Hành động cấp bách

NDO -

Diễn biến nghiêm trọng của dịch Covid-19 tại Ấn Ðộ khiến hệ thống y tế quốc gia Nam Á này có nguy cơ sụp đổ, gióng lên hồi chuông cảnh báo thế giới về công tác ứng phó đại dịch. Thu hẹp sự bất bình đẳng về y tế và vắc-xin là một trong những hành động cấp bách hiện nay để ngăn chặn các thảm kịch xảy ra.

Tình trạng tuyệt vọng của các bệnh nhân Covid-19 trong bối cảnh thiếu nguồn cung ô-xy, thiết bị y tế, giường bệnh đã làm trầm trọng thêm nỗi nhức nhối trong cuộc chống chọi đại dịch ở Ấn Ðộ, nhất là với những người dân nghèo. Mặc dù là quốc gia sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 hàng đầu thế giới, song Ấn Ðộ đang phải chứng kiến thảm kịch chưa từng thấy, khi số người mắc Covid-19 hằng ngày tăng chóng mặt, với mức 350 nghìn ca trong nhiều ngày liên tiếp. Một trong những nguyên nhân là do sự chủ quan, sau khi quốc gia Nam Á vội vàng tuyên bố thành tựu trong khống chế dịch hồi tháng 2 và người dân lơ là với các biện pháp phòng dịch trong khi sự xuất hiện các biến thể của vi-rút đã gây khó khăn cho chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Không riêng Ấn Ðộ, nhiều quốc gia như Pháp, Ðức, Séc, Ca-na-đa, Bra-xin liên tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ quá tải hệ thống y tế. Sự xuất hiện của các biến thể mới khiến tốc độ lây lan Covid-19 nhanh hơn, gây áp lực nặng nề cho hệ thống y tế. Trong ba tháng đầu năm 2021, hơn 94% trong số 135 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận tình trạng gián đoạn các dịch vụ y tế, trong đó có các biện pháp can thiệp khẩn cấp cứu sống bệnh nhân.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các chính phủ cải thiện năng lực chăm sóc sức khỏe cho tất cả người dân, trong bối cảnh đại dịch làm gia tăng bất bình đẳng y tế và phúc lợi xã hội trong nội bộ các nước và giữa các quốc gia. Ðại dịch cũng tác động tới cuộc sống của mọi người dân trên thế giới, song những người nghèo và yếu thế chịu thiệt hại nặng nhất. Theo WHO, ước tính trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã đẩy thêm khoảng 119 đến 124 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực.

Bất chấp nỗ lực triển khai các chiến dịch tiêm chủng, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, việc tiêm vắc-xin hiện nay là chưa đủ để chiến thắng đại dịch. Mặc dù tám loại vắc-xin ngừa Covid-19 đã được triển khai tiêm trên thế giới, song đại dịch vẫn không hạ nhiệt. Một trong những nguyên nhân là do việc phân phối vắc-xin không đồng đều trên toàn cầu, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới. WHO bày tỏ lo ngại về sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19, khi tới nay vắc-xin vẫn chưa đến tay các nước nghèo. Thống kê cho thấy, gần 900 triệu liều vắc-xin đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng hơn 81% trong số đó là ở các quốc gia thu nhập cao hoặc trung bình, trong khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ 0,3%. Với thực tế này, thế giới sẽ  chưa thể an toàn ít nhất đến giữa năm 2022, trong bối cảnh các biến thể dễ lây nhiễm hơn và gây tình trạng bệnh nặng hơn đang làm tăng số ca mắc Covid-19.              

Cơ chế phân phối vắc-xin COVAX được đánh giá cao thời gian qua, giúp các nước nghèo tiếp cận được nguồn cung vắc-xin. Tuy nhiên, hệ thống viện trợ vắc-xin này đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn cung, do bị ảnh hưởng bởi các hoạt động tích trữ vắc-xin. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét đã chỉ trích các nước giàu tích trữ vắc-xin, hối thúc chia sẻ vắc-xin, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cam kết tài trợ hai tỷ USD để cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 cho khoảng 40 nước đang phát triển vào cuối tháng 4.

Ngoài việc coi tiêm chủng là “chìa khóa” kiểm soát dịch bệnh, thế giới rõ ràng cần tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó trên nhiều phương diện, trong đó chú trọng bảo đảm công bằng trong tiếp cận vắc-xin. Sự chia sẻ và phối hợp toàn cầu trong phòng, chống Covid-19 là hết sức cần thiết vào lúc này, ở thời điểm mang tính quyết định với cuộc chiến chống đại dịch.