Hàn gắn vết rạn lòng tin giữa các đồng minh ở hai bờ Đại Tây Dương

Thỏa thuận AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia gây ồn ào dư luận và khiến đối tác quan trọng của cả ba nước trên là Pháp có phản ứng dữ dội. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du Pháp, với sứ mệnh xoa dịu đồng minh và hy vọng quan hệ hai nước "gương vỡ lại lành".

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tham dự cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tại Paris, Pháp, ngày 5/10/2021. (Ảnh: Pool/Reuters)
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tham dự cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tại Paris, Pháp, ngày 5/10/2021. (Ảnh: Pool/Reuters)

Chuyến công du Pháp của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ trong tuần này là bước đi tiếp theo của Washington để khôi phục lòng tin giữa hai nước đồng minh thân cận, vốn bị rạn nứt nghiêm trọng sau thỏa thuận AUKUS. Trước đó, các Bộ trưởng Ngoại giao hai nước có cuộc gặp ở New York, thảo luận về các bước xoa dịu căng thẳng. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken thừa nhận, việc hàn gắn quan hệ Mỹ - Pháp sẽ mất nhiều thời gian, công sức.

Những cảm giác phấn khởi, lạc quan của Mỹ, Anh và Australia sau khi ký thỏa thuận an ninh ba bên gần như bị xóa nhòa ngay lập tức, bởi nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, bày tỏ phản đối dữ dội đối với AUKUS. Việc Australia thông báo hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp, chuyển sang mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ theo điều khoản trong AUKUS đã khiến nước Pháp giận dữ. Paris cấp tốc triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn.

Phản ứng mạnh mẽ trên của Pháp là điều dễ hiểu. Xét về mặt kinh tế, hợp đồng mà Australia vừa thông báo hủy có giá trị lên đến 66 tỷ USD, mang ý nghĩa quan trọng đối với tập đoàn đóng tàu Naval Group, một trụ cột của nền công nghiệp quốc phòng Pháp. Xét về mặt ngoại giao, Pháp cảm giác bị các đồng minh truyền thống quay lưng. Các nhà ngoại giao Pháp đã ví hành động bắt tay giữa Mỹ, Anh và Australia như "cú đâm sau lưng" với Pháp.

Với Paris, AUKUS còn ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà các tổng thống gần đây của "đất nước hình lục lăng" nỗ lực theo đuổi. Trong đó, Australia là một mắt xích quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp. Bản thỏa thuận đối tác an ninh giữa ba đối tác của Pháp được thông báo trong bối cảnh Pháp tiến gần tới cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 4/2022, đặt giới chức nước này dưới nhiều áp lực.

Giới chuyên gia nhận định, về lâu dài, Pháp và Mỹ cần nhanh chóng khép lại tranh cãi để hợp tác cùng đối phó những thách thức an ninh lớn. Trên thực tế, Washington vẫn cần đến vị thế và năng lực của Pháp tại nhiều khu vực chiến lược. Tuy nhiên, việc hàn gắn vết rạn lòng tin giữa các đồng minh ở hai bờ Đại Tây Dương không phải việc dễ dàng, đòi hỏi nhiều hành động hòa giải thực chất, hơn là những lời nói hoa mỹ mang tính xoa dịu, trấn an thông thường.