường tới Bắc Mỹ. Trong số này, hơn 400 người đang sống cảnh “màn trời, chiếu đất” trong rừng rậm.

Đói nghèo, bạo lực và thiên tai là những nguyên nhân chính thôi thúc người dân ở Haiti, Guatemala, Honduras, El Salvador… tìm cách đến Mỹ trong nhiều năm qua, bất chấp hiểm họa từ các băng đảng ma túy, tội phạm, động vật hoang dã, môi trường tự nhiên khắc nghiệt. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 là một “giọt nước làm tràn ly”. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, năm 2021, Mỹ Latin là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát. Tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 còn thấp và không đồng đều là một yếu tố khiến Mỹ Latin tụt lại phía sau các khu vực khác trên hành trình phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư diễn biến nghiêm trọng tại châu Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) đã không thể hoàn thành những cam kết của mình về giải quyết vấn đề người di cư. Hồi tháng 5/2021, Tổng thống Biden nâng giới hạn tiếp nhận người di cư cho năm tài khóa 2021 từ 15.000 người lên 62.500 người. Song trên thực tế, tính đến cuối năm tài khóa 2021, “xứ cờ hoa” chỉ tiếp nhận được 11.411 người di cư, là con số thấp nhất trong lịch sử. Hiện Mỹ đang tập trung vào hàng loạt dự án giúp phát triển kinh tế-xã hội nhằm tạo “bức tường thịnh vượng” ở khu vực Trung Mỹ, với mong muốn chặn làn sóng người di cư ở chính nơi khởi nguồn.

Chặng đường phục hồi kinh tế của khu vực Mỹ Latin còn nhiều gian truân khi đại dịch Covid-19 càng khiến những vấn đề bức xúc tồn tại lâu nay thêm trầm trọng. Xây dựng khu vực Mỹ Latin trở thành một môi trường sống thật sự ổn định là yếu tố cốt lõi thuyết phục người dân từ bỏ hành trình di cư đầy rẫy chông gai và ở lại quê hương.